24 Nói với con
2.1.1.3. Đặc điểm tâm lý tiếp nhận thơ trữ tình hiện đại Việt Nam của học sinh trung học cơ sở.
học sinh trung học cơ sở.
Học sinh trung học cơ sở đang ở lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi), lứa tuổi chuyển tiếp từ thời thơ ấu lên trưởng thành. Đây cũng chính là thời điểm các em có sự phát triển mạnh mẽ đến mức thiếu cân đối cả về cơ thể, thể chất, tâm lý, ngôn ngữ và trí tuệ. Hoạt động giao tiếp được coi là hoạt động chủ đạo và là nhu cầu lớn của lứa tuổi này. Nhu cầu khẳng định bản thân cũng đã hình thành và chi phối cách hành xử, suy nghĩ của các em. Những đặc điểm sinh lý và tâm lý nêu trên đã ảnh hưởng, quy định nên đặc điểm tiếp nhận tác phẩm văn học nói chung cũng như thơ trữ tình nói riêng của học sinh trung học cơ sở.
Do hoạt động giao tiếp đóng vai trò chủ đạo nên khả năng ngôn ngữ của học sinh trung học cơ sở đã khá phát triển. Các em đã có thể sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt khá lưu loát những suy nghĩ của mình cũng như để hiểu người khác. Đây là điểm thuận lợi để các em có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Tuy nhiên, giữa khả năng hiểu ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ nghệ thuật lại là cả một khoảng cách. Đôi khi, các em vẫn tỏ ra lúng túng trong việc tri giác, cảm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Ngôn ngữ thơ lại vốn cô đọng, hàm súc, đa nghĩa, có sử dụng nhiều phương thức chuyển nghĩa nên cũng lại là một thách đố đối với học sinh. Các em đã bước đầu cảm nhận được giọng điệu của bài thơ nhưng việc cảm nhận những ý nghĩa được gợi ra từ nhịp điệu, giọng điệu thơ đối với các em vẫn còn khó khăn, khả năng nhận ra những tín hiệu thẩm mỹ, đọc được cái ý ngầm của nhà văn dưới các câu chữ vẫn chưa thực sự tinh nhạy.
Gắn liền với hoạt động tri giác ngôn ngữ, tiếp nhận văn chương rất cần đến năng lực liên tưởng, tưởng tượng. Nhờ có tưởng tượng mà thế giới nghệ thuật trong tác phẩm mới hiện hình sống động. Nhờ có liên tưởng mà bạn đọc mới có
thể bắt gặp, đồng cảm với những tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ. So với học sinh tiểu học, khả năng tưởng tượng của học sinh trung học cơ sở đã linh hoạt, phong phú và lôgic hơn rất nhiều. Nhờ vậy mà các em có thể dễ dàng tái hiện, hình dung ra thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Nhưng như đã nói ở trên, do khả năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng tới quá trình hình dung, tái hiện này.
Với lứa tuổi từ 11 đến 15, các em cũng đã dần tích luỹ được vốn sống, vốn kinh nghiệm, cũng đã trải qua ít nhiều những hoàn cảnh, tình huống trong cuộc sống. Hơn nữa, những tác phẩm thơ trữ tình hiện đại dành cho bậc học này đều có nội dung gần gũi với tâm hồn, tình cảm, vốn sống của học sinh. Do đó, các em cũng dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc liên tưởng nội dung cảm xúc trong tác phẩm với kinh nghiệm của mình để cảm hiểu và sẻ chia với tình cảm của nhà thơ. Tuy nhiên, nhiều em còn liên tưởng tản mạn, lung tung. Không ít học sinh khả năng tưởng tượng và liên tưởng còn nghèo nàn. Các em mới chỉ có khả năng liên tưởng với những gì gần gũi với vốn sống của mình. Do vậy mà khi dạy học, giáo viên phải biết dựng lại không khí lịch sử đã sản sinh ra tác phẩm, cung cấp thêm tri thức, mở rộng vốn sống, nâng cao tầm đón nhận tác phẩm cho các em.
Học sinh trung học cơ sở đang ở lứa tuổi của những cảm xúc nhạy bén, tinh tế, chưa bị những tính toán so đo hơn thiệt của cuộc sống chi phối. Các em rất dễ dàng xúc động trước những tình cảm, cảm xúc trong thơ. Tuy nhiên, cũng có không ít hiện tượng học sinh “trơ lỳ cảm xúc” trong tiếp nhận thơ ca. Không ít em tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với loại hình nghệ thuật rất hấp dẫn này. Các em thường ít hiểu, ít yêu thơ và học thơ một cách miễn cưỡng, ép buộc. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với giáo viên trong việc tạo nên bầu không khí văn chương để có được sự “cộng hưởng cảm xúc” trong dạy học thơ trữ tình.
Do cách xây dựng chương trình Ngữ Văn mới lấy kiểu loại văn bản làm trục đồng quy nên học sinh trung học cơ sở đã bước đầu được làm quen với lý thuyết về thể loại văn học. Với thơ trữ tình, các em đã được học từ lớp 6,7 và được học một cách kỹ lưỡng hơn ở hai lớp 8,9 nên các em cũng bước đầu nắm bắt được đặc trưng của thơ trữ tình. Các em cũng biết chú trọng tới hình tượng cảm xúc khi tiếp nhận thơ dù cho khả năng phân tích, lý giải cảm xúc ấy còn có những hạn chế.
Do tư duy khái quát chưa cao nên trong tiếp nhận thơ trữ tình, học sinh trung học cơ sở tỏ ra biết phát hiện, phân tích các chi tiết nghệ thuật cụ thể tốt hơn
là việc đặt chúng trong chỉnh thể của tác phẩm để khái quát giá trị của những chi tiết ấy. Các em cũng bước đầu biết đánh giá giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, nội dung đánh giá mới chỉ thiên về nội dung cảm xúc chứ chưa mở rộng việc đánh giá tác phẩm trong mối quan hệ đối sánh với những tác phẩm khác, trong lịch sử sáng tác của nhà văn và trong tiến trình lịch sử văn học.
Chính những xúc cảm thẩm mỹ trong quá trình tiếp nhận thơ trữ tình đã nâng đỡ và phát triển tâm hồn cho các em. Từ việc hiểu, đồng cảm với dòng cảm xúc trong thơ mà không ít em đã tự nhận thức được những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống này.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy học sinh trung học cơ sở có những tiền đề tâm lý nhất định cho việc cảm thụ, tiếp nhận thơ trữ tình nhất là thơ trữ tình hiện đại Việt Nam. Mặt khác, cũng cần phải thừa nhận thơ trữ tình là một hiện tượng đặc biệt của văn chương với phương thức phản ánh đời sống đặc thù. Tiếp nhận nó đòi hỏi phải có những năng lực đặc thù ngoài những năng lực tiếp nhận tác phẩm văn chương nói chung. Vì vậy mà quá trình tiếp nhận thơ của các em rất cần đến sự tổ chức, dẫn dắt, định hướng của giáo viên.