24 Nói với con
2.3.3.1. Đàm thoại gợi mở bằng hệ thống câu hỏi.
Như đã nói ở phần trước, việc sử dụng hệ thống câu hỏi trong dạy học tác phẩm văn chương nhằm dẫn dắt định hướng cho học sinh con đường tiếp nhận tác phẩm cũng như đảm bảo nguyên tắc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học. Nếu ở bước tiếp cận, cảm nhận mạch cảm xúc trữ tình trong thơ cần đến những câu hỏi cảm xúc nêu ấn tượng chung khái quát, câu hỏi gợi hình dung tưởng tượng, liên tưởng thì ở bước khám phá, lý gải nhằm nắm bắt chiều sâu mạch cảm xúc lại rất cần đến những câu hỏi dạng phân tích – cảm thụ, câu hỏi lý giải và câu hỏi nêu vấn đề.
Cũng không thể phủ nhận vai trò của câu hỏi tái hiện, câu hỏi hình dung tưởng tượng, liên tưởng trong hoạt động phân tích, cắt nghĩa. Nhờ trả lời những câu hỏi dạng trên mà học sinh hình dung được, dựng lại được thế giới đời sống trong tác phẩm. Chẳng hạn, với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, có thể hỏi: “Trong khổ thơ thứ nhất, cảm xúc về mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh và âm thanh nào?” Chắc chắn, học sinh sẽ tái hiện lại được khung cảnh mùa xuân với nhiều hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc cùng với âm thanh là tiếng chim hót vang trời.
Tuy nhiên, đây chưa phải, không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là bước đệm để phân tích, cắt nghĩa lý giải thế giới ấy. Với thơ trữ tình, học sinh không chỉ tái hiện lại sự vật, sự việc được mô tả mà quan trọng hơn phải đọc ra được, lý giải được tình cảm, cảm xúc mà chủ thể trữ tình muốn bày tỏ một cách kín đáo trong tác phẩm. Nếu chỉ sử dụng những câu hỏi tái hiện nghĩa là những câu hỏi mà câu trả lời đã có sẵn trong tác phẩm, học sinh chỉ việc sử dụng những
thông tin ngay trong văn bản để trả lời sẽ tạo cho các em thói quen lười suy nghĩ, hiểu nông cạn, chỉ biết đến sự vật, sự việc mà không thấy được cảm xúc thơ, tư tưởng của tác phẩm. Do vậy mà hoạt động phân tích mạch cảm xúc trữ tình cũng đồng thời là phân tích thơ trữ tình, những câu hỏi có tính chất sáng tạo như: câu hỏi phân tích – cảm thụ, câu hỏi lý giải, câu hỏi nêu vấn đề … được vận dụng nhiều hơn cả. Đây là những dạng câu hỏi có khả năng định hướng gợi suy nghĩ, tìm tòi cho học sinh.
Câu hỏi phân tích – cảm thụ là câu hỏi buộc học sinh phải suy nghĩ, sử dụng những thông tin trong bài, những đầu mối có trong văn bản để trả lời. Cũng với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, sau khi học sinh trả lời câu hỏi tái hiện, giáo viên nêu câu hỏi phân tích - cảm thụ: “Những hình ảnh và âm thanh đó gợi một khung cảnh mùa xuân như thế nào? Cảm xúc của con người trước khung cảnh mùa xuân ấy?” Học sinh sẽ phải suy nghĩ và cảm nhận được: Những hình ảnh và âm thanh ấy gợi lên một khung cảnh mùa xuân đẹp, tươi vui, sáng sủa, rộn rã. Khung cảnh ấy tác động tới lòng người tạo nên một cảm xúc thiết tha nồng nàn, say sưa, ngây ngất. Nhân vật trữ tình như muốn hòa mình, tận hưởng âm thanh kỳ diệu của mùa xuân.
Câu hỏi lý giải là dạng câu hỏi hướng vào chi tiết, hình ảnh, biến cố bất ngờ trong bài thơ thể hiện chiều sâu cảm xúc trữ tình cũng như tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ. Đây là dạng câu hỏi buộc học sinh phải nhập cảm, rung động thực sự, hiểu thấu đáo mới có thể trả lời được. Chẳng hạn với bài thơ “Viếng lăng Bác”, giáo viên đặt câu hỏi: “Vì sao ấn tượng đầu tiên của người con miền Nam lại là hàng tre nơi lăng Bác?”, “Theo em vì sao bài thơ Viếng lăng Bác lại được phổ nhạc?” Với câu hỏi thứ nhất, học sinh có thể lý giải: tre vốn là là loài cây gần gũi, quen thuộc với đời sống của người dân Việt Nam. Đó còn là loài cây mang vẻ đẹp thanh cao, sức sống bền bỉ. Trong thơ ca, tre còn biểu trưng cho vẻ đẹp hiền hậu, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam trong lao động và chiến đấu. Tre được trồng quanh lăng Bác gợi một cảm giác thân thuộc, gần gũi. Tre gắn bó với mọi sinh hoạt của người dân Việt Nam, giờ đây, tre lại canh giấc ngủ cho Người. Có lẽ vì vậy mà ấn tượng đầu tiên của người con miền Nam lại là hàng tre trước lăng Bác chăng? Cũng có lẽ vì ấn tượng và cảm xúc ấy mà hình ảnh cây tre còn kết lại bài thơ với một nguyện ước chân thành : “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”. Với câu hỏi thứ hai, học sinh buộc phải thâm nhập sâu, hiểu thấu đáo
cảm xúc của bài thơ để lý giải: bài thơ thể hiện lòng biết ơn thành kính, nỗi nhớ tiếc xót thương cũng như nguyện ước chân thành của nhà thơ khi lần đầu tiên ra thăm lăng Bác. Tình cảm tha thiết ấy không chỉ của riêng nhà thơ mà là của tất cả nhân dân Việt Nam, đặc biệt nhân dân miền Nam chưa một lần được gặp Bác. Hình ảnh thơ gợi nhiều xúc cảm lẫn suy tư, giọng thơ thiết tha, sâu lắng tạo được sự đồng cảm của nhiều người. Chính những lý do đó mà bài thơ “Viếng lăng Bác” đã được phổ nhạc và âm nhạc lại một lần nữa tôn vinh thêm tấm lòng của người dân Việt Nam với Bác kính yêu. Dạng câu hỏi này gần như xuất hiện thường xuyên trong các giờ dạy học. Nó tạo điều kiện cho các em thâm nhập sâu hơn vào tác phẩm, giúp cho sự cảm nhận của các em ngày càng sâu sắc hơn.
Câu hỏi nêu vấn đề là những câu hỏi mà nội dung của nó xuất phát từ chính những vấn đề trong tác phẩm, xuất hiện trong những tình huống có vấn đề trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương. Đó là khi vấn đề hay nội dung, cảm xúc của bài thơ cần phải nắm bắt, lý giải nhưng học sinh bằng năng lực hiện có, chưa đủ khả năng để nhận thức được. Do vậy, giáo viên cần nêu vấn đề rồi gợi mở giúp học sinh huy động tri thức, vốn sống, vốn kinh nghiệm của mình để tiếp nhận vấn đề đó. Với bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ có thể đặt vấn đề: “Mượn lời con hổ, nhà thơ muốn gửi gắm tâm sự gì? Đó có đơn thuần chỉ là tâm trạng của riêng nhà thơ không?”. Giáo viên có thể gợi mở giúp các em huy động tri thức về hoàn cảnh lịch sử xã hội khi bài thơ ra đời, tình cảnh, suy nghĩ của người dân Việt Nam mất nước nói chung và của tầng lớp tri thức tư sản nói riêng để nhận thức được ý nghĩa khái quát của mạch cảm xúc trong bài thơ này.
Câu hỏi nhận thức là dạng câu hỏi yêu cầu học sinh phải khái quát liên hệ giữa những cái đã đọc, đã cảm nhận với thế giới bên ngoài bài học. Việc khám phá tác phẩm theo hướng này thì học sinh không chỉ hứng thú, hiểu sâu sắc mạch cảm xúc trong thơ mà còn liên hệ một cách sống động, tự nhiên cảm xúc trong thơ với những vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải có thể hỏi: “Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người?”
Có thể nói với những dạng câu hỏi như trên, học sinh sẽ được định hướng và tự tìm tòi, phân tích, khám phá và chiếm lĩnh mạch cảm xúc trong thơ. Mặt khác, như chúng ta đã biết, thơ trữ tình là sự dồn nén, bộc lộ trực tiếp những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình với đầy đủ mọi sắc thái cung bậc.
Vi vậy mà mỗi câu chữ, yếu tố nghệ thuật trong bài thơ đều lấp lánh ánh hào quang của cảm xúc. Do đó phạm vi của câu hỏi phân tích, cắt nghĩa cảm xúc trữ tình trong thơ cũng rất rộng. Câu hỏi có thể hướng vào cắt nghĩa từ ngữ: “Cách tác giả sử dụng đại từ xưng hô con có ý nghĩa gì?” (Viếng lăng Bác); câu hỏi hướng vào hình ảnh: “Em có cảm nhận như thế nào về hình ảnh Đầu súng trăng treo?” (Đồng chí); câu hỏi hướng vào chi tiết: “Chi tiết bà mắng cháu gợi cho em những cảm nhận gì về tình bà cháu?” (Tiếng gà trưa); câu hỏi huớng vào biện pháp tu từ: “Tại sao tác giả lại sử dụng hình ảnh ẩn dụ mặt trời để chỉ em bé trong bài thơ?” (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ); câu hỏi hướng vào giọng điệu: “Bài thơ có hai giọng điệu chủ đạo và dường như đối lập nhau. Theo em đó là giọng điệu nào? và sự đối lập ấy có tác dụng gì?” (Nhớ rừng); câu hỏi hướng vào nhan đề bài thơ: “Tại sao tác giả lại đặt tên bài thơ là Tiếng gà trưa?” v.v..
Tác phẩm văn chương nói chung và thơ trữ tình nói riêng là một thể thống nhất, mạch cảm xúc trữ tình trong thơ có sự vận động biện chứng. Do vậy mà câu hỏi hướng dẫn học sinh phân tích mạch cảm xúc trữ tình trong thơ trữ tình hiện đại cần phải tạo thành một hệ thống, câu hỏi trước phải gọi ra và là tiền đề cho câu hỏi sau. Các câu hỏi phải nằm trong chuỗi các công việc liên hoàn từ việc đọc cho đến dẫn dắt vấn đề, gợi mở vấn đề theo mạch tư duy lôgic cùng với việc khai thác kết quả các câu trả lời của học sinh nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là sự tri âm giữa học sinh và tác giả. Chẳng hạn, hướng dẫn học sinh phân tích tình cảm bà cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa”, có thể sử dụng hệ thống câu hỏi sau: Âm thanh tiếng gà trưa đưa nhân vật trữ tình trở về với nhiều kỷ niệm của tình bà cháu. Đó là những kỷ niệm nào? Chi tiết bà mắng cháu gợi cho em cảm nghĩ gì về tình cảm của bà? Cảm nghĩ của em về hình ảnh người bà chắt chiu từng quả trứng trên tay? Nỗi lo của bà trong đoạn thơ này gợi những cảm nghĩ gì trong em? Như thế, trong ký ức về tuổi thơ của cháu, người bà hiện lên với những đức tính cao đẹp nào? Những chắt chiu, lo toan của bà được bù lại bằng niềm vui của cháu. Chi tiết niềm vui được quần áo mới của cháu gợi cho em nghĩ gì về tuổi thơ của mỗi con người và tình bà cháu trong cuộc sống này? Tình cảm bà cháu hiện lên trong lời nói, cử chỉ và cảm xúc hết sức bình thường nhưng tại sao kỉ niệm ấy lại trở thành ký ức không phai mờ trong tâm hồn người cháu?
Tóm lại, câu hỏi phân tích, dẫn dắt mạch cảm xúc trong thơ cần phải kích thích tư duy, khả năng sáng tạo trong cảm thụ tác phẩm văn chương cho các em,
phải có tính lôgic, hệ thống và đặc biệt là tập trung vào những điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ. Có như vậy, biện pháp này mới thực sự hữu hiệu.