Các yếu tố nghệ thuật góp phần truyền tải cảm xúc trong thơ trữ tình.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 35)

Thế giới trữ tình là một thế giới ước lệ và biểu tượng. Đó là thế giới của cảm xúc, suy tư, của những khao khát, nỗi niềm nên nó vô hình, vô ảnh, bí ẩn và trìu tượng. Vì mang tính tinh thần nên thế giới ấy cần những phương tiện vật chất để tự tái hiện. Và hình thức nghệ thuật thơ chính là chiếc cầu giao tiếp nối thế giới của những tâm tư tình cảm ấy với bạn đọc đúng như Hêghen đã từng nói: “Hình thức chủ quan của thơ bắt buộc tìm một hình thức phù hợp với nó” và “chất liệu thơ trữ tình phải diễn tả được sự vận động chủ quan bên trong của nhà thơ”.

Chúng ta cũng biết văn bản thơ trữ tình được đặc trưng bởi tính ngắn gọn. Đây không chỉ là vấn đề hình thức mà thực chất là vấn đề thuộc về nội dung, hé lộ

lẽ tồn tại đích thực cũng như những đặc trưng cơ bản khác của thơ trữ tình. Ngắn gọn được xem là “cách xử lý nghệ thuật hợp lý nhất, tự nhiên nhất giúp bài thơ bảo tồn được tính sống động và dạng thức kết tinh cao độ của tình cảm” [15/57]. Ngoài ra, ngắn gọn còn là một phương thức tiềm ẩn quan niệm “lời không nói hết ý” đặc trưng cho hoạt động sáng tạo thơ ca cũng như tạo nên ưu thế rất lớn cho việc tạo nên sự đồng cảm. Cùng với dung lượng nhỏ thì cách thức tổ chức bài thơ cũng hết sức chặt chẽ, không mang tính ngẫu nhiên. Đó là sự lựa chọn hình thức tương đối phù hợp giúp thơ trữ tình bộc lộ tốt nhất dưới dạng trực tiếp những xúc cảm, cảm nhận của nhân vật trữ tình trước mọi hiện tượng đời sống, đặc biệt là những cảm xúc nồng cháy đang ở giai đoạn cao trào – những xúc cảm mà cách biểu đạt bình thường của văn xuôi không đáp ứng được cũng như một sự diễn tả thiếu cô đọng sẽ xuyên tạc độ căng hay bản chất, tính chất của nó. Cũng chính vì vậy mà mỗi một yếu tố nghệ thuật trong văn bản thơ đều có nhiệm vụ mang chở những tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Nhà thơ, trong quá trình sáng tác, cũng hết sức lưu ý, tận dụng các nhân tố trong bình diện kết cấu ngôn từ cũng như kết cấu hình tượng để truyền tải có hiệu quả nhất cảm xúc của mình. Có thể nhận diện được những nhân tố ấy như: tứ thơ, nhan đề tác phẩm, bố cục bài thơ, ngôn từ, nhịp điệu, thể thơ v.v..

1.3.1. Tứ thơ.

Tứ thơ là hạt nhân kết cấu của hình tượng thơ. Nó đứng ở vị trí trung tâm của quá trình sáng tạo thơ ca với chức năng liên kết tất cả các yếu tố trong bài thơ tạo thành một chỉnh thể thống nhất tạo nên hình tượng thơ mang tính cô đọng, khái quát, thấm đẫm cảm xúc, dồn nén suy tư. Trong sáng tác, người ta thường nói tới sự lóe sáng của tứ thơ. Đúng hơn là sự lóe sáng của tư duy nghệ thuật khi tứ thơ vụt đến. Nói khái quát lại, tứ thơ chính là một sự phát hiện – phát hiện của nhà thơ về bản thân và thế giới. Do tính chất phát hiện đó mà tứ thơ hiển nhiên đóng vai trò chi phối, quy định âm hưởng, màu sắc, giọng điệu, độ dài ngắn của bài thơ và đôi khi cả thể thơ nữa.

Sự phát hiện tứ thơ của nhà thơ bao giờ cũng nảy sinh trên một nền tảng cảm xúc nhất định và nó có chức năng làm sáng tỏ trở lại nền tảng cảm xúc ấy. Bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu với tứ thơ về sự chuyển vần đáng giật mình của thời gian qua bước chân của mùa thu đẹp đã khiến cho âm hưởng bài thơ trở nên xôn xao, buồn bã hay là buồn bã trong nỗi xôn xao. Rõ ràng, lúc này, tứ thơ đã quy định chiều hướng cảm xúc, âm hưởng, màu sắc của bài thơ.

Khi đã thừa nhận, tứ thơ thể hiện sự khám phá mới của nhà thơ về bản thân và thế giới thì đồng thời cũng có thể rút ra được một hệ luận: tứ thơ là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá cường độ cảm xúc, chiều sâu nhận thức, chiều sâu cái nhìn và cả phẩm chất nghệ thuật của tác giả. Xuân Diệu đã từng xác nhận: “Ngôn ngữ, lời, chữ vẫn là rất quan trọng bởi thơ là nghệ thuật ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai, mà cái quan trọng thứ nhất làm giường cột cho tất cả, là cái tứ thơ, nó chủ đạo cho cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ.” [13/117]. Đó là phía người sáng tạo. Còn với độc giả, với người nghiên cứu, khi đi vào một bài thơ, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định cho đúng cái tứ của nó. Nếu không làm được điều này, ta sẽ khó chiếm lĩnh được bài thơ trong tính chỉnh thể toàn vẹn của nó, và trong trường hợp tiêu cực nhất, những lý giải của ta sẽ bị những “sự kiện” trong chính bài thơ bác bỏ.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 35)