- Sang thu là bài thơ thể hiện những cảm
3.5. Giải thích thiết kế thực nghiệm.
Sự lựa chọn kiến thức cơ bản cho bài thơ “Tiếng gà trưa” và “Sang thu” trong thiết kế giáo án thực nghiệm đã dựa trên mục tiêu bài học, giá trị tác phẩm, đặc trưng thi pháp thể loại, tâm lý lứa tuổi, năng lực tiếp nhận thơ trữ tình của học sinh theo khối lớp cũng như yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Nội dung cơ bản của thiết kế là đi từ việc xác định nhân vật, chủ thể trữ tình, từ các yếu tố hình thức nghệ thuật mà nhận ra, phân tích, cắt nghĩa lý giải mạch cảm xúc trữ tình trong bài thơ. Thiết kế đã cố gắng giúp học sinh tiếp cận nội dung cảm xúc trong thơ từ những dấu hiệu hình thức nghệ thuật nhằm đảm bảo mối quan hệ biện chứng giữa hình thức và nội dung của tác phẩm văn chương.
Với bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, giáo án tập trung khai thác mạch cảm xúc trữ tình được gợi ra từ âm thanh tiếng gà trưa. Trung tâm thẩm mỹ được xác định trong bài thơ chính là sự hòa quyện giữa âm thanh tiếng gà trưa và hình ảnh ổ trứng hồng. Nếu âm thanh tiếng gà trưa gợi ra xảm xúc thì hình ảnh ổ trứng hồng lại làm cho cảm xúc lắng sâu. Do vậy giáo án cũng hướng vào khai thác tác dụng của phép điệp ngữ và cắt nghĩa, lý giải hình ảnh ổ trứng hồng để làm sáng tỏ mạch cảm xúc cũng như chiều sâu cảm xúc trong tác phẩm.
Với bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh, giáo án tập trung khai thác những nét riêng, sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về mùa thu. Vì vậy, giáo án đã hướng học sinh tới sự đối chiếu so sánh với những cảm xúc về mùa thu trong thơ ca truyền thống. Ngôn ngữ, hình ảnh trong “Sang thu” đặc sắc, gợi cảm, có sự biến
ứng từ cảm giác linh hoạt của nhà thơ. Do đó, giáo án đã chú trọng khai thác cách biểu hiện cảm giác, cảm xúc của nhà thơ qua ngôn ngữ nghệ thuật. Giáo án cũng luôn hướng quá trình khai thác bài thơ vào tư duy so sánh: So sánh cảm nhận, cách thể hiện cảm nhận của nhà thơ với những nhà thơ khác; so sánh cảm nhận, biểu hiện cảm nhận của tác giả giữa các khổ thơ để thấy được sự vận động của mạch cảm xúc, suy tư. Đây còn là bài thơ đa nghĩa nên thiết kế cũng hướng học sinh tới ý nghĩa ẩn dụ của bài thơ. Đây là một đòi hỏi khó đối với học sinh lớp 9 nên có thể chỉ cần nói qua cho học sinh nghe.
Trong các giáo án trên, chúng tôi luôn chú ý xây dựng một hệ thống câu hỏi từ dễ đến khó phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận. Có câu hỏi phân tích - tái hiện, câu hỏi phân tích - cảm thụ, câu hỏi hình dung tưởng tượng, câu hỏi lý giải, nêu vấn đề. Có cả sự phối hợp đan xen giữa việc tổ chức học cá nhân và thảo luận nhóm cho học sinh một cách linh động. Cả hai giáo án đều chú ý tới biện pháp giảng bình khi giới thiệu bài, khai thác các điểm sáng thẩm mỹ cũng như khái quát, kết lại vấn đề giúp cho học sinh cảm nhận tác phẩm một cách sâu sắc hơn, tạo được bầu không khí văn chương cho giờ học.
Cả hai thiết kế đều rất chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà. Giáo án đã cung cấp thêm câu hỏi cho học sinh bởi lẽ chỉ dựa vào câu hỏi trong sách giáo khoa để chuẩn bị bài e là chưa đủ. Từ những câu hỏi cho trước, các em sẽ có một khoảng thời gian rộng rãi để đọc và khám phá, thâm nhập vào mạch cảm xúc trong bài thơ.
Cả hai thiết kế đều đưa ra bài luyện tập ở cuối giờ học nhằm khắc sâu thêm cảm nhận của học sinh về mạch cảm xúc trữ tình trong bài thơ.
Nhìn chung, nội dung của giáo án có tính cụ thể chi tiết. Tuy nhiên, khi thực hiện giảng dạy trên lớp, trước nhiều tình huống sư phạm, giáo viên cần linh hoạt trong việc tổ chức cho học sinh tiếp nhận tác phẩm nhằm đạt được mục tiêu mà thiết kế đã đặt ra.