Sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng là cả một quá trình tìm tòi, xúc động và thai nghén của người nghệ sĩ. Ngay việc đặt tên cho đứa con tinh thần của người nghệ sĩ cũng không hoàn toàn diễn ra một cách tùy tiện mà không hàm chứa một ý đồ nghệ thuật nào đó. Lịch sử sáng tác đã từng chứng kiến rất nhiều các nhà văn nhà thơ phải trăn trở như thế nào trong việc đặt tên cho tác phẩm. Và cũng không ít những tác phẩm mà tên gọi của nó lại góp phần không nhỏ trong việc làm sáng rõ, soi tỏ tư tưởng, chủ đề, ý đồ sáng tác, quan niệm nghệ thuật của nhà văn.
Thơ trữ tình có điểm xuất phát là cảm hứng và được làm bằng chính cảm hứng, cảm xúc phong phú, tinh nhạy của nhà thơ. Cảm hứng ấy, cảm xúc ấy đôi khi được bộc lộ ngay trong chính nhan đề của tác phẩm, góp phần mời gọi, chỉ đường dẫn lối cho người đọc khám phá mạch cảm xúc trữ tình trong thơ.
Nếu cách đặt tên cho thơ trữ tình trung đại đã trở thành công thức mang tính quy phạm như: Mạn thuật, Trần thuật, Tức sự, Ngôn hoài … và ít có khẳ năng gợi mở nội dung cảm xúc của chủ thể thì cách đặt tên cho thơ trữ tình hiện đại có khẳ năng gợi mở hơn nhiều. Tiêu đề tác phẩm thơ trữ tình hiện đại đôi khi chỉ ngay ra vùng xúc cảm thẩm mỹ đối với đối tượng trữ tình như: Đây thôn Vĩ
Dạ, Nguyệt cầm, Quê hương, Ông đồ, Việt Bắc, Đất nước, Tây Tiến, Đồng chí, Bếp lửa, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Dáng đứng Việt Nam v.v.. Có khi nó còn chỉ ra nội dung cảm xúc tư tưởng
tiềm ẩn trong văn bản nữa: Thề non nước, Đây mùa thu tới, Vội vàng, Tương tư,
Nhớ rừng, Khi con tu hú, Nhớ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nằm nghiêng v.v.. Thậm
chí, nhan đề còn chỉ ra độc giả mong muốn mà bài thơ hướng tới như: Gửi em cô
thanh niên xung phong, Kính gửi cụ Nguyễn Du v.v.. Chính vì vậy mà ở nhiều tác
phẩm chỉ cần đọc qua tiêu đề thơ, bạn đọc đã phần nào phán đoán được vùng cảm xúc cũng như nội dung cảm xúc trong thơ. Tất nhiên những phán đoán này còn cần phải được kiểm chứng trong quá trình thâm nhập, tìm hiểu dòng ngôn từ thơ.
Có những bài thơ mà nhan đề lại có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, thoạt nhìn qua thì nó không biểu thị ngay cảm xúc thơ nhưng lại góp phần khái quát và nâng cảm xúc thơ như: Núi đôi, Màu tím hoa sim, Hố bom và khoảng trời, Ánh trăng,
Hai nửa vầng trăng, Huyền thoại v.v..