So sánh, đối chiếu.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 101)

24 Nói với con

2.3.3.3. So sánh, đối chiếu.

Trong nhận thức thế giới khách quan, kỹ năng so sánh bao giờ cũng giúp chúng ta phát hiện ra đặc điểm chung, cái mới cũng như cái khác biệt. Kỹ năng so sánh văn học có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận thức, rút ra những kết luận, đánh giá về hiện tượng văn học. Biện pháp so sánh từ lâu đã được coi như một bí quyết thành công trong việc phân tích tác phẩm văn chương. Nó giúp chúng ta nhìn rõ hơn vấn đề cần phân tích.

Trong dạy học tác phẩm văn chương, so sánh làm cho học sinh dễ dàng hình dung, nắm bắt đối tượng cần phân tích đồng thời mở ra cho các em một

trường liên tưởng phong phú, giúp cho việc ghi nhớ các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm có tính hệ thống, làm giàu có, phong phú kiến thức văn học cho các em.

Thơ trữ tình đặc biệt là thơ trữ tình hiện đại là một thế giới cảm xúc với những biểu hiện muôn màu, muôn vẻ. Nó là mảnh đất màu mỡ để biện pháp so sánh đối chiếu thực sự phát huy hết khả năng của mình. Phạm vi đối chiếu so sánh trong việc hướng dẫn học sinh phân tích mạch cảm xúc trữ tình cũng rất phong phú với đầy đủ mọi cung bậc sắc thái, trên nhiều cấp độ. Vẻ đẹp của thơ trữ tình đi đến đâu thì so sánh cũng có thể có mặt ở đó. Nhỏ là từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, tiết tấu …, lớn là hình tượng, tác giả, đề tài thậm chí là cả một thời đại thi ca. Có thể là một khía cạnh rất nhỏ trong cách cảm nhận, cũng có khi chỉ một ý thơ thôi cũng có thể liên hệ đối chiếu với thực tế cuộc sống hoặc cuộc đời tác giả để sự phân tích thêm sáng rõ.

Ở cấp độ hình ảnh thì trong quá trình phân tích hình ảnh này, ta có thể liên hệ so sánh đối chiếu với những hình ảnh khác trong văn học trên cơ sở tương đồng hoặc tương phản nhằm chỉ ra những nét riêng, nét nổi bật của hình ảnh cần phân tích, cắt nghĩa. Để cắt nghĩa hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, có thể hướng học sinh tới những liên tưởng chân thành: Tác giả kết thúc khổ thơ bằng một hình ảnh thật ấm áp. Trong tâm thức của con người, bàn tay luôn là vật trung gian để những trái tim yêu thương đến với nhau. Anh chiến sĩ Trường Sơn sôi nổi “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, còn nhà thơ Tố Hữu lại nghẹn ngào “Bàn tay con nắm tay cha / Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng”. Hơi ấm bàn tay qua cửa kính vỡ rồi đã truyền cho các chiến sĩ lái xe sức mạnh vượt qua thử thách nơi chiến trường ác liệt. Hơi ấm gần gũi mà thiêng liêng từ bàn tay của vị cha già dân tộc đem đến cho nhà thơ sức sống và niềm tin yêu thành kính. Song hơi ấm cái nắm tay của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa đã thực sự làm xúc động lòng người. Cái nắm tay chứa đựng sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc, tạo dựng cho các anh nguồn sức mạnh vượt qua khó khăn, gian khổ. Hơi ấm bàn tay ấy được truyền từ ngọn lửa trong trái tim yêu thương, giúp các anh vượt qua cái rét cắt da, cắt thịt trong hoàn cảnh áo rách, quần vá, chân không giày. Có thể nói, hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” là hình ảnh cao đẹp nhất của sự sẻ chia thầm lặng đầy sức mạnh. Nó cô đúc trọn vẹn vẻ đẹp ân tình cách mạng của anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.

Ở cấp độ tác phẩm, có thể đối chiếu so sánh bài thơ cần phân tích với những tác phẩm trước đó để thấy được sự kế thừa và cách tân; đối chiếu với những tác phẩm sau để thấy được đặc điểm thơ ca của thời đại; những tác phẩm cùng thời để thấy được sự độc đáo; những tác phẩm chính của nhà văn để thấy được vẻ riêng, nét riêng hoặc một quy luật nào đó. Những đối sánh này không ngoài mục đích nhằm làm sáng tỏ nét riêng, chiều sâu cảm xúc của bài thơ.

Dạy học “Đồng chí” của Chính Hữu, có thể hướng học sinh liên tưởng tới bài thơ “Giá từng thước đất” của chính tác giả để thấy được nét chung trong cảm xúc và suy tư của nhà thơ về những người lính, đồng đội của mình trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ. Mạch cảm xúc trong Đồng chí là sự chiêm nghiệm về cơ sở, biểu hiện cũng như sức mạnh của những con người cùng chung một chí hướng, một lý tưởng cách mạng. Đó là sự gắn bó tự nhiên, chân thành nhưng cũng không kém phần thiêng liêng sâu nặng. Dòng cảm xúc ấy luôn trăn trở, đeo đẳng, thôi thúc nhà thơ viết tiếp những vần thơ ca ngợi, dành tặng cho đồng đội của mình. Và “Giá từng thước đất” ra đời sau “Đồng chí”, lại một lần nữa cụ thể hơn những chiêm nghiệm của nhà thơ, đánh dấu bước trưởng thành trong nhận thức tư tưởng của tác giả: “Năm mươi sáu ngày đêm ta mới hiểu thế

nào là đồng đội / Đồng đội ta / Là hớp nước uống chung / Là nắm cơm bẻ nửa / Là chung nhau một trưa nắng một chiều mưa / Chia khắp anh em một mẩu thư nhà / Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp / Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết …”. Với liên hệ như trên, học sinh sẽ hiểu sâu hơn về tình đồng chí, đồng

đội trong kháng chiến, đọc ra được mạch cảm xúc cũng như những nhận thức suy tư của nhà thơ.

Ở cấp độ đề tài, có thể hướng học sinh liên hệ, đối sánh bài thơ cần phân tích với những bài thơ có cùng đề tài để thấy được điều quan trọng trong văn chương không phải là đề tài mà là cách xử lý đề tài. Tuy cùng viết về một đề tài song mỗi bài thơ lại có những nét riêng, cách cảm nhận riêng độc đáo do sự chi phối của cảm xúc cũng như tài năng, sự nhạy bén của nhà thơ. Phân tích mạch cảm xúc trong “Sang thu” của Hữu Thỉnh, không thể không hướng học sinh liên hệ với những bài thơ cùng viết về đề tài mùa thu của các nhà thơ trước đó để thấy được con đường đi riêng, nét riêng trong cảm xúc của tác giả “Sang thu”. Hữu Thỉnh viết về mùa thu khi mà trước đó trong làng thơ ca Việt Nam đã có không ít những bức tranh thu đặc sắc. Đó là bức tranh mùa thu nơi làng quê trong chùm

thơ thu của Nguyễn Khuyến, là sự lắng nghe “Tiếng thu” kỳ diệu trong thơ Lưu Trọng Lư, là mùa thu đẹp trong sự tàn tạ phôi pha trong thơ Xuân Diệu. Nhưng Hữu Thỉnh đã tìm cho mình một con đường đi riêng. Ông đã chớp lấy cái khoảnh khắc kỳ diệu nhất, khoảnh khắc giao mùa để ghi lại bước chân mùa thu trong thơ mình. Và cảm xúc trong “Sang thu” cũng không phải là cảm thức mất mát, lo lắng trước bước đi của thời gian như trong thơ Xuân Diệu mà đó là một cảm xúc trong trẻo tha thiết, là sự bất ngờ ngạc nhiên trước những đổi thay kì diệu của đất trời, là thái độ sống điềm tĩnh, vững vàng, chín chắn hơn trước mùa thu của đời người. Có thể coi “Sang thu” là một nốt nhạc duyên dáng, tinh tế, mới mẻ mà Hữu Thỉnh đã góp vào cho giai điệu thơ thu của Việt Nam.

Trong phân tích cảm xúc thơ, có thể liên hệ với những câu thơ, đoạn thơ, bài thơ có cùng ý tưởng để học sinh thấy được tính quy luật, sức khái quát, phổ biến của cảm xúc trữ tình. Phân tích “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, có thể liên hệ với một số câu thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu: Không phải chỉ đến “Ánh trăng”, lời nhắc nhở về lẽ sống ân tình thủy chung mới được đặt ra với những người lính đang sống trong hào quang của chiến thắng cũng như mọi người nói chung. Những ám ảnh lo lắng về sự quên lãng đã được nhà thơ Tố Hữu dự cảm từ 1954 khi ông viết “Việt Bắc”. Ngay trong giây phút chia tay đầy quyến luyến giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ cách mạng về xuôi, dự cảm ấy đã được Tố Hữu gửi gắm qua lời hỏi của những người ở lại: “Mình về thành thị xa xôi / Nhà cao

còn nhớ núi đồi nữa không / Phố đông còn nhớ bản làng / Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”. Với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, nỗi lo lắng ấy đã trở

thành sự thực. Giây phút “giật mình” của nhân vật trữ tình giúp chúng ta ngộ ra bao điều, nhắc nhở chúng ta phải tự nhìn nhận lại thái độ sống của chính mình.

Phát hiện được cái hay, cái đẹp của các phương tiện nghệ thuật trong việc truyền tải cảm xúc, phân tích được chúng trong trường liên tưởng nghệ thuật là sự thành công cơ bản của quá trình tiếp nhận thơ trữ tình. Tuy nhiên, để phân tích cảm xúc trong thơ trữ tình thông qua so sánh, đối chiếu đòi hỏi giáo viên cũng như học sinh phải có nhiều vốn liếng về văn chương, kinh nghiệm sống và văn hóa sâu rộng. Bên cạnh đó, phải có một tư duy sắc sảo, trường liên tưởng nhạy bén. Có như thế, so sánh mới trở thành một phản xạ thường trực trong dạy học phân tích thơ trữ tình.

Hơn nữa, so sánh đối chiếu cũng có những giới hạn và mức độ của nó. Do thời lượng của giờ dạy học có hạn nên khi thực hiện so sánh đối chiếu cần phải cân nhắc sao cho hài hòa với các thao tác khác, không được lấy nội dung so sánh thay thế cho việc khám phá bản thân tác phẩm. Đây chỉ được coi như một phương tiện để đi vào thế giới cảm xúc của bài thơ. Cần tránh tình trạng say sưa, sa đà vào đối tượng so sánh mà làm lu mờ đi đối tượng phân tích dẫn tới đi chệch mạch cảm xúc của cái tôi đang vận động. Mọi so sánh đều phải tôn trọng tính chỉnh thể của bài thơ, nhằm mục đích làm sáng tỏ thêm cho cảm xúc trữ tình trong thơ.

Tiểu kết:

Chúng tôi đã đề xuất và trình bày một số biện pháp, thao tác tiếp cận và tiếp nhận mạch cảm xúc trữ tình trong thơ trữ tình hiện đại Việt Nam. Quá trình phân tích của luận văn cũng đã chỉ ra khái niệm, chức năng, vị trí cũng như cách thức vận dụng của từng biện pháp. Để tiện cho việc trình bày, chúng tôi đã tách chúng ra thành từng thao tác, từng biện pháp. Thực chất, giữa chúng có một mối liên hệ chặt chẽ, hòa quyện với nhau trong quá trình dạy học thơ trữ tình trong nhà trường phổ thông. Và khi vận dụng trong thực tiễn dạy học, các giáo viên cần linh hoạt trong việc vận dụng các biện pháp trên sao cho phù hợp với nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, mục tiêu bài học, khả năng của học sinh và năng lực của chính bản thân mình.

Chương 3

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w