24 Nói với con
2.3.3.2. Giảng bình.
Biện pháp này thực chất bao gồm hai hoạt động giảng và bình. Chúng thường đồng hành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng vẫn có ranh giới riêng của nó.
Giảng là hoạt động giảng giải, làm rõ nghĩa. Giảng trong dạy học tác phẩm văn chương là giảng giải để học sinh hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu sâu tác phẩm, làm cho những yếu tố, ngôn ngữ, kết cấu, hình tượng trong tác phẩm trở nên sáng tỏ. Lời giảng phải cảm xúc, gọn và rõ. Để giảng giải, giáo viên phải làm việc một cách khách quan, khoa học, vận dụng tri thức văn học và các nguồn tri thức khác để phân tích và lý giải tác phẩm. Mọi bất cẩn trong hoạt động này đều dẫn tới hậu quả khá nghiêm trọng, khiến học sinh hiểu sai, hiểu lệch lạc về tác phẩm. Nói một cách khái quát, giảng là làm cho học sinh hiểu ngôn ngữ nghệ thuật để từ đó hiểu nội dung của tác phẩm. Theo PGS Nguyễn Thị Thanh Hương: “Giảng là giới thiệu, thuyết minh, giải thích làm cho học sinh hiểu được văn bản một cách toàn vẹn với những điều tinh tế, sâu sắc, hàm ẩn” [34/254]. Trong phương pháp dạy học văn truyền thống, hoạt động giảng giải thường chiếm vị trí độc tôn, thể hiện được sức mạnh cũng như năng lực của người giáo viên Ngữ Văn. Trong đổi mới phương pháp dạy học văn, hoạt động này vẫn sẽ phát huy được ưu thế của nó nếu được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ.
Hoạt động bình văn là những giây phút thăng hoa của cảm xúc trong sự cộng hưởng kỳ diệu giữa người đọc và tác phẩm văn học được biểu hiện bằng ngôn ngữ đầy cá tính sáng tạo của người đọc. Nói như Hoài Thanh thì bình là “từ chỗ mình cảm thấy hay, làm thế nào cho người khác cũng cảm thấy hay”. Bình trong dạy học tác phẩm văn chương là làm cho học sinh đánh giá đúng và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương. Người bình có quyền trình bày, thể hiện sự cảm thụ, thưởng thức, đánh giá tác phẩm theo chủ quan của mình, tất nhiên không chệch ra ngoài tác phẩm. Nếu như giảng có thể vận dụng với nhiều yếu tố trong tác phẩm thì bình chỉ tập trung vào những điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm mà thôi.
Giảng bình là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa giảng và bình. Bình phải dựa trên cơ sở của giảng. Cả bình và giảng đều yêu cầu tính chính xác, hợp lý song
bình còn cần đến nhiệt tình của người bình. Đó là sự rung cảm lại những rung cảm của nhà văn trước cuộc sống, là thái độ của người bình đối với sự rung cảm ấy. Do vậy mà nó dễ dàng tạo hứng thú, sự cộng hưởng cảm xúc trong giờ dạy học tác phẩm văn chương. Nói về mối quan hệ giữa bình và giảng, GS Phan Trọng Luận đã chỉ ra: “Nhờ bình mà lời giảng thêm sâu, nhưng bình phải dựa trên giảng. Giảng không bình thì ý gọn và khô, bình không giảng thì ý đồ miên man, xa vời” [46/180]. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng và bình giúp cho việc lý giải và đánh giá tác phẩm văn chương giảm bớt tính chất lý trí, công thức đồng thời cũng tránh được sự nhận xét cảm tính, chủ quan, thiếu căn cứ và sẽ làm cho giảng bình có sức thuyết phục hơn.
Chẳng hạn với chi tiết “giấc ngủ bình yên” của Bác Hồ trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, có thể kết hợp giảng bình như sau: Đây là một cách nói giảm nói tránh nhằm xoa dịu nỗi mất mát đớn đau. Trong tâm thức nhà thơ, Bác không hề mất đi mà vẫn còn kia, nằm kia. Bác chỉ ngủ thôi, một giấc ngủ ngàn thu, bình yên. Đó là giấc ngủ bình yên trong nỗi nhớ thương và quý trọng, ơn nghĩa thuỷ chung của mọi người như nhà thơ Viễn Phương đã cảm nhận và như một nhà thơ khác cũng đã nói hộ tất cả: “Chúng con canh giấc ngủ cho Người mãi mãi, Bác Hồ ơi !”
Giảng bình trong dạy học tác phẩm văn chương là quá trình tìm tòi, phát hiện cái hay, cái đẹp, cái độc đáo và biểu đạt nội dung đó cho người khác nghe. Đây là một hoạt động nghiêm túc và sáng tạo, là “nghệ thuật làm văn trên văn bản” giúp học sinh cảm nhận và lý giải được cái hay cái đẹp trong tác phẩm văn chương, tạo hứng thú cho giờ dạy học, rèn luyện năng lực diễn đạt cho cả giáo viên lẫn học sinh. Với những ưu thế trên, giảng bình được coi là biện pháp đặc thù, có vị trí quan trọng trong dạy học tác phẩm văn chương. GS Phan Trọng Luận đã khẳng định: “Giảng bình vẫn cứ là việc làm khá quen thuộc đối với nhiều giáo viên văn học. Hình như đã trở thành một thứ bí quyết trong giảng văn. Ai biết bình và bình giỏi, giờ văn sẽ hứng thú, mang màu sắc cảm xúc văn học rõ rệt. Không một giờ văn nào thành công mà lại thiếu lời bình của giáo viên” [46/175].
Thơ trữ tình là sự bộc lộ trực tiếp cảm xúc của con người. “Thế giới của thơ mênh mông, tình của thơ sâu lắng, nhịp sống của thơ mãnh liệt, nó ăn sâu bám rễ vào đời sống tinh thần của con người” [14/57]. Do vậy mà giảng bình thơ cũng như rèn luyện năng lực giảng bình thơ cho các em là điều cần thiết. Mặt khác,
ngôn ngữ thơ trữ tình lại hàm súc, cô đọng, mơ hồ, giàu nhạc tính. Chỉ có thông qua giảng bình mới có thể giúp các em đi sâu khám phá thế giới vi diệu của thơ trữ tình, đọc ra, đồng cảm với mạch cảm xúc trữ tình trong đó. Giảng bình đã thực sự phát huy được hiệu quả tối ưu của mình trong dạy học thơ trữ tình. Giờ dạy học thơ trữ tình dứt khoát phải có những đoạn bình hay, làm rung động tâm hồn các em, làm cho các em say sưa thích thú, ghi tạc để rồi mang theo suốt cuộc đời mình.
Chẳng hạn, với đoạn thơ: “Đâu những chiều lênh láng …. riêng phần bí mật” (Nhớ rừng), giáo viên có thể giảng bình như sau: Hình ảnh con hổ trong hoàng hôn đỏ máu thật oai hùng, lẫm liệt. Mấy tiếng “lênh láng máu” gợi một cảnh chiến trường tàn bạo. Nhưng đó là “máu”, màu đỏ của mặt trời. Chữ “chết” làm khối cầu lửa trở thành một sinh thể, một con thú cuồng điên. Chữ “mảnh” là hình ảnh mặt trời trong con mắt ngạo mạn và khinh miệt của con hổ. Sự gay gắt trong giờ phút “hấp hối” của mặt trời dường như càng làm cho vị chúa sơm lâm thêm khinh bỉ. “Trong vũ trụ này chỉ có một đối thủ được hổ xem là kỳ phùng địch thủ, ấy là mặt trời. Nhưng trong cuộc tranh chấp ấy, phần thắng đã thuộc về con hổ. Ba tiếng “mảnh mặt trời đã làm hạ ngục địch thủ, làm cho mặt trời vốn chói chang là thế trở nên thảm hại. Bằng chiến công chói lọi này, tác giả đã nâng mãnh thú lên tầm vóc vũ trụ, kỳ vĩ nhất trong những cái kỳ vĩ của vũ trụ này. Có thể nói đến câu thơ “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” thì bàn chân ngạo nghễ của hổ đã giẫm đạp lên bầu trời và cái bóng của hổ đã cơ hồ trùm kín cả vũ trụ. Và “Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật” thì nó đã tỏ rõ oai linh thống trị cả vũ trụ. Sự phi thường kỳ vĩ đã lên tới tột bậc, vô biên” (Trần Đình Sử).
Hay với hình ảnh so sánh độc đáo: “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng / Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh, có thể giảng bình như sau: Linh hồn làng biển đã được hình ảnh hoá, cụ thể hoá bằng hình ảnh cánh buồm trắng no gió căng phồng, cứ rướn cao, rướn cao mãi, đưa thuyền ra biển lớn. Cánh buồm gợi những chuyến đi xa, những ước mơ khoáng đạt bay bổng, lãng mạn của tuổi trẻ đầy hoài bão. Cánh buồm như cánh chim trời, như muốn rời khỏi cột buồm, vút bay lên bầu trời cao xanh thăm thẳm. Đó là tình quê, tình yêu làng ngây thơ, trong sáng và đắm đuối của chàng trai biển Tế Hanh. Với câu kết bài “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”, có thể giảng bình: “Cái mùi nồng mặn của muối, cá, gió, nắng, sóng biển là đặc trưng riêng
của linh hồn quê hương đã ám ảnh nhà thơ suốt cuộc đời. Câu thơ cất lên như một tiếng kêu thầm mỗi khi nhớ quê hương đến không kìm nổi lòng mình. Sự thành thực của nhà thơ thật không ngờ. Không có một tâm hồn đắm đuối không thể viết lên những lời thơ như thế.” (Hoài Thanh).
Dạy học “Tức cảnh Pắc Bó”, giáo viên có thể bình chữ “sang” ở cuối bài: Chữ “sang” được coi là nhãn tự của bài thơ, kết tinh toả sáng tinh thần của toàn tác phẩm. Bởi lẽ chữ “sang” như đọng lại nụ cười sảng khoái của thi nhân luôn vượt lên những ràng buộc vật chất để quyết tâm thực hiện hoài bão của mình. Nụ cười ấy, chúng ta đã gặp ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi và các bậc túc nho khác. Nó chính là cốt cách thanh cao của những nhân cách lớn. Có điều với Hồ Chí Minh, “sang” ở đây còn là một biểu hiện của thái độ điềm tĩnh, tự tin để tiếp tục thực hiện hoài bão của mình. Hoài bão nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chỉ nghĩ đến điều đó thì những khó khăn gian khổ kia chẳng thể làm lui ý chí. Điều đó đã làm nên cốt cách Hồ Chí Minh khiến chúng ta khâm phục, tự hào.
Có thể sử dụng lời giảng bình ngay trong phần giới thiệu bài dạy học hay còn gọi là lời vào bài nhằm tạo tâm thế, hứng thú định hướng nhận thức cho học sinh. Cũng có thể sử dụng giảng bình để chuyển đoạn, chuyển ý trong quá trình phân tích tác phẩm tạo nên một sự kết nối khoa học, nghệ thuật xuyên suốt quá trình dạy học. Lời giảng bình chuyển đoạn cần đảm bảo khái quát lượng thông tin vừa khai thác vừa định hướng tiếp nhận kiến thức ở phần sau. Lời bình này sẽ giúp học sinh nắm được sự vận động lôgic của mạch cảm xúc trữ tình trong thơ. Chẳng hạn, hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài Lượm của Tố Hữu, khi tìm hiểu xong đoạn thơ thứ 13 (Lượm ơi, còn không?), trước khi chuyển đoạn, giáo viên có thể dành ít phút để giảng bình: “Sau đoạn thơ bồi hồi miêu tả sự hy sinh của Lượm, tác giả đã dành đúng một dòng thơ với hình thức câu hỏi tu từ thể hiện trạng thái se thắt của mình: “Lượm ơi, còn không?”. Câu thơ như một tiếng kêu nghẹn ngào đau đớn, niềm cảm phục sâu sắc trước tấm gương một thiếu niên biết quên mình vì Tổ quốc. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh Lượm, một chú bé liên lạc nhí nhảnh hồn nhiên, giàu lòng yêu nước đã trở thành bất tử.” [25/158 - 159]
Lời giảng bình có tính chất khái quát mở rộng thường được thực hiện sau mỗi đoạn, mỗi ý hoặc hoàn tất quá trình tìm hiểu tác phẩm. Thông thường, phần tổng kết bài, giáo viên thường liệt kê hoặc yêu cầu học sinh liệt kê hai vấn đề: nội
dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, tác phẩm văn chương không chỉ chỉ đem đến lượng thông tin mà còn kích thích sự bùng nổ thông tin. Lời bình giá khái quát mở rộng đòi hỏi vừa phải cô đọng vừa phải khắc sâu mạch cảm xúc trữ tình, những vấn đề có ý nghĩa tư tưởng trong bài thơ và đặt ra những vấn đề lớn lao hơn. Điều đó sẽ gây ấn tượng, để lại dư âm, dư vị cho học sinh và kích thích hứng thú các em đi vào thế giới cảm xúc trong thơ nói riêng và thế giới nghệ thuật của văn chương nói chung. Nói bình giá là khâu hoàn tất quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương cũng là như thế.
Vận dụng giảng bình trong dạy học tác phẩm văn chương nói chung và huớng dẫn học sinh phân tích mạch cảm xúc trữ tình trong thơ nói riêng cần chú ý linh hoạt trong việc kết hợp giữa giảng và bình tùy theo nội dung của giảng bình. Trong trường hợp, ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc trong sáng tới mức học sinh hiểu cả rồi thì không cần phải giảng. Ngoài ra, cần phải kết hợp giữa giảng và bình. Tránh tình trạng giảng không bình hay bình mà không giảng. Dù lời bình có hay đến mấy nhưng học sinh không hiểu gì thì lời bình cũng trở nên vô ích. Mặt khác, lời bình phải hay theo phương châm “sâu, đẹp. gọn, gợi”, cách diễn đạt lời bình cũng phải tương xứng tạo nên sự “đồng cảm xúc” giữa giáo viên, tác phẩm và học sinh.
Rõ ràng, giảng bình có một chỗ đứng, một ưu thế riêng. Đây không phải là biện pháp độc tôn nhưng là biện pháp hữu hiệu mang tính đặc trưng, góp phần không nhỏ vào việc tạo nên sức mạnh riêng của bộ môn văn trong nhà trường phổ thông. Nó đưa tới sức hấp dẫn riêng cho khoa học văn chương, khắc phục phần nào tình trạng thờ ơ lạnh nhạt với môn văn ở học sinh hiện nay. Vì vậy, đây là một biện pháp cần được nhìn nhận và vận dụng một cách đúng đắn.