Không chỉ mã hóa thông qua các hình ảnh, biểu tượng, cảm xúc trong thơ còn được mã hóa bằng âm thanh dựa trên cơ chế truyền cảm của lời nói. Theo các nhà tâm lý học, dưới áp lực của cảm xúc, con người thường cất cao giọng khiến lời nói trở thành có ngữ điệu. Cảm xúc biểu lộ rất mạnh mẽ ở thanh điệu cũng như nhịp điệu của lời nói. “Trong việc truyền đạt các trạng thái cảm xúc, nếu như nội dung lời nói tác động nhiều vào ý thức thì thanh điệu, tiết tấu, nhịp điệu lại tác động nhiều vào lĩnh vực cảm xúc”. Từ cơ chế truyền cảm tự nhiên của lời nói, Hêghen đã giải thích cơ sở chủ quan của những hình thức âm thanh trữ tình như sau: Trữ tình sử dụng độ vang để diễn tả nội cảm, để nhấn mạnh sự cộng hưởng, là nhu cầu “tự thấy mình”. Sự vận động chủ quan bên trong (sôi nổi, yên tĩnh, lặng lẽ hay dồn dập) đều thể hiện bằng những âm thanh của ngôn ngữ. Các phương tiện: vần, phép lặng, nhịp là diễn tả những thay đổi theo thời khắc, phụ thuộc những đòi hỏi tinh thần. Nhịp diễn tả bước đi của tạo hình thế giới, bước vận động nội tâm, để con người tự nhìn thấy mình. Qua nhịp điệu và độ vang ngân, con người cảm giác được mình, thấy được sự vận động của dòng tình cảm của mình.
Quả vậy, “Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà bằng cả âm thanh nhịp điệu của từ ngữ ấy (…). Âm thanh nhịp điệu thêm hàm nghĩa cho từ, gợi ra những điều mà từ ngữ không nói hết” [65/367]
Nhịp điệu trong thơ bao gồm độ cao thấp của một từ, vần, nhịp, ngữ điệu … và đây thực chất là sự mã hóa cảm xúc và tư duy thơ. Mỗi một loại âm, vần, thanh trong tiếng Việt lại có một giá trị biểu cảm nhất định. Hãy đọc những câu thơ sau:
- Tài cao phận thấp chí khí uất Giang hồ mê chơi quên quê hương.
Những thanh trắc khiến cho câu 1 mang một âm hưởng trúc trắc, nặng nề góp phần diễn tả một thân phận gian nan, tâm trạng uất ức, nghẹn ngào, bế tắc của chủ thể trữ tình. Những sang đến câu 2, dường như chủ thể trữ tình đã tìm cho mình một lối thoát bằng cách xê dịch, giang hồ, tìm những thú vui để khỏa lấp tâm hồn mình. Và hàng loạt thanh bằng gợi âm hưởng nhẹ nhàng, lâng lâng đã biểu đạt thành công những thay đổi tâm trạng đó.
Nhịp điệu trong thơ còn thể hiện ở sự cân đối và sự trùng lặp các yếu tố ngôn ngữ. Sự sóng đôi hài hòa của các dòng thơ: “Sống trên đá không chê đá gập
nghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói” khiến cho lời dặn con của
nhà thơ Y Phương trở nên thiết tha, trìu mến hơn. Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, lời ru trực tiếp cứ lặp đi lặp lại tạo nên âm điệu, giọng điệu dìu dặt, vấn vương của lời ru, thể hiện tình cảm thiết tha trìu mến của người mẹ.
Trong nhiều bài thơ, các tác giả đã tạo nên những cách ngắt nhịp riêng, phù hợp với cảm xúc, tạo ấn tượng đặc biệt về giọng điệu. Nhà thơ Tố Hữu nghẹn ngào trước sự hy sinh anh dũng của Lượm: “Ra thế / Lượm ơi!” Dòng thơ bị cắt đôi đã tạo ra nhịp thơ như tiếng nấc nghẹn ngào, xúc động lòng ngưòi.
Những dấu ngắt nhịp trong những câu thơ sau đây diễn tả nỗi xúc động thiêng liêng mà cả dân tộc, Tổ quốc cùng hội hộp chờ mong và sướng vui đến nghẹt thở. Một niềm sung sướng thần tiên, chếnh choáng say và chủ thể trữ tình như đang bay lên, tan vào cảnh vật:
- Ôi sáng xuân nay, / xuân 41 Trắng rừng biên giới / nở hoa mơ Bác về …/ Im lặng /con chim hót Thánh thót / bờ lau / vui ngẩn ngơ …
(Theo chân bác - Tố Hữu)
Nhịp điệu trong thơ bao gồm nhịp điệu cảm xúc và nhịp điệu đời sống. Trong đời sống, nhịp điệu vốn là phương thức vận động và tồn tại của vạn vật và vũ trụ. Nhịp điệu trong thơ cũng mang bóng dáng của nhịp điệu đời sống. Đó có thể là sự lặp đi lặp lại một tiếng chim gọi bạn trong chiều hoàng hôn, một tiếng lá rụng, tiếng chân trâu lọc cọc trên đường vắng, tiếng võng kẽo kẹt với tiếng bà ru cháu, tiếng xôn xao của sóng biển, niềm rạo rực của đoàn quân chiến thắng … Tuy nhiên, nhịp điệu thơ lại không hoàn toàn trùng khớp với nhịp điệu đời sống.
Nhịp điệu thơ đôi khi là “sự phá vỡ nhịp điệu đời sống để tạo nên cảm xúc”, nó là “những khuôn hình để đời sống uốn theo” (57/46). Giữa nhịp cố định (âm luật) của bài thơ và nhịp tư duy (nghĩa từ vựng, cú pháp) thường có sự tương đồng nhưng có khi không phù hợp. Ấy là khi nhịp tư duy phá vỡ nhịp cố định tạo nên một nhịp điệu thực sự của bài thơ. Đó là cái mà Nguyễn Đình Thi gọi là luật bên trong và để phá vỡ được luật bên ngoài thì luật bên trong phải rất mạnh. Để diễn tả tiếng lòng của người đi, người về trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã dùng những từ hết sức chính xác gợi tâm trạng bâng khuâng bồn chồn bối rối lúc chia tay: “Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”, “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Nhịp thơ lục bát đều đặn nhịp nhàng vốn có đến đây cũng như vì chút bối rối trong lòng người mà thay đổi:
- Áo chàm / đưa buổi phân ly Cầm tay nhau / biết nói gì / hôm nay.
Rõ ràng, nhịp thơ đã diễn tả thần tình một thoáng ngập ngừng của tình cảm. Trong thơ trữ tình hiện đại, nhịp điệu thơ thường co giãn bởi cảm xúc của nhà thơ, của chủ thể trữ tình trước cuộc sống. Nhịp điệu của câu thơ chính là nhịp điệu của tâm hồn. Chính nhờ nhịp điệu của tâm hồn mà mỗi bài thơ lại có một giọng điệu riêng không trộn lẫn, không lặp lại.
Thơ trữ tình hiện đại Việt Nam ít chú ý tới vần điệu mà chú trọng nhiều hơn tới giọng điệu. Thiếu đi giọng điệu, câu thơ sẽ không có hồn, bài thơ sẽ nhạt nhẽo thiếu sức truyền cảm. Sự phong phú về nội dung, ý vị đậm đà của thơ, hồn thơ, chất men say đắm trong thơ chính là ở giọng điệu. Giọng điệu thường toát ra từ lời thơ hoặc cách xưng hô, gọi tên, dùng từ … Nói cụ thể hơn, giọng điệu được tạo ra từ sắc thái biểu cảm của từ ngữ. Do mang sắc thái biểu cảm mà giọng điệu thể hiện được thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ của tác giả và truyền tải thái độ ấy cho bạn đọc. Thái độ, tình cảm của tác giả cũng chính là nội dung cảm xúc của bài thơ. Do mang sắc thái tình cảm nên giọng điệu cũng là một phương diện của nội dung cảm xúc. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, người ta vẫn coi giọng điệu là một phương diện hình thức biểu đạt tình cảm, cảm xúc trong thơ. Trong thơ, thái độ, tình cảm, cảm xúc và giọng điệu là những yếu tố kết dính với nhau, cảm xúc thế nào thì giọng điệu thế ấy, có bao nhiêu sắc thái cảm xúc thì có bấy nhiêu giọng điệu. Ở những tác phẩm lớn, đa nghĩa thường có nhiều giọng điệu hoặc nhiều sắc thái giọng điệu trên cơ sở một giọng điệu chính.
“Nhớ rừng” của Thế Lữ vừa có giọng bi phẫn, uất ức, căm giận vừa có giọng hùng tráng tha thiết hể hiện hai cung bậc cảm xúc trái ngược của nhân vật trữ tình. Nhưng giọng bi phẫn vẫn nổi lên và trở thành giọng điệu cơ bản của bài thơ. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, đoạn đầu có giọng trong trẻo tha thiết, đoạn giữa giọng thơ đột ngột cất cao để rồi sang đoạn cuối, giọng thơ trở nên trầm lắng, suy tư. Chính sự thay đổi giọng điệu đã chịu sự chi phối cũng như góp phần biểu đạt sự vận động của mạch cảm xúc trữ tình trong bài thơ.
Có thể nói giọng điệu là một hình thức nghệ thuật trực tiếp diễn tả thái độ, tình cảm, cảm xúc trong thơ. Nếu ta chỉ tiếp cận bài thơ trên phương diện ngôn ngữ, hình ảnh hoặc âm thanh, nhịp điệu mà bỏ qua giọng điệu, người đọc sẽ mất đi một phương diện khai thác thơ, sẽ không thấy hết được thái độ, tình cảm, cảm xúc mà nhà thơ đã gửi gắm ở trong đó.
Sự hàm súc và ngắn gọn của bài thơ trữ tình bắt nguồn từ chỗ thế giới trữ tình là thế giới bão hòa cảm xúc. Do cảm xúc là những phiến đoạn tình cảm, là một vận động, một hứng khởi của tâm hồn, mỗi bài thơ là một sự độc bạch, diễn đạt một niềm vui, một nỗi buồn, một mối suy tư nên bài thơ không thể dài mà phải ngắn gọn. Gặp một bài thơ là ta gặp tâm hồn con người trong một khoảnh khắc, một phút giây bởi lẽ “bài thơ không ôm trọn cuộc đời con người vì chủ thể không thể bộc lộ trong giây lát” (Biêlinski) Chính vì dồn nén trong một dung lượng ngôn từ có hạn nên cảm xúc của chủ thể trữ tình luôn có xu hướng vượt ra ngoài cái vỏ chật hẹp của ngôn ngữ. Cùng với sự hỗ trợ của các biện pháp tu từ, việc sử dụng các biểu tượng phối hợp với âm thanh, nhịp điệu, giọng điệu, cảm xúc và tư tưởng trong thơ đã tiến tới: lời ít ý nhiều, ý ở ngoài lời, lời ít ý khôn cùng.
1.3.6.Thể thơ.
Trong quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, việc lựa chọn thể thơ cũng không hề diễn ra một cách tuỳ tiện, đơn giản. Bởi lẽ, mỗi một thể thơ lại có một ưu thế riêng trong việc biểu đạt một nội dung cảm xúc nào đó. Thơ cách luật (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt) với sự hài hoà cân đối rất phù hợp với việc diễn tả nội dung trang trọng nghiêm túc. Thơ năm chữ lại thường thiên về sự giãi bày tâm trạng. Thơ bảy chữ lại thường bộc lộ những tình cảm trang trọng, đằm thắm. Thơ lục bát lại rất phù hợp với những tình cảm dạt dào, tha thiết trong khi song thất lục bát lại thường diễn tả những nội dung quay về với quá khứ giàu kỷ niệm. Giữa nội dung cảm xúc, tứ thơ và thể thơ có một mối quan hệ mật thiết. Nhà thơ Huy Cận cũng đã viết: “Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức thể
loại nào. Trong đời làm thơ của tôi, tôi phải mấy lần thay áo cho thơ, phải đổi thể loại thì tứ thơ mới bật ra được”. Tứ thơ phải được đầu thai đúng thể loại thì hình tượng thơ, cảm xúc thơ mới lộ ra được. Do vậy, có thể khẳng định thể thơ cũng là một phương diện nghệ thuật quan trọng trong việc diễn tả, biểu đạt cảm xúc thơ.
Thơ trữ tình hiện đại với sự phong phú đa dạng về nội dung cảm xúc đã kéo theo sự đổi mới và phong phú của các thể thơ so với trữ tình trung đại. Sự phong phú của nội dung cảm xúc đã làm rạn nứt khuôn khổ gò bó của câu thơ cách luật. Thơ tự do (bao gồm cả thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ và những bài thơ thực sự tự do) xuất hiện và phát triển dần dần trở thành thể loại chủ đạo đáp ứng được nhu cầu phô bày cảm xúc trước cuộc sống muôn màu muôn vẻ của các thi nhân. Nguyên tắc tôn trọng dòng chảy tự nhiên sống động của cảm xúc đã làm cho hình thức thơ, kết cấu bài thơ thay đổi nhiều. Nó làm cho khuôn khổ từng bài thơ co giãn linh hoạt, nhà thơ có thể kéo dài hay co ngắn bài thơ, dòng thơ tuỳ theo nhu cầu biểu đạt tình cảm của mình. Ta có thể bắt gặp những dòng thơ dài ngắn khác nhau:
- Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai bé nhỏ đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con.
(Nói với con – Y Phương)
Hay có thể bắt gặp những câu thơ trải dài như dòng cảm xúc tuôn trào không ngăn lại nổi của chủ thể trữ tình:
- Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu nhất
của quê hương đã biến thành con gái Mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi.