Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh
THIÊN ĐÀNG
Tôi đã đề cập đến Hỏa Ngục và Luyện Ngục. Còn Thiên Đàng thì sao?
Một số người gọi tôi là một “thần học gia tay mơ”, chắc hẳn ám chỉ rằng tôi nói về Thiên Chúa mà chẳng hề đọc sách vở nào. Nhưng có một điều mà các nhà thần học ‘thứ thiệt’ hiện nay nói chung cùng nhất trí với nhau, đó là Thiên Chúa yêu thích sự đa dạng. Nào, bạn hãy ngồi xuống giữa một cánh đồng vào một chiều hè nhàn tản và hãy nhìn xung quanh bạn. Chỉ cần ngồi yên
một chỗ, bạn cũng có thể trông thấy hàng chục loài cây cỏ khác nhau. Hàng trăm loại côn trùng khác nhau cùng lên tiếng làm rộn ràng bầu không khí. Nếu như bạn có thể nhìn thấy rõ tất cả những thứ nhỏ li ti – chẳng hạn với một kính hiển vi – thì ngay dưới chân bạn là cả một xã hội lúc nhúc những vi trùng và vi rút đang sinh hoạt xôn xao. Thật là đa dạng!
Bây giờ bạn hãy nhìn lại loài người chúng ta thử xem sao. Từ nhiều năm nay, tôi không chỉ ngày càng bị ấn tượng bởi tính đa dạng phi thường của con người mà còn bị cuốn hút bởi tính đa dạng ấy nữa. Chúng ta là nam và nữ, là già và trẻ, là da trắng và da đen hay da vàng, da đỏ, là Do Thái giáo hay Kitôgiáo, Hồi giáo, Aán giáo… Thế giới này sẽ buồn thảm biết chừng nào nếu tất cả mọi người đều giống hệt như tôi hay như bạn, phải không?
Vì Thiên Chúa yêu thích sự đa dạng, nên có một điều tôi có thể quả quyết về Thiên Đàng, đó là: Thiên Đàng không thể hợp với ý niệm rập khuôn kiểu các thiên thần giống hệt nhau với những vầng hào quang theo tiêu chuẩn như nhau, ôm đàn hạc ngồi cưỡi những đám mây trắng muốt. Có lẽ câu trích dẫn thông thuộc nhất tại các lễ tang là: “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở.” Hồi còn bé, tôi nghĩ rằng câu ấy nhằm cho biết kích thước rộng lớn của “nhà Cha Ta” – tức Thiên Đàng. Tôi tưởng tượng Thiên Đàng rộng lớn đến nỗi có thể chứa đựng trong đó vô số những căn phòng cho người ta ở. Nhưng bây giờ tôi hiểu rằng câu nói ấy nhằm cho biết sự đa dạng của Thiên Đàng. Tôi hình dung khi chúng ta vào Thiên Đàng, chúng ta sẽ gặp thấy rất ‘nhiều chỗ ở’ – dĩ nhiên. Một số chỗ ở xây bằng gạch, một số bằng gỗ, một số lợp ngói, một số lợp tranh, một số có bể bơi, một số tọa lạc trên triền núi đá, một số ở giữa thung lũng … Vâng, “trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở” !
Ngoài ra, tôi chẳng biết gì hơn nữa về Thiên Đàng. Tất cả những gì liên quan đến Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Luyện Ngục đều thuộc về “thần học giả đoán”. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là giả đoán. Chúng ta sẽ không biết cho tới khi chúng ta được giải thoát khỏi thân xác này bằng cái chết của mình.
Nói về việc nhận biết là, đó là ‘nghề’ chính của tôi. Bạn biết đó, tôi là một con người khoa học trước khi là một con người tín ngưỡng. Giới khoa học chúng tôi thường được mệnh danh là những “con người thường nghiệm”. Chủ nghĩa thường nghiệm (empiricism) chủ trương rằng con đường tốt nhất để hiểu biết – tốt nhất, chứ không phải duy nhất – là con đường kinh nghiệm. Vậy thì chúng tôi, những nhà khoa học, sẽ làm gì nếu không phải là tiến hành các thí nghiệm để tìm hiểu và cuối cùng đạt tới tri thức? Phần tôi, chính nhờ đi qua các kinh nghiệm cuộc đời mình – các kinh nghiệm về ân sủng – mà tôi đạt được chút tri thức nhỏ bé của mình về Thiên Chúa. Về phương diện này, tôi thấy mình rất giống với Carl Jung, cũng là một nhà khoa học. Hồi cuối đời ông, có lần ông nhận trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ một phóng sự điện ảnh. Sau nhiều câu hỏi ‘sáo’ thông thường, cuối cùng người phỏng vấn hỏi: “Thưa Bác sĩ Jung, sắc thái tôn giáo được thấy bàng bạc trong các tác phẩm của ông. Vậy, ông có tin rằng có Thiên Chúa?”
Ông già Jung bập một hơi thuốc lá từ ống tẩu, khẽ nhíu mày, lẩm bẩm: “Tin rằng có Thiên Chúa ư? Ờ, ờ, chúng ta dùng chữ “tin” khi chúng ta nghĩ rằng một điều gì đó là có thật song mình không có một chứng cứ cụ thể để chứng minh cho điều đó. Vậy thì … Không! Tôi không tin có Thiên Chúa. Tôi biết có Ngài.”