Elizabeth Kubler nhận thấy rằng những người hấp hối đi qua một tiến trình theo thứ tự sau đây:
- phủ nhận - giận dữ - mặc cả - suy sụp
- chấp nhận
Giai đoạn thứ nhất là phủ nhận. Họ từ chối sự chết. Họ nói: “Phòng xét nghiệm chắc hẳn lẫn lộn kết quả xét nghiệm của tôi với một ai đó khác. Đó không phải là tình trạng của tôi. Tôi không thể chết.” Nhưng sự phủ nhận này không thể kéo dài. Thế là họ giận dữ. Họ giận các bác sĩ, họ oán các y tá, họ trách bệnh viện, họ phàn nàn những người thân của họ, và họ giận cả Thiên Chúa. Khi cơn giận cũng chẳng đem lại gì tốt hơn cho họ, họ bắt đầu mặc cả. Họ nói: “Có lẽ nếu tôi trở lại với nhà thờ và bắt đầu cầu nguyện trở lại, căn bệnh ung thư của tôi sẽ biến mất”, hoặc: “Có lẽ nếu tôi vui vẻ hơn với con cái để thay đổi bầu khí trong nhà, thì hai quả thận của tôi sẽ khá hơn.” Nhưng khi điều này cũng không đem lại kết quả gì, họ bắt đầu nhận ra rằng thế là xong, vô phương! Họ trở nên suy sụp.
Nếu họ có thể cầm cự ở giai đoạn này và làm điều mà các nhà trị liệu chúng tôi gọi là ‘vượt qua suy sụp’ thì họ có thể sống còn qua cơn suy sụp để bước vào giai đoạn thứ năm: chấp nhận! Đây là giai đoạn an tĩnh tâm hồn và thanh thản, thậm chí là một giai đoạn của ánh sáng. Những người đã chấp nhận sự chết sẽ có được ánh sáng trong mình. Như thể họ đã chết rồi và đã được phục sinh trong một cảm thức tâm linh nào đó. Đây là một sự việc rất kỳ diệu.
Tuy nhiên, điều nói trên không xảy ra thông thường lắm. Phần đông người ta không chết trong giai đoạn thứ năm tuyệt vời này. Người ta thường chết khi vẫn còn phủ nhận, vẫn còn giận dữ, vẫn còn mặc cả, hay vẫn còn suy sụp. Lý do là vì công việc ‘vượt qua suy sụp’ đớn đau và khó khăn đến nỗi khi họ chạm vào nó, họ thường thối lui lại tình trạng phủ nhận hay giận dữ hay mặc cả. Có một điều rất thú vị mà Kubler-Ross đã không nhận ra – đó là chúng ta cũng đi qua đúng những giai đoạn đó và trong cùng một thứ tự đó bất cứ khi nào chúng ta thực hiện được một bước có ý nghĩa trong hành trình phát triển tâm lý và tâm linh của chúng ta. Bất cứ khi
nào chúng ta sải một bước dài tiến lên phía trước trong hành trình sa mạc cuộc đời, bất cứ khi nào chúng ta có một sự cải thiện đầy ý nghĩa nơi chính mình, thì chúng ta đều đi qua tiến trình phủ nhận, giận dữ, mặc cả, suy sụp và chấp nhận.
Chẳng hạn, thử hình dung có một khiếm khuyết nghiêm trọng trong nhân cách của tôi – và các bạn tôi bắt đầu phê phán tôi về những biểu hiện của khiếm khuyết ấy. Phản ứng đầu tiên của tôi sẽ là gì? Tôi nói: “Cô ấy chắc hẳn nhìn gà hóa cút!”, hoặc: “Anh ta chắc hẳn bị vợ cằn nhằn sáng nay. Tôi không dính dáng gì!” Thế đấy, tôi phủ nhận.
Nếu họ tiếp tục chỉ trích tôi, tôi sẽ nói: “Ai cho các anh cái quyền chỏ mũi vào chuyện của tôi? Các anh không hiểu gì cả về hoàn cảnh của tôi. Tại sao các anh không lo lấy chuyện riêng của các anh?” Nghĩa là, tôi giận dữ.
Song nếu người ta vẫn còn thương tôi đủ để tiếp tục chỉ trích tôi, tôi sẽ bắt đầu nghĩ: “Chà, gần đây mình đã không có lời nào khen tặng anh ta về những gì anh ta đã làm.” Thế là tôi tìm cách ‘nịnh’ anh ta, mỉm cười với anh ta, hy vọng như vậy sẽ khóa được cái mồm lộn xộn của anh ta. Mặc cả!
Thế nhưng nếu bạn tôi vẫn không chịu ngừng chỉ trích tôi, tôi sẽ bắt đầu tự nhủ: “Có thể anh ta đúng? Có thể có một cái gì đó không ổn với Scott Peck vĩ đại này?” Và nếu câu trả lời là
“Vâng”, thì tôi bắt đầu chán nản, suy sụp. Trong trường hợp tôi có thể cầm cự với sự suy sụp này và bắt đầu tự hỏi cái trục trặc nơi mình là cái gì, rồi suy ngẫm kỹ về nó và phân tích nó, tách bạch nó, nhận diện nó, thì tôi có thể bước vào tiến trình tiêu trừ nó và giải phóng chính mình khỏi nó. Một khi hoàn tất việc ‘vượt qua suy sụp’ này, tôi sẽ nhận ra mình biến đổi trở thành một con người mới, một con người được phục sinh, một con người tốt hơn con người cũ của mình.
HỌC CHẾT
Những điều tôi vừa đề cập thực sự không có gì mới mẻ. Trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã trích dẫn câu nói của Seneca – xấp xỉ 200 năm rồi: “Trong suốt cuộc sống, người ta phải
không ngừng học sống. Và một điều sẽ làm bạn ngạc nhiên đây, trong suốt cuộc sống, người ta phải không ngừng học chết nữa.” Học sống và học chết là hai việc không rời nhau. Để học sống,
chúng ta phải quan tâm và giải quyết vấn đề sự chết của chúng ta – vì sự chết nhắc cho chúng ta nhớ giới hạn của cuộc hiện sinh này. Chúng ta cần ý thức về sự ngắn ngủi của cuộc sống này, nhờ đó ta có thể tận dụng triệt để thời gian của mình.
Don Juan, vị guru già của thổ dân ở Mexico trong các tác phẩm của Carlos Castaneda, đã xem sự chết như một đồng minh. Trong lối nói của Don Juan, các đồng minh là những quyền lực đáng sợ mà người ta phải chiến đấu với chúng trước khi chúng được thuần hóa. Sự chết cũng y như thế. Chúng ta phải vật lộn với sự chết, chiến đấu với huyền nhiệm sự chết trước khi chúng ta có thể nắm được nó và vác nó lên vai, như Don Juan đã làm. Và bấy giờ, ngày này qua ngày khác, chúng ta có thể không ngừng thu nhận bao ích lợi từ những nhắc nhở đầy khôn ngoan mà sự chết trao ban cho mình.
“Đồng minh” trước hết có nghĩa là một người bạn. Nhưng ít nhất trong văn hóa tây phương, chúng ta không quen nhìn sự chết như một người bạn. Trong các nền văn hóa đông phương, trong các tôn giáo như Phật giáo và Aán giáo, sự chết được người ta niềm nở đón nhận hơn so với chúng ta. Thực vậy, trong thuyết hóa kiếp luân hồi – là thuyết có mặt trong cả hai tôn giáo nói trên – thì phần thưởng trọn vẹn, điểm nhắm cuối cùng là sự chết. Theo quan niệm này, chúng ta tiếp tục được tái sinh – hết kiếp này đến kiếp khác – cho tới khi chúng ta đã học hết tất cả những gì cần phải học trên dương thế này. Khi ấy và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi bánh xe luân hồi và cuối cùng đạt giác ngộ.
Dù bạn có nhìn nhận lý thuyết ấy hay không, bạn cũng có thể nhận thấy rằng trong thuyết luân hồi, mục đích của cuộc sống cũng là để học. Thực ra, không có chứng cứ nào cho thấy các tín đồ Aán giáo và Phật giáo ít sợ chết hơn số còn lại trong chúng ta. Sợ chết, đó là chuyện bình thường thôi. Chết là đi tới chỗ vô minh, mù mịt – và xét một mức nào đó, nỗi sợ đối với việc bước vào chỗ vô minh là điều hoàn toàn lành mạnh thôi. Chỉ không lành mạnh khi chúng ta cố phớt lờ nó. Một trong những phê phán thường xuyên mà tôi nghe từ các bạn vô thần, đó là tôn giáo là một cây nạng để giúp chống đỡ người già khi họ đối mặt với huyền nhiệm sự chết, với nỗi sợ chết. Tôi nghĩ họ đúng khi cho rằng một tôn giáo trưởng thành bắt đầu từ một cuộc chiến đấu với huyền nhiệm sự chết. Nhưng có lẽ họ sai khi bảo tôn giáo là một cây nạng, làm như thể người ta sẽ dũng cảm hơn khi đối mặt với cuộc sống này nếu cuộc sống này không có ý nghĩa gì và nếu không hề có đời sau. Tôi nghĩ như thế bởi vì những con người tín ngưỡng – một khi nhận ra và đối mặt với tầm quan trọng của sự chết – thường chứng tỏ rằng họ là những con người can đảm
hơn. Người vô thần, theo tôi, có khuynh hướng phủ nhận tầm quan trọng của sự chết; họ tuyên bố rằng sự chết chẳng có ý nghĩa gì hơn việc ngừng đập của một trái tim, rồi họ lập tức chuyển sang nói chuyện khác. Đó là một loại tránh né. Họ không muốn tiến tới đủ gần sự chết để nhận hiểu nó còn hàm chứa những gì.
Bạn cần lưu ý rằng so với những người vô thần, đa số những người chuyên chăm đi nhà thờ cùng không nồng nhiệt đối với việc chiến đấu với huyền nhiệm sự chết của mình hơn bao nhiêu. Phần đông các tín đồ siêng năng đi nhà thờ cũng chỉ bộc lộ một lòng sùng ngưỡng mê tín, gia truyền – như những bộ y phục được truyền từ đời cha sang đời con – những bộ y phục có thể vẫn giữ cho họ được ấm, song vẫn chỉ là những cái bẫy. Đó là lý do tại sao có câu nói: “Thiên Chúa không có
cháu!” (God has no grandchildren). Chúng ta không thể liên hệ với Thiên Chúa xuyên qua cha
mẹ chúng ta . Chúng ta phải thiết lập một mối tương quan trực tiếp với Thiên Chúa. Chúng ta không thể nhờ một ai đó khác – linh mục, cha mẹ, vv… – chiến đấu với huyền nhiệm sự chết của chính chúng ta. Trong cuộc hành trình tâm linh đi qua cuộc sống, có những việc chúng ta phải tự làm lấy một mình, và một trong những việc đó là chiến đấu với huyền nhiệm sự chết. Bạn không thể đùn đẩy cho bất cứ ai đảm nhận thay bạn cuộc chiến đấu này.
Thế nhưng, có nhiều tín hữu siêng năng đi nhà thờ nhưng lại tránh né vấn đề sự chết như tránh dịch tả. Đa số người mang danh nghĩa là Kitôhữu thậm chí đã gỡ Đức Giêsu ra khỏi thập giá. Nếu bạn hỏi tại sao, họ sẽ trả lời rằng họ muốn nhấn mạnh sự Phục Sinh của Chúa hơn là cuộc khổ nạn thập giá. Nhưng đôi khi tôi không thể không tự hỏi phải chăng chỉ vì họ không muốn nhìn tất cả những máu me, thương tích và thực tại chết ấy ngay trước mắt họ để nhắc nhớ họ về sự chết của chính bản thân mình.