HUYỀN NHIỆM VÀ HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 52 - 55)

4. Cảm Nếm Huyền Nhiệm

HUYỀN NHIỆM VÀ HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Sống trong thế giới thực tại – đó không chỉ là mục tiêu của sự lành mạnh tâm thần. Đó cũng là mục tiêu của hành trình tâm linh nữa. Nhưng nói cho cùng, hành trình tâm linh cũng chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa thực của đời sống! Một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa đích thực! Một trong những điều nhập nhằng về tôn giáo, đó là người ta bước vào tôn giáo vì những lý do khác nhau. Một số người được lôi cuốn vào tôn giáo để tiếp cận huyền nhiệm, trong khi cũng có những người bước vào tôn giáo để trốn thoát khỏi huyền nhiệm. Ở đây, tôi không có ý ‘gõ’ vào những người dùng tôn giáo để tránh né huyền nhiệm. Vì có những người – ở vào một điểm quặt trong cuộc phát triển tâm lý và tinh thần của mình (chẳng hạn, những người nghiện rượu bắt đầu bỏ ruợu, những người gây tội ác bắt đầu một cuộc sống lương thiện) – họ cần những niềm tin rõ ràng, họ cần những nguyên tắc để sống … Tuy nhiên, tôi muốn nhắc bạn rằng con người trưởng thành tinh thần đầy đủ thì không quá níu bám vào giáo thuyết như kiểu các nhà khoa học níu bám vào các nguyên tắc khoa học, và rằng không có cái gọi là đức tin trọn vẹn. Thực tại, giống như Thiên Chúa, là một cái gì đó chúng ta chỉ có thể tiến gần tới mà thôi (chứ không đạt tới được).

Trong khát vọng muốn hiểu thực tại, chúng ta – một cách nào đó – cũng giống như một người cố nắm hiểu cơ chế vận hành của một chiếc đồng hồ. Người ấy nhìn thấy mặt đồng hồ, thấy các kim đồng hồ đang chuyển động, thậm chí nghe cả tiếng tích tắc, nhưng người ấy không biết cách mở chiếc đồng hồ ra. Nếu anh ta có trí óc sắc sảo, anh ta có thể hình dung một hình ảnh nào đó về bộ máy vận hành để đưa tới những gì mà anh nhìn thấy được, nhưng anh ta không bao giờ dám chắc chắn rằng sự hình dung của mình là khả năng duy nhất giải thích tất cả. Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh hình ảnh do mình tưởng tượng với bộ máy thực của đồng hồ – và anh ta thậm chí không thể tưởng tượng được ý nghĩa của một sự so sánh như thế.

Tác giả của những lời ấy là Albert Einstein, một người mà đa số trong chúng ta đều không ngần ngại nhìn nhận là người hiểu biết nhiều hơn bất cứ ai khác trên trái đất này – thật vậy, tên của ông đã trở thành từ đồng nghĩa với hai tiếng “thiên tài”! Thế nhưng ông đã viết rằng chúng ta có thể quan sát và nêu giả thuyết, nhưng chúng ta không bao giờ có thể biết. Thực tại là một cái gì đó chúng ta có thể tiếp cận mà không thực sự đạt đến được.

Một trong những xì căng đan mà một số người mộ đạo vướng vào, đó là họ nghĩ rằng họ có Thiên Chúa trong túi họ. Nhưng những người trưởng thành đầy đủ sẽ không nghĩ thế. Thực tại, cũng như Thiên Chúa, không phải là một cái gì chúng ta có thể sở hữu dứt khoát. Thực tại không thuộc về ta để ta chiếm hữu; trái lại, nó chiếm hữu chúng ta.

Cuộc hành trình tâm linh là một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật – không khác chi khoa học cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật. Con người trưởng thành đầy đủ phải là một con người kiếm tìm chân lý không thua kém một nhà khoa học kiếm tìm chân lý, thậm chí còn hơn thế nữa. Và cũng như có một số người đi vào tôn giáo để trốn tránh huyền nhiệm, cũng có một số người đi vào khoa học nhằm để chạy trốn khỏi huyền nhiệm.

Tất cả chúng ta đều biết hay đều nghe về những nhà khoa học bỏ ra cả đời để nghiên cứu về sự ô-xy hóa tế bào trong mô tuyến tiền liệt của bồ câu ở pH 3,7 đến pH 3,9 – và đó là lãnh vực quan tâm của họ trong vũ trụ. Họ đã khoanh một phạm vi nhỏ cho chính mình, và đã đọc nhiều tư liệu về chủ đề ấy hơn bất cứ ai khác, vì thế kiến thức của họ về lãnh vực mà họ quan tâm thật rất đáng tin cậy, và họ cảm thấy an tâm. Nhưng để thực sự tìm kiếm sự thật, người ta không thể moi một cái hang an toàn và nấp vào trong đó. Người ta phải dò dẫm bước ra, đi vào những lãnh giới mình không biết, đi vào huyền nhiệm.

Trong nghề nghiệp của tôi, đôi khi tôi nghe các bệnh nhân nói: “Này Bác Sĩ Peck, tôi rất lúng túng.” Và tôi đáp: “Thế là tuyệt đấy.” Họ sẽ nói: “Tuyệt cái nỗi gì? Thật là tệ hại!” Tôi trả lời: “Không, không! Không tệ hại đâu. Bạn có phúc đấy.” Họ cãi: “Gì, ông nói gì hử? Thật khủng khiếp như vậy mà ông bảo là có phúc?”

Tôi sẽ giải thích: “Bạn biết đó, khi Đức Giêsu giảng bài giảng ‘để đời’ của Ngài, những tiếng đầu tiên Ngài đã thốt lên là: ‘Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó!’” Có nhiều cách để diễn dịch cụm từ ‘tinh thần nghèo khó’, nhưng trên bình diện tri thức, bản dịch tốt nhất là: “lúng túng”! Vâng, phúc cho ai bị lúng túng. Nếu bạn hỏi tại sao Đức Giêsu có thể đã có ý nói như thế, tôi sẽ chỉ ra cho bạn rằng sự lúng túng thúc đẩy người ta tìm kiếm điều sáng tỏ, và cuộc tìm kiếm ấy sẽ giúp người ta học hỏi nhiều.

Chẳng hạn, những người của thế kỷ 15 đã đi ngủ vào một buổi tối nọ năm 1492, nghĩ rằng trái đất dẹt, để rồi sáng hôm sau thức dậy họ nhận ra nó tròn. Để cho một ý tưởng chết đi và một ý tưởng mới, tốt hơn, thay chỗ, chúng ta cũng phải đi qua những giai đoạn lúng túng như thế. Thật là không dễ chịu, đôi khi rất khổ sở khi phải ở trong những giai đoạn đó. Tuy nhiên, đó là tình trạng có phúc bởi vì khi chúng ta ở trong đó, chúng ta đang kiếm tìm những cách thế mới và tốt hơn. Chúng ta cởi mở đón nhận điều mới mẻ, chúng ta kiếm tìm, chúng ta lớn lên. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai lúng túng.” Hầu như tất cả mọi sự dữ trên thế giới này đều được gây ra do bởi những người chắc chắn tuyệt đối rằng họ biết điều mình đang làm. Sự dữ không được gây ra do bởi những người biết mình lúng túng, những người nghèo khó trong tinh thần.

Trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã nói rằng con đường nên thánh nằêm ở việc chất vấn mọi sự. Hãy tìm kiếm, và bạn sẽ tìm thấy đủ sự thật để có thể bắt đầu điều hợp chúng với nhau. Bạn sẽ không bao giờ kết thúc được câu đố. Nhưng bạn sẽ có thể kết hợp lại đủ các yếu tố để bắt đầu có được cái nhìn thoáng toàn bộ bức tranh lớn và nhận ra rằng quả thực bức tranh ấy rất xinh đẹp.

Nếu tất cả cuộc sống chúng ta được bao trùm trong huyền nhiệm và chúng ta thực sự không biết mình đang đi về đâu – nếu chúng ta là những đứa trẻ có lý trí đang đi vật vờ trong bóng tối – thì bằng cách nào chúng ta sống còn? Tôi thấy chỉ có hai cách để trả lời câu hỏi ấy. Một là kết luận rằng Scott Peck và Albert Einstein sai lầm, và rằng chúng ta hiểu biết nhiều hơn ta tưởng. Còn cách thứ hai là kết luận rằng chúng ta được bảo vệ một cách nào đó. Và đó chính là điều mà tôi muốn kết luận ở đây. Vậy, nhân danh Chúa, sự bảo vệ ấy làm việc như thế nào? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng sự bảo vệ ấy vận hành nhân danh Chúa.

Trong văn phòng của tôi, tôi có hình ảnh của bảy thiên thần khác nhau, trong đủ mọi tư thế. Tôi treo ảnh các thiên thần không phải bởi vì tôi đã từng thấy một ‘người’ có cánh. Nhưng khi tôi suy ngẫm về cơ chế của sự bảo vệ này, cơ chế của ân sủng – (bằng cách nào Thiên Chúa có thể dường như đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta?) – tôi chỉ có thể hình dung Ngài có những đạo binh thiên thần đông đúc phục vụ theo mệnh lệnh Ngài.

Tôi tin rằng một số trong những thiên thần này thực sự xuất hiện trong hình dạng con người. Phyllis Theroux đã viết một tuyển tập rất hay, mang tựa đề: “Đèn Ngủ: Những Câu Chuyện Kể

Đêm Khuya Cho Các Phụ Huynh”. Một trong những bài ấy, nữ tác giả kể lại chuyện lần kia chị

tham gia một cuộc thi công chức. Có bốn hay năm câu hỏi rõ ràng được soạn ra để loại trừ những kẻ điên khùng hay hoang tưởng, trong đó chị chỉ nhớ được một câu, đó là: “Bạn có nghĩ bạn là một nhân viên đặc biệt của Thiên Chúa không?”

“Tôi chợt cảm thấy lính quýnh trước câu hỏi ấy” – chị kể – “nhưng rồi tôi nghĩ đến mục đích thực tiễn của mình là nhắm đậu kỳ thi này, nghĩa là tôi phải trả lời sao để được chấm ‘đậu’, dù câu trả lời có trái với ý nghĩ của mình, thế nên cuối cùng tôi chụp lấy bút chì, và viết: ‘Không!’” Kỳ thực, tôi cũng chia sẻ với Phyllis Theroux trong niềm tin rằng có một số nhân viên đặc biệt ở đó ở đây, bảo vệ chúng ta khi chúng ta dò dẫm bước đi trong cuộc hành trình đầy bóng tối và đầy huyền nhiệm của mình. Cách riêng, tôi thích nghĩ về điều này vào thời gian xung quanh Lễ Halloween, một lễ có tính huyền nhiệm bậc nhất trong những cử hành của Kitô giáo và tiền Kitô giáo.

5. Yêu Mình

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 52 - 55)