TÒ MÒ VÀ LÃNH ĐẠM

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 50 - 52)

4. Cảm Nếm Huyền Nhiệm

TÒ MÒ VÀ LÃNH ĐẠM

Một trong những dấu chỉ đặc trưng cho những người kém sức khỏe tâm thần nhất, những người ít trưởng thành nhất giữa chúng ta – đó là họ thiếu một cảm thức về huyền nhiệm, hay họ không có đủ tính tò mò. Điều quấy rầy tôi nhất khi tôi ghé vào một bệnh viện tâm thần không phải là sự điên khùng của các bệnh nhân, cũng không phải là sự hung dữ hay sự sợ hãi của họ, nhưng là sự lãnh đạm. Đôi khi lãnh đạm có nguyên nhân từ ma túy, nhưng một tính cách lãnh đạm khủng khiếp thường là đặc điểm cho thấy một người bị rối loạn tâm thần.

Điều gì xảy ra với những người lành mạnh khi trời bắt đầu đổ tuyết? Họ bước lại chỗ cửa sổ, nhìn ra bên ngoài và trầm trồ: “Tuyết rơi nhiều thật!”, hay: “Ồ, trời đang bão tuyết!” Nhưng trong một bệnh viện tâm thần, khi ai đó trầm trồ “Chà, tuyết bắt đầu rơi!”, thì các bệnh nhân sẽ: “Ê, đừng làm cản trở cuộc chơi bài của chúng tôi.” Thế đấy, hoàn toàn lãnh đạm!

Một hình thức khác của bệnh tâm thần là khi người ta không thể chịu đựng được huyền nhiệm thì họ tạo ra những giải thích cho những gì vốn không giải thích được. Chẳng hạn, cách đây ít năm, tôi nhận được một bức thư 8 trang rất buồn, trang đầu được viết rất rõ ràng mạch lạc, nhưng nội dung đề cập rằng người viết có một đứa con trai bị chứng ung thư lá lách. Vì vậy khi bức thư tiếp tục, chữ viết và câu cú của anh ta trở nên rối rắm hơn rất nhiều. Anh ta viết: “Bác sĩ Peck, chắc hẳn bác sĩ biết điều mà ông bà chúng ta ngày xưa đã từng biết – đó là tất cả chúng ta đều có một hồn ma đi theo không rời chúng ta, và có một yếu tố ion hóa tồn tại giữa thể xác chúng ta và hồn ma ấy – và bệnh của chúng ta là kết quả của yếu tố ion hóa này…”

Tôi không hề biết chuyện đó. Đó là một giả thuyết ly kỳ thỉnh thoảng có người nêu lên. Nhưng một giả thuyết như thế chẳng có được tí cơ sở nào. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, người đàn ông kia đã tìm thấy một sự giải thích cho chứng ung thư lá lách của con trai mình. Có lẽ điều đó đem lại cho ông một sự dễ chịu, tháo gỡ ông ra khỏi huyền nhiệm của sự việc. Nhưng sự chắc chắn ấy của ông là một ảo tưởng không hơn không kém.

Trái lại, một trong những đặc điểm của người lành mạnh tâm thần là cảm thức bén nhạy về huyền nhiệm và sự tò mò sâu sắc. Họ ngạc nhiên về mọi sự: về các thiên hà xa xôi, về tia laser, về những con bọ ngựa, vv… Điều gì cũng khích động suy nghĩ của họ. Tuy nhiên đa số trong chúng ta rơi vào giữa hai tình trạng trên: tình trạng lành mạnh tâm thần và tình trạng điên rồ. Đối với phần đông trong chúng ta, cảm thức huyền nhiệm vẫn còn ngủ vùi.

Trong khi hành nghề của mình, tôi vốn thường nói với các thân chủ tôi rằng họ đang thuê tôi làm một hướng dẫn viên dẫn họ đi qua sa mạc vô thức. Họ đang thuê tôi không phải vì tôi đã đi qua vô thức của họ trước đây, nhưng chỉ vì tôi biết một cái gì đó về qui luật để khám phá vô thức. Trong thực hành tâm lý trị liệu, vô thức của mỗi người mỗi khác nhau. Và mỗi lúc, cuộc hành trình trở nên mỗi khác. Đó là điều thú vị cho tôi.

Để thám hiểm vô thức, người ta phải là một nhà thám hiểm. Và để trở thành một nhà thám hiểm, người ta phải có một cảm thức huyền nhiệm. Đối với Lewis và Clark, đó là huyền nhiệm của những gì nằm ở phía bên kia Appalachians. Đối với các nhà du hành vũ trụ thì đó là huyền nhiệm của không gian bên ngoài trái đất. Đối với các bệnh nhân trong tâm lý trị liệu thì đó chủ yếu là huyền nhiệm bên trong chính con người họ. Nếu trong quá trình trị liệu, tính hiếu kỳ của bệnh nhân về huyền nhiệm từ thuở bé được đánh thức dậy, và nếu bệnh nhân bắt đầu khám phá ra những ký ức bị lãng quên và khám phá ra ảnh hưởng của một số kinh nghiệm và biến cố trên cuộc đời họ, khám phá ra huyền nhiệm của các gien di truyền và tính tình của mình, di sản của mình, văn hóa của mình, các giấc mơ của mình và những ý nghĩa có thể tiềm ẩn trong các giấc mơ ấy … thì cuộc trị liệu sẽ có khả năng tiến xa. Đàng khác, nếu trong tiến trình trị liệu, những cảm thức huyền nhiệm ấy không được đánh thức, thì hành trình thám hiểm của đương sự không có cách nào tiến xa được.

Tôi sử dụng từ ‘đánh thức’ cảm thức huyền nhiệm của bệnh nhân bởi vì tôi tin – dù chúng ta chưa có ngành khoa học nào làm cơ sở cho điều này – rằng cảm thức huyền nhiệm là một cái gì đó có thể được phát triển, ít nhất nơi một số người. Có thể ví như người ta phát triển khiếu thưởng thức whiskey vậy. Đây là một cảm thức có thể được phát triển vô hạn, bởi vì bạn càng lặn ngụp trong huyền nhiệm thì huyền nhiệm càng mở ra thênh thang hơn. Bạn muốn uống huyền nhiệm bao nhiêu tùy thích. Nó hoàn toàn không gây chán ngán và hoàn toàn miễn phí,

không có thuế sản xuất cũng không có thuế tiêu thụ. ‘Nghiện’ huyền nhiệm là sự nghiện ngập duy nhất mà tôi có thể nồng nhiệt khuyến khích bạn.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w