THẦN THOẠI VỀ TRÁCH NHIỆM

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 67 - 68)

& Bản Tính Con Ngườ

THẦN THOẠI VỀ TRÁCH NHIỆM

Các thần thoại là một nguồn tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu về những khía cạnh nghịch lý, phức tạp, đa chiều kích của bản tính con người. Bạn có thể nhớ lại rằng trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi có nhắc đến thần thoại Orestes, con trai của Agamemnon. Theo Homer, Clytemnestra dan díu với người tình, và cả hai cùng sát hại Agamemnon. Điều này đặt Orestes vào một tình thế cực kỳ nan giải. Bổn phận lớn nhất của một người con trai Hy lạp là trả thù kẻ giết cha mình. Nhưng kẻ giết cha anh ở đây lại chính là mẹ anh. Và điều xấu xa nhất của một người con trai Hy lạp là giết mẹ mình.

Orestes giết mẹ và người tình của mẹ, để báo thù về cái chết của cha anh. Nhưng anh phải trả giá. Anh bị chư thần nguyền rủa và tru phạt. Ba Nữ Thần Trừng Phạt đầu người mình thú ngày đêm vây bọc lấy anh, mè nheo riết trong tai anh, bắt anh nhìn thấy những ảo ảnh khủng khiếp, xúi anh điên khùng… Nhiều năm trời như thế, Orestes đi lang thang khắp cùng thế giới, dằn vặt về những gì anh đã làm. Các Nữ Thần Trừng Phạt bám riết lấy anh. Cuối cùng, anh xin chư thần tha phạt cho anh. Một phiên tòa được tổ chức. Tại phiên tòa, thần Apollo, trạng sư bào chữa cho Orestes, đã lập luận rằng toàn bộ tấn bi kịch đẫm máu đó là do lỗi của chư thần – bởi vì Orestes thực sự không có sự chọn lựa nào trong tình huống của anh, nên không thể qui trách cho anh về những gì anh đã làm.

Lúc ấy, Orestes đứng dậy và cãi lại Apollo: “Chính tôi, chứ không phải chư thần, đã giết mẹ tôi. Chính tôi đã làm điều đó.”

Chưa từng có một con người nào dám nhận hoàn toàn trách nhiệm như thế về hành vi của mình, khi mà đương sự có thể qui trách cho chư thần. Nghe Orestes nói lên điều đó, chư thần hội ý và quyết định cất bỏ lời nguyền rủa khỏi Orestes. Các Thần Trừng Phạt được chuyển thành những Phúc Thần – nghĩa là những ‘Thần Ban Ơn Phúc’. Thay vì rúc rỉa, quấy nhiễu, hù dọa, vv… bây giờ các thần trở thành những tiếng nói khôn ngoan.

Thần thoại này tượng trưng cho sự chuyển hóa tâm bệnh thành sự lành mạnh phi thường. Và giá phải trả để có một sự chuyển hóa kỳ diệu như thế là sự nhận lãnh trách nhiệm đối với chính mình và đối với những hành vi của mình.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w