CÁC TRUYỀN THUYẾT

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 64 - 66)

& Bản Tính Con Ngườ

CÁC TRUYỀN THUYẾT

Nhiều nhà khảo cổ vĩ đại, vào thời ban đầu của họ, đã bị coi là điên khùng vì họ tin vào những truyền thuyết hay những truyện xưa mà đa số người ta cho là không thật.

Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của Heinrich Schliemann. Hồi còn là một thiếu niên, lớn lên vào những năm 1830, Heinrich học việc trong một cửa hiệu tạp hóa. Một người đàn ông cao tuổi thường đến ăn trưa ở đó, và khi đã uống vài ly, ông già bắt đầu ngâm nga từng đoạn trong câu chuyện Iliad của Homer. Lắng nghe ông già, chàng trai trẻ Heinrich trở nên hoàn toàn bị lôi cuốn bởi câu chuyện thành Troy. Và chàng quyết tâm rằng sau này lớn lên, chàng sẽ đi tìm thành Troy.

Khi Heinrich nói về ý định của mình cho người ta, họ bảo: “Ồ, đừng ngớ ngẩn. Iliad của Homer chỉ là một thần thoại. Không có một nơi nào trên đời này là thành Troy cả. Đó là một địa danh tưởng tượng.” Tuy nhiên, Heinrich tin rằng thành Troy có thực, và chàng cố làm việc để dành dụm đủ tiền chi phí cho cuộc tìm kiếm của chàng. Năm 36 tuổi, Heinrich trở thành một người đàn ông rất giàu có. Và anh từ bỏ công việc làm ăn, bắt đầu lên đường tìm kiếm thành Troy. Với lòng tin tưởng, sau 10 năm, anh đã tìm thấy nơi mình cần tìm kiếm – nó nằm trên duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Phát hiện ấy của Heinrich và nhiều phát hiện khác sau này đã chứng minh rằng các câu chuyện được kể trong Iliad không thuần túy là những thần thoại, mà chúng có một cơ sở trong thực tế nữa.

Nhà khảo cổ Edward Thompson là một ví dụ khác. Vào đầu thế kỷ trước, Thompson nghe một truyền thuyết Maya cổ về một cái giếng được sử dụng để nhận nước các cô trinh nữ – các cô này được thả xuống giếng với những món trang điểm bằng vàng hầu làm cho các cô mau chìm xuống. Người ta làm tất cả những việc này để cúng thần mưa (thần mưa được tin là sống dưới đáy giếng). Và Thompson quyết định đi tìm cái giếng này, dù người ta nói với anh: “Đó là một chuyện hoang đường, ngớ ngẩn. Không hề có một cái giếng như thế. Nó không bao giờ tồn tại.”

Thompson đi Mexico, ở đó anh nghe nói về một thành phố Maya lớn đã bị hủy diệt, ở sâu trong rừng rậm Yucatan, gọi là Chichén Itzá – nghĩa là ‘Miệng Giếng’! Anh mua một đồn điền gần chỗ tàn tích của thành phố ấy và chẳng bao lâu khám phá ra rằng đã từng có hai cái giếng lớn (cenotes) trong khu vực ấy. Sau khi phân tích các dấu vết, anh đoán rằng cái giếng lớn hơn, đường kính khoảng hơn 50 mét, có thể chính là mục tiêu bấy lâu nay mình tìm kiếm. Thế là, anh quay trở về quê nhà Boston của mình, huy động tiền của tất cả các bạn hữu, mua sắm thiết bị đào vét và các bộ đồ lặn đáy biển; thậm chí chính anh cũng học lặn.

Những cố gắng khai quật của anh dường như chỉ là công cốc. Năm này qua năm khác, tất cả những gì mà anh và các người làm của anh đào bới lên được chỉ là bùn đất và bùn đất, không thấy vàng cũng chẳng thấy xương cốt đâu cả! Vì cạn tiền sau quãng 5 năm cố gắng; một cách vô vọng, anh quyết định đích thân mình lặn xuống – và anh đã tìm thấy những chiếc xương đầu tiên. Quả thực, Thompson đã khám phá ra cả một kho tàng các di chỉ khảo cổ học, bao gồm nhiều món nữ trang bằng vàng. Anh lấy lại được số tiền bạc đã đầu tư vào công cuộc này, và lấy lại được niềm tự tin nơi mình nữa. Anh đã chứng tỏ rằng câu chuyện truyền khẩu về các trinh nữ được cho đeo đầy những món nữ trang và được ném xuống giếng quả là một câu chuyện có thực hoàn toàn.

Chính tôi đã từng không tin câu chuyện Atlantis, một nền văn minh đảo được nói là đã chìm xuống đáy biển. Rồi, vào năm 1978, bố mẹ tôi, vợ chồng tôi, 3 con tôi, vợ chồng anh trai tôi và 3 đứa con của họ cùng đi nghỉ hè ở Hy lạp. Trong kỳ nghỉ đó, chúng tôi thuê một chiếc thuyền và chèo quanh một chòm đảo Hy lạp có tên là Cyclades. Hòn đảo cực nam của chòm đảo này có hai tên: Thera, là tên gốc Hy lạp, và Santorini, tên bằng tiếng Ý (bởi vì người Ý đã chiếm chòm đảo này hồi thế kỷ 13). Khi chúng tôi chèo thuyền trực chỉ đảo Santorini (hay Thera), bố tôi đọc thấy trong một sách hướng dẫn rằng đã có một số người nghĩ rất có thể hòn đảo này là Atlantis! Tôi cười ồ. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy bị ‘quê’ vì tiếng cười của mình khi chúng tôi đi qua một vùng giống như một cái vịnh giữa hai đảo, và ngay lập tức nhận thấy rằng nãy giờ chúng tôi đã chèo thuyền đúng vào giữa miệng của một núi lửa vĩ đại có đường kính khoảng 20 dặm. Sau đó, khi chúng tôi ‘thám hiểm’ một phần nữa ở xa hơn của vòng đảo ấy, chúng tôi được biết rằng ở đó – vào một buổi tối năm 1967 – một người nông dân đang cày mảnh ruộng của mình trong khi vợ và các con anh cùng với một người hàng xóm đang đứng nói chuyện ở mé bờ ruộng. Bất thình lình, người nông dân biến mất. Họ không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh ta. Họ chạy đến chỗ mà họ vừa mới nhìn thấy anh ta lúc nãy và họ nghe văng vẳng tiếng kêu thất thanh của anh. Có một cái lỗ to dưới đất! Và họ hiểu ra rằng anh ta đã rơi tõm vào cái lỗ ấy. Không chỉ là một cái lỗ đâu, thưa bạn! Người nông dân ấy đã rơi vào một thành phố. Đó là thành phố Arkrotiri, bị chôn vùi dưới tro núi lửa. Khi thành phố ấy bắt đầu được khai quật lên, các nhà khảo cổ gặp thấy cả một nền văn minh khác hẳn với bất cứ nền văn minh nào đã được khám phá trước đó. Nền văn mình này bắt nguồn từ thời đại đồ đồng – và là một pha trộn của các nền văn hóa Hy lạp và Phi châu. Đó là nơi xưa nhất trên thế giới có những cửa sổ trang trí bằng tranh ảnh. Các khám phá ở đó thú vị đến nỗi cho tới lúc chúng tôi thăm Hy lạp 10 năm sau, thì cả một dãy nhà mới đã được bổ sung vào viện bảo tàng ở Athen để chứa những tác phẩm nghệ thuật và các vật khác được tìm thấy về Arkrotiri.

Vì thế tôi đã trở thành một người tin vào câu chuyện Atlantis. Chính tôi đã ‘có mặt’ ở Atlantis đấy chứ!

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 64 - 66)