SỰ PHIỀN TRÁCH VÀ CHỨNG KHOÁI KHỔ

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 26 - 28)

Nhiều người đến với trị liệu tâm lý do mắc chứng khoái khổ (masochism). Nói “khoái khổ”, tôi không có ý nói rằng họ đạt được khoái lạc tình dục của họ qua sự đau đớn thể lý, nhưng tôi chỉ có ý nói rằng, bằng một cách kỳ dị, họ liên tục hủy hoại chính mình. Một ví dụ điển hình là câu chuyện một người đàn ông nọ rất thông minh và có nhiều tài năng, tiến thân nhanh chóng trong lãnh vực của mình, nhưng rồi ở tuổi hai mươi sáu, khi anh ta sắp sửa trở thành phó chủ tịch trẻ nhất của công ty, anh đã làm một chuyện gì đó hết sức điên khùng, và bị sa thải. Vì anh quá thông minh, ngay lập tức anh được một công ty khác tuyển dụng. Anh lại tiến lên nhanh, và rồi ở tuổi hai mươi tám, khi sắp sửa được thăng cấp, anh lại ‘quậy’, và bị đuổi. Sự việc tương tự lại

diễn ra lần thứ ba, và anh bắt đầu nhận ra rằng mình đang theo một con đường tự hủy diệt mình, một con đường in đậm dấu vết của chứng khoái khổ.

Một ví dụ khác liên quan đến một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, duyên dáng và có tài năng. Cô bắt bồ và hẹn hò với hết chàng này đến chàng khác, chẳng bền được với ai! Và sự việc cứ thế lặp đi lặp lại …

Những người liên tục bộc lộ tính cách tự hủy diệt như vậy thường cũng là nạn nhân của sự tha thứ rẻ tiền. Họ nói với bạn: “Ồ, tôi đã không có một thời thơ ấu tốt đẹp nhất đâu, nhưng cha mẹ tôi đã làm hết mọi điều tốt trong khả năng họ cho tôi.”

Để giải thích tại sao sự tha thứ rẻ tiền sẽ không đem lại kết quả gì hay ho, và tại sao cần phải tránh những cái bẫy tự hủy diệt như nói trên mới có được sự tha thứ đích thực, tôi xin đề cập một chút về cái nằm ẩn bên trong chứng khoái khổ này. Tôi cho rằng cách tốt nhất để giải thích là cứ xem xét các động lực tâm lý nơi trẻ em – vì những gì được xem là tâm bệnh, là suy nhược tâm thần nơi người lớn đều thường là chuyện rất bình thường nơi trẻ em. Hãy hình dung cậu bé Johnny đang lân la trong phòng khách, tay cầm viên phấn, chuẩn bị chơi trò viết nguệch ngoạc lên bàn ghế. Bà mẹ cậu bé la:

“Không được, Johnny! Con không được làm thế.” Johnny phụng phịu: “Được mà, con viết được mà!” Mẹ nó dứt khoát:

“Không. Con không được phép viết bậy lên bàn.”

Thế là Johnny giãy đành đạch, chạy lên cầu thang, vô phòng ngủ, đóng rầm cửa lại và bắt đầu khóc nức nở. Năm phút sau, cậu bé nín khóc, nhưng vẫn ở lì trong phòng. Rồi nửa giờ sau, mẹ nó nghĩ rằng mình nên làm một cái gì đó để dỗ thằng nhóc. Johnny khoái nhất món kem sô-cô-la; vì thế, bà làm một ly kem sô-cô-la, mang lên cầu thang. Bà nhìn thấy Johnny vẫn còn đang sụt sịt trong góc phòng.

“Này, Johnny. Má làm kem sô-cô-la cho con đây.”

Bà đưa ly kem cho Johnny, nhưng nó lắc đầu, thét ré lên và hất đổ ly kem khỏi tay mẹ nó. Đó là chứng khoái khổ. Johnny được cho cái mà nó yêu quí nhất, nhưng nó lại quăng phứt đi. Vì sao? Rõ ràng bởi vì vào thời điểm nhất định ấy, Johnny đang quá bận tâm đến việc oán ghét mẹ hơn là việc yêu thích món kem sô-cô-la. Khoái khổ là thế. Nó luôn luôn là chứng kích khổ (sadism) trá hình, lòng căm thù trá hình, cơn giận dữ trá hình.

Những người tự hủy diệt này là những người đang chơi Trò Phiền Trách. Trong vô thức, họ đang nói: “Hãy xem cha mẹ tôi xử tệ với tôi biết bao!” – (thực vậy, những đối tượng thường được nhắm tới nhất là các cha mẹ).

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 26 - 28)