THỰC TẠI ĐỨC GIÊSU

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 101 - 102)

Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh

THỰC TẠI ĐỨC GIÊSU

Khi người ta hỏi tôi phải chăng tôi đã được ‘sinh lại’, tôi nói: “À, có lẽ vậy. Nhưng nếu gọi đó là ‘sinh lại’, thì đó quả là một ca sinh kéo dài và khó khăn.” Có vô số khúc quặt trong hành trình ấy, nhưng có lẽ khúc quặt quan trọng nhất là việc tôi đọc Tin Mừng lần đầu tiên ở tuổi 40. Lúc ấy tôi vừa viết xong bản thảo đầu tiên Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi. Tôi thuộc số những người có khuynh hướng viết trước rồi mới nghiên cứu sau, vì thế sau khi đã trích dẫn Đức Giêsu vài lần, tôi cảm thấy cần tra xét lại những tham chiếu của mình.

Đó quả là dịp tuyệt vời để tôi đến với các Sách Tin Mừng. Nếu trước đó khoảng chục năm, bạn hỏi tôi phải chăng Đức Giêsu là có thực, tôi sẽ trả lời rằng có thừa bằng chứng cho thấy có một Đức Giêsu lịch sử. Nói chính xác, đó là một chàng trai khôn ngoan, bị hành quyết theo kiểu của thời ấy vì tội phát biểu nhiều quá; và rồi, vì một lý do nào đó, người ta bắt đầu tạo ra một tôn giáo xung quanh chàng trai Giêsu này. Rất có thể tôi đã trả lời như thế! Và nếu vậy, tôi đã bỏ sót chính thực tại của Ngài. Bạn biết đó, các tác giả viết Sách Tin Mừng không phải là những người sống đồng thời với Đức Giêsu, các ông viết Sách Tin Mừng khoảng ba chục năm sau cái chết của Ngài. Và những gì các ông viết đều đã được truyền miệng qua năm lần bảy lượt rồi. Với khả năng hiểu biết của tôi trong thời đại tri thức này, tôi đã từng nghĩ rằng tất cả những gì được viết ra trong các Sách Tin Mừng chắc hẳn đều được trau chuốt và thêm thắt.

Nhưng cuối cùng, khi tôi đọc các Sách ấy, tôi đã đọc với hàng chục năm kinh nghiệm gian nan trong nghề chữa trị của mình, và tôi hiểu được chút gì đó về công việc chữa trị cùng những nỗi niềm của một nhà trị liệu. Với chút kinh nghiệm ấy, tôi đã hết sức sững sờ trước thực tại phi thường của con người Giêsu mà tôi gặp thấy trong các Sách Tin Mừng. Tôi nhận ra đó là một con người thường xuyên chán nản. Sự chán nản ấy hầu như bộc lộ nơi mọi trang Tin Mừng: “Tôi phải nói sao để các ông hiểu đây? Tôi phải lặp lại bao nhiêu lần để các ông hiểu đây? Tôi phải làm gì để đánh động được tâm can các ông đây?” Tôi cũng khám phá ra đó là một con người

thường xuyên buồn và đôi khi suy sụp, thường xuyên lo âu và kinh sợ. Một con người từng bị thành kiến, mặc dù Ngài có thể thắng vượt thành kiến ấy bằng tình yêu đầy năng lực chữa trị của Ngài. Một con người cô đơn khủng khiếp, cô đơn tận cùng, nhưng vẫn thường cần được một mình. Tôi cũng khám phá ra một con người cực kỳ thực tiễn đến nỗi không ai có thể cho Ngài ‘đi tàu bay giấy’ được.

Tôi chợt nghĩ nếu các tác giả Tin Mừng đã thêm thắt – như mình từng giả đoán – thì họ phải tạo ra một loại Giêsu mà ba phần tư số người Kitôhữu hiện nay dường như vẫn đang cố tạo ra, loại Giêsu mà Lily gọi là ‘Giêsu nhút nhát’ kia chứ! Người ta thường muốn tô vẽ Đức Giêsu với một nụ cười tươi không bao giờ tắt trên môi, âu yếm xoa đầu các em bé, ung dung thanh thản rảo gót qua các thôn làng, bởi vì Ngài có sự bình an trong tâm hồn! Nhưng, Đức Giêsu của các Sách Tin Mừng – Đấng mà một số người cho là bí mật được che đậy bưng bít nhất trong Kitô giáo – thì không hề có sự an bình trong tâm hồn mấy (theo nghĩa thông thường của mấy tiếng ‘an bình trong tâm hồn’ mà người ta vẫn dùng). Chúng ta cũng vậy, càng trở thành môn đệ Ngài thì chúng ta càng không có an bình trong tâm hồn!

Tôi bắt đầu nghi rằng các tác giả viết Sách Tin Mừng đã không thêm thắt tùy tiện như mình vốn tưởng, trái lại các vị đã thực sự làm công việc tường thuật chính xác – đã lặn lội sưu tầm để ghi lại chính xác ngần nào có thể về những biến cố và những lời nói trong cuộc đời của một con người mà họ chưa thật hiểu mấy, nhưng họ tin rằng chính nơi con người ấy mà Trời và đất đã gặp nhau. Chính khi suy nghĩ như vậy, tôi đã bắt đầu ‘phải lòng’Đức Giêsu.

Dường như phần đông các Kitôhữu đã không hề đọc Tin Mừng, và dường như phần đông các giáo sĩ Kitô giáo thậm chí không thể rao giảng đúng sự thật của Tin Mừng, bởi vì nếu họ làm thế, các cộng đoàn của họ có nguy cơ giải tán sạch.

Tôi không muốn hàm ý rằng các Sách Tin Mừng có nội dung hoàn toàn chính xác. Chắc chắn có một số chi tiết đã được thêm thắt vào. Và tôi cho rằng cũng có nhiều chi tiết bị bỏ sót. Chẳng hạn, chúng ta không thấy nói đến khiếu hài hước của Đức Giêsu và thực tại tính dục của Ngài. Có lẽ người ta cố ý không nói đến tính dục của Đức Giêsu bởi vì nó có vẻ hàm hồ. Dường như Đức Giêsu rất thích Maria Ma-đa-lê-na, người phụ nữ vốn là một gái điếm, và người ta thường bắt gặp Ngài có những cử chỉ rất thân mật với Tông Đồ Gioan, người được mệnh danh là “môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”. Tôi tin rằng nơi Đức Giêsu có lưỡng tính; nghĩa là Ngài không phải không có phái tính, không phải đơn tính, nhưng là có tất cả. Và tất cả đã làm nên một Giêsu thật sự ‘người’, một con người có thiên năng đặc biệt.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 101 - 102)