& Bản Tính Con Ngườ
THẦN THOẠI VỀ SỰ THIỆN VÀ SỰ DỮ
Trong số những điều phức tạp và đa chiều kích nhất của Thánh Kinh là chương 3 Sách Sáng Thế: thần thoại về A-đam và E-va trong Vườn Ê-đen. Các thần thoại, cũng như các giấc mơ, có thể làm việc bởi cái mà Freud gọi là dồn nén. Một giấc mơ có thể dồn nén trong nó không chỉ một mà có thể hai hay ba ý nghĩa khác nhau. Điều này có thể áp dụng cho thần thoại về Vườn Ê- đen. Đó là một câu chuyện lạ thường, chất chứa không chỉ một chân lý thâm sâu, không phải hai, không phải ba, mà là hơn một tá chân lý thâm sâu để dạy chúng ta về bản tính con người.
Mặc dù những người thuộc phái cơ yếu không dễ chấp nhận điều này, song một trong những điều mà thần thoại Ê-đen dạy chúng ta là sự tiến hóa. Nói vậy không có nghĩa Thiên Chúa không liên can gì đến sự tiến hóa; trái lại. Tôi cho rằng Ngài can dự vào rất nhiều. Một cách đặc biệt, chương 3 Sáng Thế là một thần thoại về cách mà con người đã tiến hóa đến cấp độ ý thức. Tôi đã đề cập ở chương 1 về một số kết quả của bước tiến hóa này, những kết quả được phản ảnh rất rõ nét trong câu chuyện lừng danh về Vườn Ê-đen: sự xấu hổ của chúng ta, khả năng ý thức về chính mình của chúng ta, cảm thức tách biệt khỏi thiên nhiên nơi chúng ta và nhu cầu tiếp tục
tiến hóa không ngừng tới trình độ ý thức cao hơn của chúng ta. Ở đây tôi xin ghi nhận rằng cùng với ý thức, chúng ta cũng bắt đầu nhận thức điều thiện và điều dữ.
Vì thế, có một điều khác nữa mà câu chuyện rất phong phú này dạy chúng ta, đó là khả năng chọn lựa. Cho tới khi chúng ta ăn quả táo từ cây Biết Lành Biết Dữ, chúng ta đã không thực sự có sự chọn lựa. Chúng ta đã không có ý chí tự do cho đến cái khoảnh khắc được mô tả trong chương 3 Sách Sáng Thế, khoảnh khắc mà chúng ta bắt đầu ý thức, và khi đã có ý thức, chúng ta đứng trước sự chọn lựa hoặc đi theo sự thật hoặc đi theo sự dối trá. Như vậy câu chuyện Vườn Ê- đen cũng liên hệ rất nhiều với toàn bộ khởi nguyên của sự thiện và sự dữ. Bạn không thể có sự dữ cho đến khi bạn có sự chọn lựa. Khi Thiên Chúa cho chúng ta ý chí tự do, tất nhiên Ngài cho phép sự dữ đi vào thế giới.
Chương 1 Sáng Thế là một thần thoại xa xưa hơn nữa, cũng có liên quan đến sự tiến hóa cũng như liên quan đến sự thiện và sự dữ. Bản văn ấy nói về cách mà Thiên Chúa tạo ra bầu trời trước hết, rồi đến đất và nước, rồi đến thảo mộc và động vật. Đó cũng chính là trình tự được khoa địa chất và khoa cổ sinh vật học đề cập đến. Trong mức độ mà khoa học có thể xác định, đó là trình tự của tiến hóa, ngay cả dù chúng ta không thể nói rằng tất cả đã xảy ra trong bảy ngày.
Một ý nghĩa hoàn toàn mới tiềm tàng trong chương 1 Sáng Thế đã xảy đến với tôi khi tôi nhớ lại rằng đầu tiên Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng, và Ngài nhìn nó và thấy nó tốt đẹp. Rồi Ngài tạo ra đất và thấy tốt đẹp. Và rồi Ngài phân rẽ đất và nước, và cũng thấy điều đó tốt đẹp. Rồi Ngài tiếp tục tạo ra thảo mộc và động vật, và khi Ngài nhìn thấy chúng, chúng cũng tốt đẹp. Thế rồi Ngài tạo nên con người. Như vậy tôi cho rằng động lực làm điều tốt có một cái gì đó liên quan đến mục tiêu của cuộc sáng tạo.
Tương tự, động lực làm điều dữ thì có sức hủy diệt chứ không sáng tạo. Sự chọn lựa giữa tốt và xấu, sáng tạo và hủy diệt, là sự chọn lựa của chúng ta. Và, cuối cùng, chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm và đón nhận những hệ quả của trách nhiệm ấy.