JUNG VÀ HIỆP HỘI AA (16)

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 87 - 88)

Một Bệnh Thánh Thiêng!

JUNG VÀ HIỆP HỘI AA (16)

Ít người biết rằng Carl Jung – người góp phần lớn hơn bất cứ ai khác trong cố gắng kết duyên giữa tâm lý và tâm linh – quả thực đã đóng một vai trò gián tiếp trong việc sáng lập ra Hiệp Hội AA. Jung có một bệnh nhân vào thập niên 1920, một người đàn ông nghiện rượu, sau một năm theo đuổi sự trị liệu tâm lý, vẫn không thấy có dấu hiệu tiến bộ nào. Cuối cùng, Jung xoa tay và nói: “Này, anh đang phung phí tiền để chi trả cho tôi. Tôi không biết cách nào để giúp anh. Tôi không thể giúp anh được.” Và người đàn ông nói: “Nghĩa là không còn có hy vọng gì cho tôi à? Bác sĩ không còn một đề nghị nào sao?” Jung đáp: “Điều duy nhất tôi có thể đề nghị là bạn nên có một cuộc hoán cải về tôn giáo. Tôi đã nghe nói về một vài người trải qua sự hoán cải ấy và đã ngừng việc uống rượu. Và tôi rất chú ý đến sự kiện đó.”

Người đàn ông ấy ghi nhận những lời nói của Jung, và bắt đầu tìm kiếm một cuộc hoán cải về tôn giáo. Hãy tìm thì sẽ gặp? Vâng, anh ta đã gặp. Sau đó khoảng sáu năm, anh ta trải qua một cuộc hoán cải và ngừng luôn việc uống rượu.

Ít lâu sau khi sự việc ấy xảy ra, anh ta tình cờ gặp lại một tay bạn nhậu cũ, tên là Ebby. Và Ebby nói: “Chà, làm một ly đi chứ!” Nhưng anh đáp: “Không, mình không còn uống rượu nữa.” Ebby ngạc nhiên: “Cậu muốn nói gì vậy? Cậu bỏ rượu rồi à? Cậu là một con sâu rượu, y như mình vậy mà?” Thế là anh chàng thân chủ của Jung kể cho bạn mình nghe về lời khuyên của vị bác sĩ ấy, và rằng nhờ đó anh ta đã chừa được tật nghiện rượu.

Ebby nghĩ đó là một ý kiến hay. Thế là đến lượt anh ta đi tìm một sự hoán cải về tôn giáo. Anh ta đã mất hai năm. Và cuối cùng thì Ebby bỏ được rượu.

Sau đó, một tối nọ, Ebby ghé thăm một người bạn cũ khác tên là Bill W. Anh chàng Bill W. này cũng rủ Ebby làm một ‘chầu’, và cũng bị Ebby từ chối. Đến lượt Bill W. sửng sốt, vì anh ta biết rằng Ebby vốn là một tay nghiện rượu không kém anh ta. Thế là Ebby thuật lại sự việc mình gặp thân chủ của Jung như thế nào, mình bắt chước tìm kiếm một cuộc hoán cải tôn giáo ra sao và kết quả gì đã xảy ra liên quan đến chứng nghiện rượu của mình.

Bill W. nghĩ đó là một ý kiến hay. Vì thế cả anh ta nữa, cũng khởi sự tìm kiếm một cuộc hoán cải tôn giáo. Anh mất có vài tuần, và không lâu sau đó anh đã bắt đầu buổi họp mặt AA đầu tiên tại Akron, Ohio.

Khoảng hai mươi năm sau, khi AA đã thật sự thành hình là một tổ chức được mọi người biết đến, Bill W. đã viết cho Jung và kể cho vị bác sĩ này về vai trò mà vị bác sĩ ấy đã đóng một cách vô tình trong việc thành lập AA. Jung hồi âm cho Bill W. bằng một lá thư hết sức ấn tượng. Ông nói rằng ông vô cùng sung sướng vì Bill W. đã viết cho ông, ông vui mừng biết rằng thân chủ của mình trước kia đã thành công, ông mừng nhận ra vai trò mà ông đã đóng một cách tình cờ kia. Nhưng ông nói ông đặc biệt mừng vì – trong khi không có nhiều người sẵn sàng nghe ông trao đổi về những chuyện như thế – thì điều đã xảy ra cho ông là té ra không phải tình cờ việc xưa nay chúng ta vẫn gọi các thứ rượu là ‘tinh thần’* (Anh ngữ: spirits) – và hầu như những người nghiện rượu là những người khao khát cháy bỏng về tinh thần hơn những người khác, và rằng có lẽ chứng nghiện rượu là một rối loạn tâm linh, hay có thể nói, một tình trạng tâm linh! Như vậy, có hai cách để nhìn nỗi ‘khao khát về nhà’ nơi những người nghiện, và cả hai cách đều đúng. Sẽ sai lầm nếu hoàn toàn gạt bỏ khía cạnh thoái hóa của chứng nghiện; tuy nhiên, khi làm việc với người ta, tôi đã nhận ra rằng kết quả ngoạn mục nhất thường xảy đến khi nhấn mạnh đến các phương diện tích cực. Vì thế, đối với những người nghiện, kết quả ngoạn mục nhất đến từ việc nhấn mạnh không phải những khía cạnh thoái hóa của chứng rối loạn đó mà đúng hơn là từ việc nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực – tức nỗi khát khao tinh thần, nỗi khát khao Thiên Chúa.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 87 - 88)