THIÊN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 102 - 104)

Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh

THIÊN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Lily và tôi vốn thường tham gia một câu lạc bộ thể thao nhỏ ở miền duyên hải tiểu bang Maine. Hằng năm, vào mùa hè, chúng tôi thường đến ở lại đó vài ngày. Vào thời gian xuất bản quyển

Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, chúng tôi đang có mặt ở đó – và do chứng tự yêu của mình, tôi

đã bộp chộp khoe ngay trong ngày đầu tiên mình đến câu lạc bộ rằng quyển sách ấy đã được xuất bản, rằng tôi không chỉ là một bác sĩ tâm thần mà còn là một tác giả viết sách nữa. Rồi, liền đó, tôi đã phải ân hận về chứng tự yêu ấy của mình. Số là, vào buổi tối thứ hai của chúng tôi ở đấy, một trong những ông khách – là một luật sư có tiếng – đã đến gặp tôi và hỏi: “Nghe nói ông vừa viết một cuốn sách phải không? Sách bàn về chuyện gì vậy?”

“Về mối hòa hợp giữa tâm lý học và tôn giáo” – tôi đáp.

“Nghe có vẻ hay đấy nhỉ. Nhưng cụ thể ông nói gì trong đó?” Ông ta hỏi, tỏ vẻ là một nhà nghiên cứu ‘thứ thiệt’.

“À, quyển sách nói khá nhiều chuyện. Tôi không biết ông có sẵn sàng ngồi lại một tiếng đồng hồ để tôi có thể giải thích cho ông về nội dung của quyển sách hay không.” Tôi trả lời, với giọng không sốt sắng mấy.

“Ô, chẳng cần phải thế đâu. Tôi chỉ muốn ông nói tóm tắt về cuốn sách trong vài câu thôi mà.” Tôi trả lời: “Thưa ông, nếu tôi làm được điều đó, thì tôi đã chẳng cần phải mất công viết cả một cuốn sách!”

“Hứ!’” – ông khách vẫn nằn nì – “Trong ngành luật của chúng tôi, người ta vẫn nói rằng bất cứ điều gì đáng nói thì cũng đều có thể được nói gọn trong một hay hai câu.”

Tôi chỉ còn cách là bày cớ: “Ồ, nói cho cùng thì quyển sách ấy chẳng có gì đáng cho ông quan tâm đâu.” Và tôi quay lưng bỏ đi.

Một ví dụ cho thấy thiên năng của Đức Giêsu, đó là khi rơi vào tình huống giống như tình huống của tôi, Ngài đã xử lý tuyệt vời hơn tôi gấp muôn triệu lần. Lần nọ, giữa đám đông có một người – lại cũng là một ông thầy luật ! – tách ra, tiến đến với Ngài. Và ông ta hỏi: “Này, thưa thầy Giêsu, thầy đang cố giảng dạy điều gì vậy? Tôi không muốn nghe những bài giảng dài như kiểu bài giảng trên núi. Xin vui lòng tóm tắt cho tôi sứ điệp của thầy chỉ trong một hay hai câu cô đọng thôi.” Và Đức Giêsu đã đáp ứng yêu cầu của ông ta: Ngài đưa ra hai câu cô đọng đến nỗi quyện lại thành một. Ngài nói: “Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Và hãy yêu thương anh em ngươi như chính mình.”

Đó là bản chất của một người Kitôhữu. Thật tiếc, phần đông người ta không hiểu nỗi khổ đau ẩn đàng sau những lời ấy. Yêu mến Thiên Chúa với hết lòng, hết linh hồn và hết sức, điều đó có nghĩa là trao phó trọn con người mình cho Ngài. Việc trao phó bản thân mình cho Thiên Chúa là một tiến trình lâu dài và cam go. Nhiều năm sau khi đã trở thành một Kitôhữu, tôi vẫn nhận ra rằng mình chưa hoàn thành tiến trình ấy gì cả.

Sau khi tôi đọc các Sách Tin Mừng và quyển Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi đã được chấp thuận xuất bản, tôi quyết định làm một chuyến đi nghỉ. Vì không muốn đi với gia đình, cũng không muốn một mình ra bãi biển ngồi nhìn trời đất mông lung, tôi đưa ra một quyết định hơi bất ngờ: đi tĩnh tâm! Thế là tôi đến một tu viện và làm cuộc tĩnh tâm hai tuần lễ.

Tôi có nhiều dự tính cho kỳ tĩnh tâm này. Một trong số những dự tính đó là bỏ thuốc lá – điều mà tôi đã thành công chỉ trong thời gian hai tuần lễ ấy mà thôi! Nhưng dự tính lớn nhất của tôi là quyết định xem mình sẽ làm gì nếu lỡ xảy ra trường hợp quyển Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi khiến mình trở thành có tên tuổi. Nếu trở thành nổi tiếng, tôi nên từ bỏ mọi việc riêng tư để đi diễn thuyết đó đây, hay tôi sẽ vào rừng ở ẩn kiểu như J. D. Salinger, và đăng ký ngay một số điện thoại kín để không bị thiên hạ quấy rầy? Tôi phân vân không biết chọn đường nào. Tôi cũng chẳng biết Chúa muốn tôi chọn con đường nào. Vì thế, tôi vuốt ve hy vọng rằng trong sự thinh lặng của kỳ tĩnh tâm này và trong bầu khí thánh thiện ấy, tôi có thể nhận được một mạc khải từ Thiên Chúa để biết phải rẽ hướng nào giữa ngã ba đường.

Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng hết sức để cộng tác với Thiên Chúa trong cuộc mạc khải đó bằng cách chú ý đến các giấc mơ của mình – vì tôi tin rằng các giấc mơ có thể đóng vai trò một trung gian chuyển trao mạc khải. Tôi bắt đầu ghi lại tất cả những giấc mơ của tôi. Nhưng tôi thất vọng, bởi vì tôi toàn mơ thấy những gì rất đơn giản, chẳng hạn những cây cầu, những cánh cổng … Chẳng có gì liên quan đến bước đổi đời của mình cả!

Nhưng rồi, xảy đến một giấc mơ ngoài sự mong đợi. Trong giấc mơ ấy, tôi trông thấy một gia đình trung lưu. Trong gia đình có một chàng trai mười bảy tuổi, thuộc loại con trai mà mọi cha mẹ đều mơ ước. Chàng là lớp trưởng ở năm cuối trung học, sẽ là người đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp sắp tới. Chàng cũng là đội trưởng của đội bóng đá nhà trường. Chàng đẹp trai, chăm chỉ,

có làm một công việc bán thời gian sau các giờ học. Thêm vào đó, chàng có một bạn gái xinh đẹp, thùy mị và rất duyên dáng. Chàng có bằng lái xe – và chàng luôn lái xe một cách hết sức đàng hoàng, cẩn thận như một người lớn chín chắn. Chỉ có một người quyết không cho phép chàng lái xe, và người đó chính là cha chàng. Ông bố này nhất mực lãnh phần lái xe đưa con trai mình đi mọi nơi anh cần đi: đi dượt bóng đá, đi làm, đi hẹn hò, đi dạo chơi … Thêm nữa, ông bố yêu cầu con trai phải trích từ số tiền còm anh kiếm được để trả cho ông 5 đô la mỗi tuần về khoản chi phí đi lại mà ông phục vụ cho anh – dù anh không hề cần ông phải phục vụ như vậy. Tôi thức dậy từ giấc mơ này với cảm xúc bực bội đối với người cha độc đoán ấy.

Tôi không biết phải suy diễn điều gì từ giấc mơ ấy. Nó dường như cũng chẳng có nghĩa gì. Nhưng ba ngày sau khi viết câu chuyện đó ra giấy, tôi đọc lại những gì mình đã ghi và phát hiện rằng mình đã viết chữ ‘Cha’ với ‘C’ hoa! Tôi tự nhủ: “Hay là mình nghĩ người cha trong giấc mơ là Thiên Chúa? Nếu vậy, chàng trai mười bảy tuổi ấy phải chăng là chính mình?” Cuối cùng, tôi hiểu rằng mình đã nhận được một mạc khải. Thiên Chúa đang nói với tôi: “Này, Scotty, cứ lo tính tiền đi; còn việc lái xe, hãy để đó cho Ta.”

Tôi vốn vẫn nghĩ về Thiên Chúa như một người bạn vô cùng tử tế, tốt lành. Nhưng trong giấc mơ, tôi đã đặt Ngài vào một vai độc đoán và khắc nghiệt, hay ít nhất tôi đã nghĩ về Ngài với sự ghê tởm và phẫn nộ. Dĩ nhiên, vấn đề là đây không phải một loại mạc khải mà tôi mong đợi. Tôi không hề muốn nghe loại mạc khải ấy. Tôi chỉ muốn một lời khuyên nào đó của Chúa mà tôi hoàn toàn có tự do để đón nhận hay khước từ. Tôi không muốn một mạc khải lớn như thế. Tôi không muốn một mạc khải mà trong đó Thiên Chúa nói với tôi rằng “Cứ để Ta lái xe”!

Muời sáu năm sau, tôi vẫn còn cố tập sống sứ điệp mạc khải ấy: cố phó thác chính mình cho Thiên Chúa bằng cách tiếp nhận Ngài vào chỗ ‘ghế tài xế’trên chiếc xe cuộc đời mình – một cuộc đời vẫn còn rất chập choạng.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 102 - 104)