BẢN NĂNG VÀ BẢN TÍNH CON NGƯỜ

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 74 - 76)

& Bản Tính Con Ngườ

BẢN NĂNG VÀ BẢN TÍNH CON NGƯỜ

Vì thế, khi người ta hỏi bản tính con người là gì, câu trả lời khác mà tôi thường dùng hơn, đó là nói rằng không có một cái gì gọi là bản tính con người cả. Và nếu buộc phải kể ra những gì gì đó, thì trước hết phải kể đó là niềm vinh dự của chúng ta trong tư cách là con người.

Điều phân biệt con người chúng ta với các sinh vật khác không phải là ngón tay cái của chúng ta, không phải là thanh quản độc đáo giúp chúng ta nói được, cũng không phải là vỏ não to lớn của

chúng ta, nhưng đó là sự kiện chúng ta thiếu các bản năng hay các khuôn thức ứng xử có tính di truyền và chế định sẵn – là yếu tố vốn trao cho các sinh vật khác một bản tính rõ ràng hơn nhiều so với chúng ta.

Tôi sống ở Connecticut trên một vùng bờ hồ, và trên hồ ấy, khi băng tan vào mỗi độ cuối tháng ba, một đàn mòng biển bay về; rồi mỗi tháng 12, khi mặt hồ đóng băng trở lại, đàn mòng biển ấy lại bay đi, có lẽ về các vùng ở miền Nam. Tôi chẳng bao giờ biết chúng đi đâu, nhưng một vài người bạn vừa mới cho tôi biết rằng nơi mà chúng đến là Florence, ở Alabama.

Dù có những con mòng biển di trú hay không, các nhà khoa học nghiên cứu các loài chim di trú đã nhận ra rằng chúng thực sự có khả năng di chuyển bằng các vì sao trên trời. Qua di truyền, chúng đã xây dựng nơi chúng những mẫu phức tạp của sự di trú theo các yếu tố trên bầu trời, giúp chúng luôn luôn hạ cánh chính xác ở Florence, Alabama. Điều phải lưu ý ở đây là chúng không hề có tự do để làm điều đó. Những con mòng biển kia không thể nói: “Tôi nghĩ tôi thích trải qua mùa đông này ở Bermuda hay Bahamas hoặc Barbados.” Chúng chỉ có thể đến hoặc Florence, Alabama hoặc không gì cả!

Đàng khác, điều đặc trưng cho con người chúng ta là sự tự do phi thường và khả năng ứng xử vô cùng đa dạng. Trong trường hợp của những con mòng biển trên, chúng ta có thể đi Bahamas hay Bermuda hay Barbados tùy mình thích. Hoặc chúng ta có thể làm một cái gì đó hoàn toàn không tự nhiên, chẳng hạn, giữa mùa đông lạnh thấu xương, chúng ta bay lên phía bắc, đến Stowe, Vermont hay đến vùng núi Colorado! Sự tự do phi thường này – cho phép chúng ta làm những điều khác hẳn và thường xem ra không tự nhiên – là nét nổi bật nhất của bản tính con người chúng ta.

Không đâu khác trình bày điều nói trên tốt hơn quyển Thanh Gươm Trong Đá (The Sword in the Stone) của T.H. White. Tôi xin lược tóm câu chuyện của quyển sách này. Đó là vào thuở rất xa xưa, khi tất cả các sinh vật trên trái đất vẫn còn ở dạng phôi. Buổi chiều nọ, Thiên Chúa tập trung tất cả các phôi nhỏ bé ấy lại và nói: “Ta sẽ cho mỗi đứa trong các ngươi ước ba điều – bất cứ ba điều gì các ngươi muốn. Nào, hãy bước tới đây, lần lượt, và nói lên ba điều ước để Ta ban cho.”

Thế là phôi bé bỏng đầu tiên bước tới và nói: “Lạy Chúa, con muốn có tay và chân, giống như những cái xẻng, để con có thể tự đào hang làm một chỗ ở an toàn cho con dưới đất; con thích có bộ lông dày để giữ con ấm suốt mùa đông, và con thích có một số răng nhọn phía trước để con có thể gặm cỏ.”

Và Chúa nói: “Tốt, hãy đi và trở thành một con chuột chũi.”

Phôi thứ hai bước tới, thưa: ”Lạy Chúa, con thích nước. Con thích có một tấm thân mềm dẻo để con có thể bơi trong nước. Con cũng muốn thở dưới nước với một loại ‘mang’ nào đó. Và con muốn một hệ thống giữ cho con ấm bất kể nhiệt độ của nước nóng lạnh thế nào.”

Thiên Chúa đáp ứng thỏa mãn mọi điều ước của các phôi nhỏ bé, cho đến khi chỉ còn một phôi cuối cùng, trông có vẻ rất khép nép – có lẽ vì lý do mà tôi đã nhắc đến trước đây: nó quá xấu hổ, đến nỗi Thiên Chúa phải động viên nó và hỏi: “Nè, hỡi phôi bé nhỏ cuối cùng, ba điều ước của ngươi là gì?” Nó rụt rè thưa: “Dạ, con không muốn tự tiện định đoạt gì. Không phải vì con không muốn hàm ơn. Bởi thực sự con muốn. Nhưng … nhưng con tự hỏi nếu Chúa vui lòng, thì con xin cứ vẫn là con như cũ – là một phôi bé bỏng. Có lẽ một lúc nào đó con sẽ đủ khôn ngoan để biết đâu là ba điều mà Chúa nghĩ rằng cần thiết cho con.”

Và Chúa mỉm cười nói: “A! Ngươi là con người. Và vì ngươi đã chọn vẫn tiếp tục làm một phôi, ta sẽ trao cho ngươi quyền thống trị trên mọi sinh vật khác.”

Thực tế, đa số trong chúng ta ném bỏ tình trạng phôi của mình. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta trở thành cứng lì trong những cung cách của mình, những bản tính của mình. Hồi tôi còn nhỏ, quan sát cha mẹ mình và những người khác khi các ngài bước vào tuổi 50 hay 60, tôi thấy dường như các ngài ít quan tâm đến các điều mới mẻ; các ngài ngày càng xác tín về sự đúng đắn của những quan niệm và thế giới quan của các ngài.

Quả thật tôi cũng thấy đó là điều tất nhiên, cho đến khi tôi lên hai mươi tuổi. Mùa hè năm đó, tôi đến sống với tác giả nổi tiếng John Marquand, bấy giờ đã 65 tuổi, và ông đã làm tôi thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của mình. Tôi nhận ra rằng ông già 65 tuổi này thích thú với mọi sự, kể cả với tôi. Và tôi chưa từng gặp một người nào 65 tuổi trước đó đã từng quan tâm nghiêm túc đến tên oắt con 20 tuổi vô danh tiểu tốt này như thế. Tối nào ông cụ và tôi cũng chuyện trò, tranh luận tới khuya lơ, và rất nhiều lần ông nhìn nhận rằng tôi có lý, rất nhiều lần ông phải thay đổi quan điểm này hay lập trường nọ. Tôi nhận ra rằng người đàn ông này, thay vì già cỗi về tâm thần, lại tỏ ra ngày càng trẻ trung hơn, ngày càng cởi mở, mềm dẻo hơn đa số các thanh thiếu niên.

Chính lúc ấy, lần đầu tiên, tôi hiểu rằng người ta có thể không già đi về tâm thần. Về thể lý, dĩ nhiên chúng ta phải ngày càng già đi. Tất cả chúng ta cuối cùng đều phải già khọm và chết, nhưng về tâm thần thì không thế. Nhiều khi chúng ta chẳng lưu ý đến điều này. Nhưng kỳ thực chính khả năng thay đổi không ngừng này là nét nổi bật nhất của bản tính con người chúng ta.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 74 - 76)