NỖI SỢ CHẾT VÀ CHỨNG TỰ YÊU

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 43 - 46)

Nhưng tại sao chúng ta thường sợ chết quá mức như thế?

Đấy chủ yếu bởi vì chứng tự yêu (narcissism) của chúng ta. Tự yêu là một hiện tượng không bình thường và rất phức tạp. Xét một mức nào đó, tự yêu là điều cần thiết trên phương diện tâm lý đối với bản năng sinh tồn của chúng ta, nhưng phần lớn thì chứng tự yêu còn tồn đọng từ tuổi ấu thời và có tính tự hủy diệt. Khi chứng này bị thả lỏng, thì đó là sự mở đường cho những tình trạng bệnh hoạn về tâm lý và tinh thần. Cuộc sống tinh thần lành mạnh hệ tại ở cuộc vượt thoát không ngừng ra khỏi tính tự yêu. Nhưng thực tế thường người ta không thoát ra được khỏi nó, và đây là điều vô cùng tai hại.

Khi các bác sĩ tâm thần nói về các thương tổn để tự hào, thì đó là các thương tổn của chứng tự yêu. Trên bậc thang các thương tổn tự yêu của tôi, tôi xếp sự chết ở chóp đỉnh. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng bị thương tổn do chứng tự yêu, dù với mức độ rất nhỏ: một người bạn cùng lớp gọi tôi là điên khùng, chẳng hạn; hoặc vì tôi là người cuối cùng được chọn vào đội bóng chuyền của trường; hoặc các đồng nghiệp chế giễu tôi; hoặc tôi bị sa thải; hoặc con cái tôi phản kháng tôi, vv… Khi những thương tổn ấy của chứng tự yêu xảy ra, hoặc là tôi trở thành bực dọc cay đắng, hoặc là tôi lớn lên. Nhưng cái chết thì có tầm mức rộng hơn nhiều. Không có gì đe dọa mối ràng buộc giữa tính tự phụ của chúng ta và chứng tự yêu nơi chúng ta hơn là cái chết đang treo lơ lửng trên đầu mình. Vì thế, sự kiện chúng ta sợ chết là điều vô cùng tự nhiên.

Có hai cách để xử lý nỗi sợ ấy: cách thông thường và cách khôn ngoan. Cách thông thường là xua đuổi nỗi sợ ấy ra khỏi tâm trí mình, hạn định ý thức của mình về nó, cố gắng không nghĩ về nó. Cách này xem ra hữu hiệu khi chúng ta còn trẻ. Nhưng chúng ta càng xua đuổi nó, nó càng sấn tới sát gần chúng ta hơn. Và đến một lúc nào đó, mọi sự dường như đều bắt ta nghĩ đến cái chết: đứa con mình tốt nghiệp, bạn mình bị bệnh, cái khớp xương mình kêu răng rắc … Nói chung, cách thông thường xem ra không khôn ngoan lắm. Thật vậy, chúng ta càng quay mặt lẩn tránh sự chết của mình thì tuổi già của chúng ta càng trở nên đầy đe dọa hơn cho mình.

Cách khôn ngoan hơn là đối diện với sự chết càng sớm càng tốt. Và khi làm thế, chúng ta có thể nhận ra một cái gì đó thực sự rất đơn giản. Nghĩa là, ngần nào chúng ta có thể vượt qua chứng tự yêu của mình thì ngần ấy chúng ta có thể vượt qua được nỗi sợ chết.

Đối với những người thành công trong việc này, thì viễn ảnh sự chết sẽ trở thành một động lực thúc đẩy sự trưởng thành tâm lý và tâm linh của họ. Họ nghĩ: “Dù sao tôi cũng sẽ chết, nên chẳng nghĩa lý gì việc cố bám víu vào cái tôi ngốc nghếch của mình.” Bấy giờ, họ tiến lên trong một cuộc hành trình giũ bỏ sự vị kỷ.

Đó không phải là một cuộc hành trình dễ dàng và dễ chịu. Những ‘cái vòi’của chứng tự yêu nơi chúng ta rất nhạy cảm và sắc bén; chúng phải được chặt đứt từ ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác. Bốn mươi năm sau khi tôi lần đầu tiên nhìn nhận chứng tự yêu nơi mình, tôi vẫn còn phải tiếp tục làm công việc chặt đứt những ‘cái vòi’ của nó!

Hành trình này quả là không dễ, nhưng rõ ràng nó thật đáng giá. Bởi vì khi chúng ta tiến xa hơn trong việc loại trừ chứng tự yêu nơi mình, loại trừ xu hướng qui ngã của mình, thì chúng ta càng nhận ra rằng mình không chỉ ít sợ chết hơn mà còn trở nên ít sợ sống hơn nữa! Tấm lòng chúng ta sẽ rộng mở hơn. Chúng ta không còn bị áp lực phải bảo vệ chính mình nữa. Chúng ta có thể ngước mắt lên, thôi nhìn mình, để thật sự nhận ra người khác. Và chúng ta bắt đầu cảm nghiệm một niềm hạnh phúc sâu xa mà trước kia mình chưa bao giờ cảm nghiệm được. Vì bấy giờ chúng ta ngày càng quên mình hơn nên chúng ta có khả năng nhớ đến Thiên Chúa hơn.

Đây là sứ điệp cốt lõi trong mọi tôn giáo lớn: Hãy học chết! Các tôn giáo nhắc đi nhắc lại với chúng ta rằng con đường ra khỏi chứng tự yêu chính là con đường tiến đến ý nghĩa. Các tín đồ Phật giáo và Aán giáo nói về điều này trong hai tiếng ‘vô ngã’; đối với họ, ngay cả ý niệm về bản ngã cũng là một ảo tuởng. Đức Giêsu cũng nói tương tự: “Ai muốn cứu mạng sống mình (nghĩa là ai cố bám lấy chứng tự yêu nơi mình) thì sẽ mất nó. Và ai dám liều mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm được nó.”

—————-

(6) Tạm dịch: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CHỌN CHO ĐÚNG CÁI NĨA. (7) open-heart = mổ tim trong khi máu được tuần hoàn.

(9) heartbreak trong Anh ngữ, có gốc ở heart (= trái tim)

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 43 - 46)