TỘI LỖI CỦA GIÁO HỘ

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 105 - 107)

Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh

TỘI LỖI CỦA GIÁO HỘ

Nếu như tôi không nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo tốt nhất – hoặc nếu tôi nghĩ tôn giáo nào cũng như nhau, thì tôi đã không lãnh Phép Rửa và trở thành một Kitôhữu vào cái năm 43 tuổi ấy. Trên bình diện tri thức, lý do tôi trở thành Kitôhữu là bởi vì tôi dần dần tin rằng giáo thuyết Kitô giáo tiếp cận thực tại Thiên Chúa và mọi thực tại nói chung tốt hơn bất cứ tôn giáo nào khác. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận rất nhiều điều đáng học hỏi từ các tôn giáo khác. Tôi cho rằng trách nhiệm của một Kitôhữu có học thức là phải học hỏi càng nhiều càng tốt những lẽ khôn ngoan trong các truyền thống tôn giáo khác.

Có lẽ tội lớn nhất của Giáo Hội Kitô là tính cách kiêu ngạo, hay tự yêu, dẫn đến sự kiện là rất nhiều Kitôhữu cảm thấy rằng mình đã chiếm hữu được Thiên Chúa làm của riêng mình. Nhiều người nghĩ rằng mình nắm giữ toàn bộ chân lý và nơi mình chỉ có toàn chân lý, còn những kẻ không có niềm tin giống như mình thì chắc chắn mất ‘phần rỗi’. Tôi cho những người ấy chỉ có một ‘thiên chúa’ rất nghèo nàn và méo mó. Họ không hiểu ra sự thật rằng Thiên Chúa vĩ đại gấp bội lần hơn thần học của họ. Như tôi đã từng nói, Thiên Chúa không thuộc về chúng ta để cho chúng ta độc chiếm. Trái lại, chúng ta thuộc về Ngài và được Ngài chiếm hữu. Và không gì bóp nghẹt Tin Mừng cho bằng nhãn giới tự yêu quá thiển cận kia.

Khi tôi trở thành Kitôhữu, tôi hiểu rằng một khi đã nhìn nhận căn tính mình như thế, tôi phải đảm nhận – cách này hay cách khác – những gánh nặng tội lỗi của Giáo Hội Kitô giáo, mà kiêu ngạo chỉ là một trong đó mà thôi. Một gánh tội khác phải được nhìn nhận, đó là thái độ bài Sê- mít (17) độc ác của Giáo Hội qua các thế kỷ và, gần đây hơn, Giáo Hội đã không làm điều cần phải làm để chặn đứng cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ II. Tôi tin rằng nếu các Giáo Hội Kitô công khai phản đối chủ nghĩa quốc xã, vạch trần rằng chủ nghĩa ấy còn tệ hại hơn cả dị giáo, và đe dọa tuyệt thông những người theo chủ nghĩa ấy, … thì rất có thể dòng lịch sử đã đi theo một hướng khác rồi.

Một gánh nặng khác nữa là gánh nặng bị hiểu lầm. Vừa khi tôi đề cập đến Đức Giêsu hay Kitô giáo, nhiều người bị dị ứng bởi vì họ thuộc một tôn giáo khác hay bởi vì họ đã từng kinh nghiệm thói đạo đức giả trong Giáo Hội. Một trong những người đó là vợ tôi – vốn là con gái của một mục sư Tin Lành Báp–tít Bảo Thủ người Trung Hoa, được nuôi dạy lớn lên trong một gia đình nơi mà đức tin và tình yêu được rao giảng, song cũng là nơi mang đầy dấu vết của sự sợ hãi và lòng đố kỵ. Thế đó, tôi bắt đầu thích thú với tất cả những quan niệm “mới” gắn liền với những ý nghĩa tích cực – những quan niệm và những ý nghĩa mà Lily cho là cửa ngỏ của tính đạo đức giả. Vợ chồng tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn do xung khắc như thế, cho đến khi tôi dần dần biết giảm bớt ‘máu giảng đạo’ của mình, và Lily dần dần biết nhận ra rằng có nhiều cấp độ Kitô giáo khác nhau (điều này cũng đúng cho mọi tôn giáo khác) và cô ấy biết tôi không đang ở cùng một cấp độ như bố mẹ cô ấy trước đây.

Ngay cả trước khi lãnh nhận Phép Rửa, tôi cũng đã hiểu rằng nếu tôi nói về các niềm tin tưởng của mình, sẽ có nhiều người ghét và bác bỏ mình do các thành kiến cố hữu của họ. Nhưng Đức Giêsu từng dạy rằng cuộc sống không phải là một cuộc thi đua chiếm cảm tình nơi người ta. Vì thế, Phép Rửa còn mang ý nghĩa một cái chết đối với tôi ở chỗ chính bản thân việc nhận Phép Rửa đã là một hành động công khai tuyên nhận rằng mình là Kitôhữu và do đó gắn liền với việc phải chấp nhận những thành kiến của nhiều người.

Trong ý thức chấp nhận như thế, tôi đã gặp thấy một sự an ủi nào đó trong một tờ tạp chí ban đầu có tên là The Wittenberg Door, nay đổi lại thành The Door. Đó là một tạp chí hài hước Kitô giáo – nhưng một số người có thể nghĩ nó không hài hước tí nào. Nhóm thực hiện tờ tạp chí là một nhóm người thuộc phái phục hưng Tin Mừng, rất dị ứng với những tội lỗi của Giáo Hội và những sự bóp méo tinh thần nguyên tuyền của Tin Mừng. Họ dùng sự trào lộng để bày tỏ thái độ của họ. Mỗi số báo đều có nêu giải thưởng “Green Weenie”, trao cho ai nói lên được khía cạnh dở tệ nhất của Kitô giáo. Một tháng nọ, giải thưởng được trao cho Dây Lưng Kinh Thánh (một loại dây thắt lưng bằng da rắn, có đính một quyển Thánh Kinh nhỏ xíu). Có một bài vịnh được kèm theo, như sau:

Drop kick me Jesus

through the goal posts of life, Straight over, end over end, through those righteous uprights. (= Hãy sút con đi, hỡi Chúa Giêsu,

sút con xuyên qua những cột ‘gôn’của đời, Qua, qua tuốt

qua khỏi những cây trụ công chính đứng thẳng băng kia.)

Tôi hiểu tại sao nhiều người Kitôhữu Chặng II chỉ trích tôi, một số trong họ thậm chí biểu tình cản trở các buổi diễn thuyết của tôi, gọi tôi là “tên phản Kitô”. Một số người thuộc phong trào Thời Đại Mới thì phê bình rằng tôi quá bảo thủ. Tôi vốn chẳng bao giờ chủ trương trung dung, thì đây, tôi nhận ra mình là một Kitôhữu trung dung. Và tôi thấy trung dung không ‘dở’ như mình vốn nghĩ. Trung dung không phải là trung lập, đứng giữa, không thiên về bên nào. Đúng hơn, nó là một lối đi đầy căng thẳng. Một giáo thuyết quan trọng của Phật giáo là Trung Đạo, đảm nhận trong mình nó những tính cách đối ngược nhau. Chính bản thân Đức Phật, sau khi theo hai con đường đối cực – con đường nghiên cứu đạo pháp và con đường tu khổ hạnh – cuối cùng đã chọn con đường trung đạo. Chỉ sau khi ngài nhịn đói đến gần chết và ngồi dưới cây bồ đề, ngài mới giác ngộ. Người Trung Hoa thích mô tả Đức Phật trong dáng người mập, bởi vì béo mập mang ý nghĩa sung túc trong văn hóa Trung Hoa. Song thỉnh thoảng bạn cũng có thể bắt gặp một tượng Phật gầy còm da bọc xương. Nhưng nói chung, người ta thường trình bày Đức Phật không gầy cũng không mập, theo con đường Trung Đạo của ngài!

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 105 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w