NHỮNG SỰ CHỮA TRỊ “THẦN DIỆU”

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 35 - 37)

Đã hàng bao thế kỷ nay, các bác sĩ biết rằng rất họa hiếm chuyện hồi phục đột xuất từ bệnh ung thư. Song bạn vẫn có thể nghe nói đến những trường hợp trong đó các bác sĩ mổ một bệnh nhân và nói: “Chúng tôi đã mổ anh ta, và chúng tôi … bó tay! Chẳng còn có thể cứu vãn gì được nữa. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là khâu vết mổ lại. Anh ta may lắm thì sống được sáu tháng nữa.” Nhưng rồi, năm, mười năm sau, bệnh nhân ấy vẫn còn sống phây phây mà không hề có dấu vết gì của ung thư cả.

Bạn có thể nghĩ rằng các y sĩ sẽ hết sức ngạc nhiên với những trường hợp hi hữu này, và chắc hẳn đã tiến hành điều tra nghiên cứu tường tận sự việc. Không có như vậy đâu. Trong rất nhiều năm, các bác sĩ vẫn khư khư rằng một điều như thế không thể xảy ra được. Chỉ mới mười lăm năm trở lại đây, các nghiên cứu mới được chính thức tiến hành. Còn quá sớm để có được toàn bộ con số thống kê – nghĩa là, những con số hoàn toàn dựa theo các tiêu chuẩn khoa học – nhưng có những bằng chứng cho thấy một trong những điểm chung của các trường hợp hiếm hoi ấy là các bệnh nhân đều tỏ ra có những thay đổi rất sâu xa trong cuộc sống của họ. Một khi được báo cho biết họ chỉ còn sống được một năm nữa, họ tự nhủ: “Chà, chỉ còn có một năm nữa! Vậy tội gì mà mình phải tiếp tục ngày hai buổi đến làm cho công ty IBM ấy. Tốt hơn là mình nên sửa chữa và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà – đó là điều bấy lâu nay mình vẫn muốân làm mà rồi cứ khất lần khất lữa mãi.” Hoặc: “Ồ, nếu mình chỉ còn có một năm để sống, thật là điên khùng nếu mình cứ tiếp tục sống với anh chồng vũ phu ấy của mình.” Rồi, sau khi họ quyết định thực hiện những thay đổi như vậy, căn bệnh ung thư của họ biến đi mất!

Hiện tượng này gây ngạc nhiên cho một số nhà nghiên cứu ở UCLA. Người ta quyết định điều tra phải chăng một cuộc đổi đời có thể là một liệu pháp. Nhưng vấn đề khó khăn là phải tìm được những bệnh nhân sẵn lòng thử cách này. Thường thì một bác sĩ tâm thần sẽ đến gặp một ai đó được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư không thể chữa, và nói: “Chúng tôi có lý do để tin rằng nếu bạn sẵn sàng nhận tâm lý trị liệu và khảo sát lại đời sống của bạn để làm một số thay đổi căn bản, thì bạn sẽ có thể kéo dài đời sống của bạn lâu hơn.”

Ngay lập tức, bệnh nhân sẽ nhảy cẫng lên: “Ồ, thưa bác sĩ, ngài là người đầu tiên đem lại cho tôi chút hy vọng.”

Vị bác sĩ tâm thần đề nghị: “Một số bệnh nhân giống như bạn sẽ làm việc với chúng tôi tại phòng 4, sáng ngày mai vào lúc 10 giờ. Bạn có muốn đến và trao đổi về điều này không?”

“Ồ,vâng. Thưa bác sĩ, chắc chắn tôi sẽ đến.”

Nhưng sáng hôm sau, lúc 10 giờ, chẳng thấy anh bệnh nhân ấy đến. Vị bác sĩ trở lại gặp anh ta để tìm hiểu lý do; anh ta nói:

“Ồ, xin lỗi, tôi quên mất tiêu.” “Bạn vẫn còn muốn điều đó chứ?” “Thưa còn ạ.”

“Chúng tôi sắp có một cuộc làm việc nữa cũng tại phòng 4, lúc 3 giờ chiều mai. Bạn không vướng bận gì lúc đó chứ?”

“Ồ, nhất định tôi sẽ đến ạ.”

Nhưng rồi, anh ta lại không đến. Vị bác sĩ tâm thần thử lại một lần nữa, và cuối cùng đành chào thua: “Có lẽ anh không nồng nhiệt lắm với loại trị liệu này.”

Rốt cục, anh bệnh nhân thú nhận: “Thưa bác sĩ, tôi có nghĩ đến chuyện đó. Và tôi nhận thấy mình đã đến tuổi chẳng còn thay đổi gì được nữa!”

Điều này không phải luôn luôn đáng trách. Chúng ta thường thấy mình đã đến tuổi quá già chẳng còn thay đổi gì được. Các bác sĩ cũng thường nghĩ như thế thôi. Tôi đã gặp rất nhiều y sĩ đầy tài năng song lại tin rằng bệnh nào cũng chỉ có một nguyên nhân: hoặc thể lý hoặc tâm lý. Họ không thể hình dung một bệnh – cũng tựa như một thân cây – có hai gốc rễ đồng thời, hay thậm chí có nhiều hơn hai gốc rễ.

Sự thực thì hầu như mọi bệnh đều một trật có liên quan đến tâm lý, thể lý, tinh thần và xã hội. Dĩ nhiên, cũng có những ngoại lệ, như những rối loạn bẩm sinh hay những chứng liệt não chẳng hạn. Nhưng ngay cả trong những trường hợp ấy, ý chí muốn sống của người ta vẫn có thể kéo dài đáng kể và cải thiện rất nhiều cuộc sống của họ.

Đáng tiếc là điều ngược lại cũng đúng. Khi tôi phục vụ ở Okinawa, trong quân đội, tôi được yêu cầu chữa trị một thiếu phụ 19 tuổi mắc chứng hyperemesis gravidarum (8). Tôi tìm hiểu và biết rằng người phụ nữ Mỹ này đã lớn lên ở miền duyên hải phía Đông, và cô có một mối quyến luyến có tính bệnh lý với mẹ mình. Năm mười bảy tuổi, cô đã được gửi sang miền Tây để sống với một ông cậu, và lúc ấy cô bắt đầu bị chứng nôn mửa. Hồi ấy cô không mang thai. Cô nôn mửa quá nhiều đến nỗi phải được gửi trả lại miền Đông, nơi cô sống vui vẻ mạnh khỏe bình thường cho đến khi kết hôn với một quân nhân, mang thai và theo chồng sang Okinawa. Vừa khi bước chân xuống khỏi máy bay, cô bắt đầu nôn thốc tháo, và sau vài ngày cô phải được đưa vào bệnh viện.

Nếu bệnh trạng của bệnh nhân ở mức đủ nghiêm trọng, tôi có quyền gửi họ về điều trị ở Mỹ. Và tôi biết rằng nếu tôi cho chuyển người phụ nữ này về Mỹ, chứng nôn mửa của cô sẽ ngừng ngay

lập tức. Tôi cũng biết rằng có lẽ khó hy vọng đề phòng chứng nôn mửa này nơi cô ta mỗi khi tách cô ta xa khỏi mẹ mình.

Trong quyền hạn của tôi lúc đó, tôi đã quyết định không gửi cô ta về nhà ở Mỹ. Tôi bảo cô: “Bạn phải lớn lên và phải học cách sống tách biệt khỏi mẹ mình.” Và cô đã thuyên giảm đủ để xuất viện. Nhưng rồi bệnh lại tái phát và cô phải trở vào bệnh viện. Cô lại nôn mửa, và tôi lại nói với cô rằng tôi sẽ không gửi cô về Mỹ. Và một lần nữa, cô thuyên giảm và được xuất viện. Tuy nhiên, hai ngày sau, trong căn hộ của cô, cô bất thần ngã xuống và chết. Cô đang ở tuổi 19 và đang mang thai 4 tháng. Người ta tiến hành khám nghiệm tử thi và đã không phát hiện được vì sao cô chết. Dĩ nhiên, tôi vô cùng ân hận về quyết định của mình. Nhưng tôi tin rằng vì một lý do nào đó đã có một lúc trong đời mình, cô đã quyết định làm một em bé. Tôi không cho phép cô làm một em bé. Tôi muốn cô biết nhận trách nhiệm, và cô đã chết!

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 35 - 37)