SỰ PHẢN KHÁNG VÀ ĐỨC TIN

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 80 - 81)

& Bản Tính Con Ngườ

SỰ PHẢN KHÁNG VÀ ĐỨC TIN

Vấn đề lớn nhất của những chặng này – và lý do lớn nhất cần phải hiểu chúng – đó là có tồn tại một cảm thức đe dọa nơi những người thuộc các mốc điểm khác nhau trên hành trình tâm linh. Một mức nào đó, tất cả chúng ta đều có thể bị đe dọa bởi những người vẫn còn ở trong chặng mà chúng ta đã đi qua, bởi vì chúng ta vẫn chưa chắc hay chưa an tâm trong căn tính mới của mình. Nhưng cách chung, mối đe dọa ấy bộc lộ ở hướng khác, và chúng ta đặc biệt có khuynh hướng bị đe dọa bởi những người thuộc các chặng ở phía trước mình.

Những người ở Chặng I thường có vẻ như những con mèo lãnh đạm, xem ra không có gì quấy rầy họ lắm. Nhưng nếu bạn có thể xuyên thủng cái vẻ mặt bên ngoài ấy, bạn sẽ thấy rằng họ sợ hãi hầu như mọi sự.

Những người ở Chặng II không bị đe dọa cách riêng bởi những người ở Chặng I: những người tội lỗi! Họ yêu người tội lỗi. Họ nhìn thấy những người tội lỗi là mảnh đất tốt cho mình ‘dụng võ’. Nhưng họ thường bị đe dọa hơn bởi những người “hồ nghi” ở Chặng III, và nhất là bởi những người ở Chặng IV – tức những người dường như tin cùng những điều họ tin, song lại tin với một thứ tự do mà họ thấy là hết sức khủng khiếp.

Những người ở Chặng III, những người “hồ nghi”, không bị đe dọa nhiều lắm bởi những người vô nguyên tắc của Chặng I hay bởi những người thuộc Chặng II – là những người mà họ cho là khù khờ nông cạn. Nhưng họ dễ bị đe dọa bởi những người thuộc Chặng IV – là những người cũng có đầu óc khoa học như họ song đó cũng là những người vẫn tin vào Thiên Chúa một cách lạ lùng. Và nếu bạn đề cập đến hai tiếng “cải hóa” với những người ở Chặng III, họ sẽ cho rằng bạn đang muốn dụ dỗ họ, và họ sẽ trề môi bỏ đi.

Tôi đã dùng từ ‘cải hóa’ khá thoải mái để mô tả sự thay đổi từ chặng này sang chặng khác trong hành trình tâm linh. Tuy nhiên, mỗi trường hợp là một kinh nghiệm khác nhau. Những cuộc ‘cải hóa’ từ Chặng I sang Chặng II thường rất bất ngờ và có nhiều kịch tính. Trong khi đó, những cuộc ‘cải hóa’ từ Chặng II đến Chặng IV thường diễn ra từ từ. Chẳng hạn, bản thân tôi chia sẻ cùng một kinh nghiệm với Paul Vitz, tác giả cuốn Tâm Lý Học và Tôn Giáo; khi được hỏi ông đã trở thành một Kitôhữu khi nào, ông gãi đầu và nói: “Chà, chuyện đó xảy ra vào lúc nào đó giữa năm 1972 và 1976.” Hãy đối chiếu điều đó với những người ở Chặng II khi họ nói: “Đó là lúc 8 giờ tối ngày 17 tháng 8.” Rõ ràng có một sự khác biệt bộc lộ ở đây.

Tôi đã mô tả những người ở Chặng III – những kẻ hồ nghi – như là những người có bước trưởng thành tâm linh cao hơn đại đa số những con chiên siêng năng đi nhà thờ thuộc Chặng II. Những người này cũng đã trải qua một ‘chuyển biến’ để tiến tới tình trạng hồ nghi của họ – cuộc cải hóa này là một cái gì tương ứng với điều mà Thánh Kinh gọi là ‘cắt bì trong tâm hồn’. Họ đang đi trước những người ở Chặng II – tức những người nhận ra Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của mình vào đúng 8 giờ tối ngày 17 tháng 8 song có lẽ chưa trải qua một cải hóa để tiến tới hòa bình và công lý. Cải hóa không phải là một cái gì của một thời điểm mà thôi. Như bất cứ loại phát triển tinh thần nào, nó là một tiến trình liên tục. Tôi vuốt ve hy vọng rằng mình sẽ tiếp tục được cải hóa cho đến ngày mình lìa đời.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 80 - 81)