MỘT CHƯƠNG TRÌNH HOÁN CẢ

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 88 - 90)

Một Bệnh Thánh Thiêng!

MỘT CHƯƠNG TRÌNH HOÁN CẢ

Cách đây khoảng ba chục năm, khi tôi đang theo học ngành tâm thần, các bác sĩ tâm thần đã biết rằng khi làm việc với các con nghiện, Hiệp Hội AA có một thành tích tốt hơn nhiều so với giới bác sĩ tâm thần chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã xem thường AA, coi nó như không phải gì hơn là một dạng bù trừ cho những quán rượu mà các ‘con sâu’ hay lui tới. Chúng tôi tin rằng những người nghiện rượu có cái mà chúng tôi gọi là “những rối loạn nhân cách về miệng”, và rằng thay vì mở miệng để nốc rượu, họ tụ tập lại tại cuộc gặp gỡ AA và khua miệng tán phét, uống nhiều cà phê và hút nhiều thuốc lá – và bằng cách đó, họ thỏa mãn những “nhu cầu về miệng” của họ. Giới bác sĩ tâm thần chúng tôi cao ngạo cho rằng đó là lý do mà AA có tác dụng.

Tôi rất xấu hổ để cho bạn biết rằng đa số các bác sĩ tâm thần – gồm cả những người hiện nay đang được đào tạo – vẫn tiếp tục tin rằng lý do AA tỏ ra hiệu quả là ở chỗ vì nó là một ‘dạng nghiện bù trừ ‘. Tôi không có ý khẳng quyết rằng không hề có yếu tố nào về chuyện bù trừ. Nhưng ‘dạng nghiện bù trừ’ có lẽ chỉ là một yếu tố vô cùng nhỏ trong toàn bộ lý do. AA có hiệu quả rất tốt. Và lý do thực giải thích tính hiệu quả đó là ở chỗ nó có ‘một chương trình’. Và có ít nhất ba lý do giải thích vì sao chương trình ấy có tác dụng.

Lý do thứ nhất: Chương trình 12 bước của AA là chương trình duy nhất đang tồn tại để hướng đến sự hoán cải về tôn giáo, mặc dù các hội viên AA gọi đó là sự hoán cải ‘tâm linh’, bởi vì họ không muốn hàm ý một cách nào đó rằng AA là một tôn giáo có cơ cấu. Vì sự thật AA không hề là một tôn giáo. Tuy nhiên, cốt lõi của chương trình 12 bước ấy là ý niệm về quyền lực cao hơn, và chương trình này thực tế dạy cho người ta biết tại sao họ phải tiến về phía trước xuyên qua sa mạc – nghĩa là, tiến về với Thiên Chúa, “như chúng ta hiểu về Ngài”.

Vì đó là chương trình duy nhất cho việc hoán cải, nên AA có thể được xem như ‘giáo hội’ thành công nhất tại đất nước này hiện nay. Bất cứ giáo phái nào khác cũng sẽ ghen tị với sự phát triển có tính hiện tượng phi thường của nó. Các thành viên AA khôn ngoan một cách không ngờ. Họ khôn đến nỗi họ thậm chí không bận tâm đến tiền bạc, nhà cửa. Thật vậy, họ dùng chính những ngôi nhà thờ có sẵn cho các cuộc gặp gỡ của họ. Đây là một trong những vai trò tích cực mà Giáo Hội cơ chế đảm nhận ngày nay: làm nơi tổ chức các cuộc họp của AA!

Cách đây khoảng một năm, tôi có dịp nói chuyện trong một nhà thờ nho nhỏ tại một thị trấn của Connecticut. Trong những phút giải lao, tôi nhìn vào bảng thông báo và nhận ra rằng nhà thờ đó tổ chức khoảng 14 buổi gặp AA mỗi tuần, ngoài ra còn có 4 cuộc gặp gỡ của nhóm Những Người Nghiện Rượu Vô Danh và 2 buổi gặp của nhóm Những Người Ăn Thái Quá nữa.

Như vậy, trong khi những người AA sử dụng các nhà thờ cho các cuộc gặp gỡ của họ, thì đồng thời họ vẫn không tháp nhập vào tôn giáo cơ cấu. Họ cũng sẽ giảm nhẹ ngay cả khía cạnh ‘tâm linh’ của chương trình để thu hút những thành viên mới vốn dị ứng với khía cạnh ấy. Người ta không muốn được cải hóa nhiều lắm. Người ta đề kháng sự cải hóa. Vì thế, AA là chương trình rất dai dẳng.

Câu chuyện sau đây sẽ cho bạn một ý niệm về mức độ dai dẳng của AA. Một tay nghiện rượu đến gặp tôi cách đây quãng hơn 10 năm, vì “AA không có tác dụng”. Anh ta có ý nói rằng trong sáu tháng qua anh đã tham dự những buổi gặp gỡ do AA tổ chức cách đêm một lần, và vào những đêm còn lại, anh vẫn … tiếp tục uống rượu li bì. Anh nói anh không biết tại sao AA không có tác dụng, bởi vì anh đã nắm hiểu rất rõ 12 bước của chương trình này.

Khi anh kể với tôi điều đó, tôi nói với sự ngạc nhiên: “Này bạn, trong mức độ mà tôi hiểu về 12 bước đó, thì đó là một sự khôn ngoan tâm linh rất thâm sâu, thường người ta phải mất ba năm để thậm chí chỉ bắt đầu hiểu các bước ấy.”

Lúc ấy anh ta nhận ra rằng có lẽ tôi đang muốn anh hiểu ra điều gì đó – vì rõ ràng anh chưa hiểu gì về cái gọi là sức mạnh cao hơn. Nhưng anh ta vẫn khẳng quyết rằng anh hiểu ít nhất là bước đầu tiên của 12 bước ấy.

“Anh hiểu thế nào về bước đầu tiên?” – Tôi hỏi.

“Bước đầu tiên là nhìn nhận rằng tôi bất lực đối với rượu.” Anh trả lời. “Anh nói vậy nghĩa là gì?” – Tôi ‘kích’ cho anh nói tiếp.

“Nghĩa là tôi bị một khiếm khuyết sinh hóa trong não, bất cứ khi nào tôi uống một ly, rượu sẽ ngấm vào và tôi mất hết sức mạnh ý chí. Vì thế tôi không được phép uống ly đầu tiên.”

“Vậy sao anh vẫn cứ uống?”

Anh ta im lặng, có vẻ rất lúng túng. Tôi nói: “Anh biết đó, có lẽ bước đầu tiên không chỉ có nghĩa rằng anh bất lực đối với rượu sau khi đã uống ly đầu tiên, nhưng còn có nghĩa rằng anh bất lực đối với rượu ngay cả trước khi uống ly đầu tiên nữa kia!”

Anh lắc đầu, giãy nảy: “Không. Không phải vậy. Chính tôi quyết định có nên uống ly đầu tiên hay không.”

“Đó là anh nói thế. Còn thực tế thì không đơn giản, phải không?” Anh ta vẫn quyết liệt: “Không, chính tôi quyết định tất cả.” Bấy giờ, tôi vỗ vai anh: “Tốt, anh hãy cứ vậy mà thực hiện.”

Thì ra, anh chàng nói trên đã chưa trải qua sự đầu hàng cần thiết của bước đầu tiên trong 12 bước. Anh ta càng chưa đầu hàng đối với 11 bước còn lại!

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 88 - 90)