SỰ PHÂN NGĂN TRONG TÂM THẦN HỌC

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 115 - 118)

Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh

SỰ PHÂN NGĂN TRONG TÂM THẦN HỌC

Khi vấn đề của bệnh nhân là một vấn đề về niềm tin hay về hy vọng, thì tâm lý trị liệu sẽ thấât bại nếu nó phân ngăn thay vì hội nhập, hoặc nếu nó không giải quyết vấn đề giá trị. Hồi tôi học ngành tâm thần, chúng tôi được dạy rằng tâm lý trị liệu – theo mẫu thức của khoa học thuần túy – phải cố gắng đứng ngoài các giá trị. Nhà trị liệu phải đứng ở thế hoàn toàn khách quan đối với các vấn đề giá trị, và cần lưu ý đừng áp đặt các giá trị của mình lên bệnh nhân. Vì nếu có sự áp đặt như vậy, cuộc trị liệu sẽ đi vào lãnh giới nguy hiểm của đối chuyển vị (countertransference) (20), trở thành bị vẩn đục và không còn trong sáng nữa.

Vị khoa trưởng của chúng tôi đã từng dạy các sinh viên rằng một nhà trị liệu giỏi là nhà trị liệu phải nói với bệnh nhân ngay từ đầu rằng “Tôi không ở đây để phán xét bạn!” Ghi nhớ bài học ấy, khi tôi bắt đầu làm việc dài hạn với các bệnh nhân ngoại trú, tôi đã nói với khoảng hơn chục người đầu tiên rằng tôi không ở đó để phán xét họ. Và tôi thấy điều ấy thật chẳng có nghĩa lý gì. Sở dĩ việc người ta nhận trị liệu tâm lý là một hành vi can đảm là bởi vì họ hiểu rằng họ sẽ không đạt được gì khả quan hơn trừ phi họ sẵn sàng nhận sự phán xét.

Thực tế thì chẳng bao giờ có cái gọi là ‘tâm lý trị liệu đứng ngoài các giá trị’. Chí ít thì các nhà tâm lý trị liệu cũng có hệ thống giá trị của mình trong vô thức, và hệ thống giá trị chiếm ưu thế hơn lúc bấy giờ được gọi là nhân bản thế tục (secular humanism). Đó là một hệ thống giá trị nhấn mạnh đến các vấn đề của cuộc sống trần thế này và đào thải các mối ưu tư về thế giới khác. Về nhiều phương diện, nó là một hệ thống giá trị rất tốt, và nhiều người chống đối nó sẽ được khuyên nên bắt chước chính những nhà nhân bản thế tục mà họ tố cáo.

Tôi xin kể vài ví dụ về các giá trị nhân bản thế tục. Freud, một con người vô thần, đã định nghĩa sự lành mạnh tâm thần bằng hai thuật ngữ là lieben và arbeiten – nghĩa là ‘yêu’ và ‘làm việc’. Yêu đúng đắn là một giá trị nhân bản thế tục, cũng vậy, làm việc một cách đầy hiệu suất là một giá trị nhân bản thế tục. Một ví dụ khác: Cách đây khoảng 15 năm, tôi gặp một nữ thân chủ cực kỳ trầm uất. Thật khó mà cạy được một lời từ môi miệng chị ta. Trong suốt năm đầu tiên của cuộc trị liệu, chị cứ đến đúng giờ và nói: “Ôi, tuần này tôi cảm thấy nản hơn!”. Tôi hỏi: “Này, tại sao chị nghĩ thế?” Và chị lập tức trả lời: “Tôi không biết.” Cũng có đôi lần, chị đến và nói: “Tuần này tôi nghe đỡ nản hơn.” Và tôi hỏi: “Này, tại sao chị nghĩ thế?” Chị vẫn trả lới tức thì: “Tôi không biết.”

Cuối cùng, tôi nói: “Này chị, tôi yêu cầu chị nghĩ về một điều gì đó. Và chị trả lời ‘tôi không biết’ chỉ trong một phần triệu giây! Như vậy, chị đã không làm điều mà tôi yêu cầu chị làm – nghĩa là chị đã không suy nghĩ chút nào cả. Thế mà, chúng ta không thể đạt được một sự tiến triển nào nếu trước hết chị không học biết suy nghĩ.” Suy nghĩ – đó cũng là một giá trị nhân bản thế tục.

Hệ thống giá trị nhân bản thế tục có thể đáp ứng sự trị liệu cho khoảng 60% các bệnh nhân tâm thần. Nhưng đối với khoảng 40% còn lại, chỉ nguyên hệ thống giá trị ấy thôi vẫn không đủ. Và đó là lý do tại sao AA, chẳng hạn, tỏ ra có tác dụng hơn ngành tâm thần trong việc điều trị các con nghiện rượu – là những người thường rơi vào nhóm 40% nói trên. Sở dĩ thế một phần bởi vì, như chúng ta đã đề cập, AA nhắm đến các nhu cầu tâm linh của những người ấy – loại nhu cầu mà tâm lý trị liệu truyền thống, với những giá trị nhân bản thế tục của nó, không hề nhắm tới.

Những ý tưởng và quan niệm tâm linh tín ngưỡng là yếu tố cần cho việc trị liệu đối với rất nhiều người – chứ không chỉ đối với những kẻ nghiện rượu hay ma túy mà thôi. Những người bị ám ảnh sợ hãi cực độ một điều gì đó, chẳng hạn, là những người thuộc trong số này. Trong nghề nghiệp của tôi, bất cứ ai đến với tôi trong một nỗi ám ảnh đặc biệt về một đường phố nào đó, về những con mèo, về những máy bay… thì rồi cuối cùng đều té ra rằng đó là những người không ham thích lắm với các xa lộ, với loài chó, hay với xe lửa! (21) Và quả thực, tôi nhận ra họ bị ám ảnh bởi chính đời sống. Nhân cách của họ được gọi là nhân cách hoảng loạn.

Qua nhiều năm làm việc với một số bệnh nhân như vậy, tôi chú ý sự kiện rằng cái nhìn của họ về thế giới có hai điểm chung: Thứ nhất, họ xem thế giới như một nơi vô cùng nguy hiểm; và thứ hai, họ cảm thấy rằng họ hoàn toàn một mình trong cái thế giới nguy hiểm đó, một mình họ phải tự xoay xở để sống còn. Vì cảm nghĩ như vậy, họ sợ hãi và có xu hướng giới hạn tầm hoạt động của mình lại, thu hẹp thế giới của mình lại chỉ còn một khoảnh mà mình có thể hoàn toàn kiểm soát được – và trong thế giới đó mình có thể cảm thấy an toàn được.

Chẳng hạn, cách đây khoảng mười lăm năm, tôi làm việc một phụ nữ mắc rất nhiều nỗi ám ảnh – trong số đó có nỗi sợ đối với nước và việc bơi lội trong nước. Chị có hai đứa con, một đứa năm tuổi, đứa kia bảy tuổi – tức độ tuổi tập bơi. Vì vậy, nỗi ám ảnh kia trở thành một vấn đề rất rắc rối đối với chị. Sau khi theo đuổi trị liệu khoảng một năm, một buổi sáng nọ chị đến và kể với tôi rằng chị vừa trải qua một cuối tuần tuyệt vời. Chị cho biết vào sáng Chủ Nhật chị đã đưa các con đến bể bơi, nơi chị đã cùng bọn trẻ đùa nghịch thỏa thích dưới nước. Tôi hoàn toàn bất ngờ, vì thời gian ấy tôi không thấy có biến chuyển tâm lý gì mới lạ nơi người phụ nữ này, vì thế tôi gãi đầu và nói:

“Tôi vẫn tưởng chị sợ chuyện bơi lội chứ ?” Chị đáp: “Vâng, nhưng tôi không sợ các bể bơi.” Tôi càng khó hiểu.

“Sao kỳ thế?” – tôi hỏi.

Và chị trả lời: “Vì ở bể bơi, nước trong chứ không đục.”

Thì ra chị không sợ bơi mà chỉ sợ biển, sông, hồ … những nơi mà chị không bao giờ lội xuống quá đầu gối – bởi vì nếu lội sâu hơn, chị không còn nhìn thấy được các ngón chân của mình. Ai biết được điều gì có thể xảy ra cho các ngón chân của chị khi chị không nhìn thấy chúng!

Sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng không có cách nào để điều trị những người như vậy nếu không chuyển hóa thế giới quan của họ về hướng tích cực hơn: giúp họ nhìn thế giới như một nơi ít nguy hiểm hơn, hay ít nhất một nơi mà họ không phải xoay xở một mình song còn có ân sủng của Thiên Chúa bảo vệ họ nữa.

Tôi tin rằng việc sử dụng các quan niệm tôn giáo cách thích đáng có thể hỗ trợ đắc lực cho tâm lý trị liệu trong rất nhiều trường hợp quá nhạy cảm đối với phương pháp truyền thống. Những quan niệm tôn giáo ấy có thể được sử dụng cả để thách thức lẫn để an ủi bệnh nhân. Chẳêng hạn,

khi người ta cần ngừng day dứt xót xa cho chính mình, tôi có thể nhắc họ rằng Đức Giêsu đã dạy chúng ta vác thập giá mình một cách vui tươi tự nguyện. Nhưng đối với những người có lương tâm đặc biệt sáng suốt và chín chắn, thì có thể cứ để cho họ day dứt lúc này lúc khác. Với những người như thế, tôi sẽ giải thích rằng khi Đức Giêsu dạy chúng ta vui tươi vác thập giá mình, Ngài không có ý kỳ vọng chúng ta vác thập giá một cách vui tươi 24/24 giờ. Chỉ những ai bị tổn thương não bộ cách nào đó thì mới có thể vui tươi vác 24/24 giờ như vậy. “Theo bạn tưởng tượng thì Đức Giêsu cảm thấy thế nào khi Ngài leo lên Núi Gôn-gô-tha với cây gỗ 300 cân đè trên vai?” – tôi hỏi. Và các bệnh nhân này trả lời: “Hẳn Ngài cảm thấy xót xa phận Ngài.” Tôi kết luận: “Vậy thì bạn cũng có quyền tự cho phép mình cảm thấy xót xa phận mình mỗi ngày hai lần, mỗi lần dăm phút chứ.”

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 115 - 118)