TÂM LÝ HỌC NHƯ THUẬT GIẢ KIM

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 49 - 50)

4. Cảm Nếm Huyền Nhiệm

TÂM LÝ HỌC NHƯ THUẬT GIẢ KIM

Không đi quá xa với các khoa học tự nhiên chặt chẽ, tôi xin trở lại với khoa tâm lý học của mình, một khoa học mềm dẻo hơn. Một số người đã so sánh tâm lý học với thuật giả kim. Ngược về thời của thuật giả kim, thời mà các nhà khoa học cố gắng biến các kim loại thành vàng, tất cả những gì được biết về thế giới chung qui là rằng thế giới gồm bốn yếu tố: đất, khí, lửa và nước. Kể từ đó chúng ta đã khám phá ra bảng tuần hoàn của các nguyên tố (Hydro, Oxy, Carbon, vv…) Nhưng tâm lý học thì dường như vẫn còn ở trong thời tăm tối của thuật giả kim!

Chẳng hạn, phong trào giải phóng phụ nữ dựa nền tảng trên một số giả định về những dị biệt hay những tương đồng phi thể lý giữa phụ nữ và nam giới. Những dị biệt hay những tương đồng phi thể lý đó là gì? Bao nhiêu trong số chúng thuộc lãnh vực văn hóa hay xã hội? Bao nhiêu thuộc lãnh vực sinh học? Chúng ta không biết. Giờ đây ở cuối thế kỷ 20, chúng ta biết cách đưa mình bay lên khỏi mặt đất, nhưng chúng ta không nắm rõ mấy về tính dục.

Hay thử xét đến khuynh hướng tò mò của con người, có liên hệ rất nhiều đến chủ đề về huyền nhiệm. Phải chăng tất cả mọi người đều được sinh ra với bản tính tò mò như nhau? Hay người ta sinh ra với những mức độ tò mò khác nhau? Phải chăng tò mò là một cái gì đó đến với chúng ta theo đường di truyền? Hay nó là cái mà chúng ta đã tập làm quen khi lớn lên trong nền văn hóa của chúng ta? Nó là một cái gì đó được tọng vào cho chúng ta hay được moi ra từ chúng ta? Chúng ta không biết. Một lần nữa, ánh sáng tri thức của một ngành khoa học về khuynh hướng quan trọng bậc nhất này của con người vẫn chưa ló dạng cho chúng ta.

Hiểu biết ít ỏi như thế, vậy thì tại sao con người chúng ta vẫn nghĩ rằng mình đã biết rất nhiều? Có hai lý do: Vì chúng ta hoảng sợ và vì chúng ta lười biếng.

Chúng ta hoảng sợ không dám nghĩ rằng thật sự mình không biết mình đang làm gì hay đang đi đâu, rằng chúng ta là những đứa trẻ có lý trí đang dò dẫm trong bóng tối. Do đó, thật là thoải mái hơn khi sống trong một ảo tưởng rằng mình hiểu biết nhiều hơn những gì mình thực tế hiểu biết.

Chúng ta cũng sống trong ảo tưởng bởi vì chúng ta lười biếng. Nếu chúng ta ý thức về sự ngu dốt của mình, chúng ta sẽ hoặc phải nghĩ rằng mình vô cùng ngu ngốc hoặc phải dấn mình vào cuộc học tập không ngừng suốt cả đời. Vì đa số chúng ta không thích nghĩ mình ngu ngốc, cũng không thích dấn mình vào cuộc học tập suốt cả đời, nên để được thoải mái hơn, chúng ta sống trong ảo tưởng thú vị rằng mình hiểu biết nhiều hơn những gì mình thực tế hiểu biết.

Khổ nỗi, đấy chỉ là ảo tưởng. Nó không thực. Bạn có thể nhớ lại trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã định nghĩa sự lành mạnh tâm thần là một tiến trình không ngừng dấn thân cho thực

tại bằng mọi giá. Và “bằng mọi giá” nghĩa là dù thực tại có làm ta khó chịu đến mấy đi nữa. Hiện nay, trong nền văn hóa tránh né đau khổ của chúng ta, sự lành mạnh tâm thần không luôn luôn được khuyến khích. Khi một người nào đó bị một hụt hẫng về tâm cảm, chúng ta nói: “Ồ, anh chàng Joe tội nghiệp. Anh ta bị vỡ mộng rồi!” Đáng lẽ ra chúng ta nên nói: “Ồ, anh chàng Joe may mắn. Anh ta được vỡ mộng rồi.” Vỡ mộng là nhìn thấy mọi sự như thực tế của nó, vậy mà đáng tiếc ư? Té ra ý thức được thực tại là một điều tệ hại? Cũng thế, trong tâm lý trị liệu, khi người ta mổ xẻ sự kiện họ bị quấy rối tình dục hay bị bỏ bê hồi nhỏ, chúng ta không thể nói: “Ồ, đáng thương quá!” – bởi vì nỗi đau mà họ từng trải ấy cuối cùng đang đem lại sự lành mạnh tâm thần cho họ.

Dĩ nhiên qui luật nào cũng có những ngoại lệ. Và tôi là một nhà vô địch vĩ đại về cái mà các nhà tâm lý gọi là những “ảo tưởng lành mạnh”. Chẳng hạn, một y sĩ bị một chứng đau tim, được đưa vào khoa săn sóc đặc biệt, có lẽ có nguy cơ chết gấp hai lần so với một người không phải là y sĩ. Lý do là vì ông ấy biết tất cả những gì có thể trục trặc, trong khi một người khác sẽ nói đơn giản: “Ồ, tôi chỉ bị đau tim.” Vì thế, đôi khi ảo tưởng lại giúp cho người ta lành mạnh.

Tuy nhiên, nói chung, tôi cho rằng thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta được xóa tan ảo tưởng. Chúng ta càng thích nghi với thực tại thì cuộc sống của chúng ta càng vận hành tốt hơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể sống trong một thế giới thực tại khi biết cảm nếm huyền nhiệm. Vì thực tại lồ lộ nhất là: kiến thức của ta chỉ như một giọt nước giữa biển cả vô minh mênh mông, giữa đại dương của huyền nhiệm. Và sẽ rất không may khi ta sống giữa ‘biển’ mà không thích ‘nước’! Cách duy nhất để có cơ may là phải yêu mến ‘nước’, yêu mến huyền nhiệm, phải thích ngụp lặn trong nóù và bơi lội trong nó, uống nó và cảm nếm nó …

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w