CÁI HẠI CỦA VIỆC PHÂN NGĂN

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 114 - 115)

Trong Sự Trưởng Thành Tâm Linh

CÁI HẠI CỦA VIỆC PHÂN NGĂN

Hồi năm 1970-71, tôi đang làm việc trong quân đội; tôi thường rảo bước qua các hành lang của Lầu Năm Góc, nói chuyện với người ta về cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Hiểu mối ưu tư của tôi, những người đối thoại với tôi thường đưa ra lời giải thích đại khái là: “Ờ, vâng, thưa Bác sĩ Peck, chúng tôi hiểu quan điểm của ông. Nhưng, ông cũng biết đó, chúng tôi chỉ là bộ phận tiếp liệu, chúng tôi chỉ có bổn phận lo sao cho các quả bom na-pan được sản xuất và được gửi sang Việt Nam kịp thời. Còn chính vấn đề cuộc chiến tranh ấy thì chúng tôi thực sự không có trách nhiệm quyết định. Đó là phần việc của bên bộ phận đặc trách chính sách. Tốt hơn, ông nên đi xuống hành lang và trao đổi với những người ở phòng chính sách về chuyện ấy.”

Tôi nghe lời, đi xuống hành lang và nói chuyện với những người trong phòng chính sách, và họ nói: “Vâng, thưa Bác sĩ Peck, chúng tôi hiểu mối quan tâm của ông. Nhưng ở đây là phòng chính sách, chúng tôi chỉ có trách nhiệm thi hành các chính sách; chúng tôi không phải là những người đề ra các chính sách, đó là công việc của bên Nhà Trắng.” Thế đấy, xem chừng toàn thể Lầu Năm Góc hoàn toàn không có chút trách nhiệm gì về cuộc Chiến Tranh Việt Nam!

Kiểu phân ngăn như vậy cũng xảy ra trong bất cứ tổ chức lớn nào. Người ta có thể nhận thấy lề thói này trong các xí nghiệp, các cơ quan nhà nước, các bệnh viện, các trường đại học, các Giáo Hội… Khi một cơ chế nào đó trở nên to lớn và được phân thành các ngành các ban, thì lương tâm của cơ chế ấy thường sẽ bị xé ra manh mún và nhạt nhòa đến như không còn tồn tại nữa, và chính bản thân tổ chức ấy sẽ trở thành một sự dữ.

Kiểu phân ngăn như thế cũng xảy ra nơi các cá nhân nữa. Chúng ta có một khả năng đáng kể trong việc xử lý những vấn đề nhạy cảm, dễ gây đụng chạm giữa mình và người khác: chúng ta nhốt những vấn đề ấy vào trong những buồng kín riêng rẽ nhằm để tránh đụng chạm nhau và tránh gây đau đớn nhiều cho nhau. Tất cả chúng ta đều không lạ gì những người đi nhà thờ vào sáng Chủ Nhật, nghĩ rằng mình yêu Chúa, yêu các tạo vật của Ngài và yêu đồng loại, nhưng vào sáng thứ hai, ở công ty mình, thì thoải mái đổ chất thải độc hại xuống sông rạch một cách vô tội vạ. Anh ta làm thế vì nơi con người mình, anh ta chứa tôn giáo trong một ngăn và công việc của anh ta trong một ngăn khác. Anh ta quả xứng đáng với danh hiệu “Kitôhữu sáng Chủ Nhật”! Thật là thoải mái, song chẳng nhất quán tí nào.

Từ “nhất quán” (integrity) cùng gốc với từ “hội nhập” (integrate). Nó có nghĩa là đạt đến tính toàn bộ, tính trọn vẹn, đối ngược với sự phân chia, tách ngăn. Phân ngăn ra là điều dễ dàng. Hội nhập cho nhất quán mới khó, bởi nó gây đau khổ. Nhưng nếu không hội nhập thì không thể có

được sự trọn vẹn. Sự nhất quán đòi chúng ta phải hoàn toàn cởi mở đón nhận những áp lực, những ý tưởng và những căng thẳng xung đột nhau trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 114 - 115)