SỰ CẦN THIẾT PHẢI THA THỨ

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 28 - 31)

Một bệnh nhân của tôi, bị cha mẹ “bỏ vào hỏa ngục” hồi còn bé và đang cố gắng vượt qua các hệ lụy của tuổi thơ tệ hại ấy, đã phân bua với tôi: “Bác sĩ biết đó, tôi sẽ tha thứ cho cha mẹ tôi nếu tôi có thể đến gặp họ, vạch cho họ thấy những thương tổn mà họ đã gây ra cho tôi – và họ sẽ xin lỗi tôi. Ngay cả dù cha mẹ tôi không lên tiếng xin lỗi đi nữa, chỉ cần họ lắng nghe tôi thôi, thì tôi cũng có thể mãn nguyện và tha thứ cho họ. Nhưng thưa bác sĩ, việc gặp và phân giải mọi sự với cha mẹ tôi thật khó vô cùng. Cha mẹ tôi sẽ phớt lơ, sẽ trách rằng tôi khơi lại chuyện cũ, sẽ từ chối cả việc nhớ lại những gì họ đã làm. Thế đó, tôi là người đã hứng chịu mọi nỗi đau. Họ đã gây mọi nỗi đau cho tôi. Họ không đau chút nào. Vậy mà tôi phải tha thứ cho họ sao?”

“Đúng vậy!” – Tôi trả lời thân chủ.

Bởi vì nếu không tha thứ thì không thể có được sự chữa lành. Phải tha thứ, dù gay go đến mấy đi nữa. Tôi phải giải thích cho những bệnh nhân như thế rằng họ sẽ vẫn còn nặng nề khúc mắc trong lòng cho đến khi họ tha thứ cho cha mẹ họ – dù cha mẹ họ có xin lỗi hay ngay cả có lắng nghe họ hay không.

Có một số trường hợp có tính đặc trưng mà tôi thường gặp thấy nơi các thân chủ của mình. Đây là những thân chủ đề kháng lại sự cần thiết của việc thứ tha đích thực. Một thân chủ hỏi tôi: “Tại sao chúng ta cứ phải nói chuyện về những điều tệ hại ấy, những điều xấu mà cha mẹ tôi đã làm. Tôi thấy như vậy thật không công bằng với cha mẹ tôi. Bác sĩ biết đó, cha mẹ tôi cũng đã làm biết bao điều tốt nữa chứ!”

Và tôi đáp: “Hẳn nhiên là ông bà thân sinh bạn đã làm một số điều tốt. Chẳng hạn, ngay trong sự kiện rằng bạn đang còn sống! Vì bạn không thể còn sống nếu như cha mẹ bạn đã không tốt một mức nào đó. Nhưng sở dĩ chúng ta phải tập chú đến những chuyện tệ hại là vì qui luật Sutton.” Thân chủ nhìn tôi, ngạc nhiên: “Qui luật Sutton! Đó là gì nhỉ?”

Tôi trả lời: “Vâng, đó là một qui luật được gọi tên theo Willie Sutton, một tay cướp nhà băng nổi tiếng. Khi một phóng viên hỏi Sutton tại sao anh ta cướp nhà băng, anh ta trả lời rằng vì ở đó có tiền!”

Các bác sĩ tâm thần tập trung chú ý đến những chuyện tệ hại bởi vì chiếc chìa khóa khai thông nằm ở chỗ đó, bởi vì các vết thương và các vết thẹo nằm ở đó và bởi vì đó là vùng cần được chữa lành.

Có những bệnh nhân lần đầu tiên đến với tâm lý trị liệu còn “đơn sơ” hơn nữa khi hỏi: “Tại sao chúng ta phải lặn xuống quá khứ và vét lên tất cả những điều tệ hại đã bị chôn vùi ấy? Tại sao chúng ta không quên phứt nó đi cho rảnh?”

Đây là câu trả lời: Chúng ta không thể quên bất cứ gì. Chúng ta không thể thực sự quên. Chúng ta chỉ có thể tha thứ – cho dù để tránh công việc tha thứ quá gay go, chúng ta thường cố xua đuổi những tổn thương ra khỏi đầu óc mình.

Xuyên qua sự ức chế về mặt tâm lý, chúng ta có thể đẩy một ký ức (về điều gì đó đã xảy ra với mình) ra khỏi ý thức mình. Trong ý thức, chúng ta không nhớ nó, nhưng nó không hề biến mất. Thật vậy, nó trở thành một bóng ma luôn ám ảnh chúng ta và làm cho tình hình càng tệ hại hơn so với khi chúng ta nhớ nó.

Chẳng hạn, có những phụ nữ từng bị quấy rối tình dục thường xuyên hết tuần này đến tuần khác trong hai, ba năm ròng rã bởi cha ruột hay bố dượng mình, song trong thực tế các phụ nữ này vẫn có thể quên chuyện đó, thậm chí họ không nhớ rằng đã từng xảy ra chuyện đó – vì họ đã ức chế nó. Nhưng cuối cùng, những phụ nữ này phải nhận sự trị liệu tâm lý, thường bởi vì các mối quan hệ mà họ cố gắng xây dựng với những người đàn ông trong đời họ cứ đổ vỡ mãi. Thì ra, kinh nghiệm ban đầu ấy, mà họ không thể nhớ, vẫn tiếp tục ám ảnh họ.

Vì thế, tôi nói với các thân chủ tôi rằng chúng ta không thể quên bất cứ điều gì. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là đương đầu với vấn đề của mình, trong mức độ mà mình có thể nhớ về nó mà không đớn đau. Do đó, bước đầu tiên trong giao ước trị liệu là nhớ lại những vụ phạm tội mà mình là nạn nhân. Bước thứ hai là giận dữ. Sự giận dữ tất nhiên phải đến thôi, cũng như vụ án phải được xử và tội phạm phải được gọi đích danh. Nhưng điều này cũng phải có một hạn mức nào đó, vì bạn càng nằm lâu tại cơn giận này của mình thì bạn sẽ càng tiếp tục làm tổn thương chính mình mà thôi.

Có thể nói rằng tiến trình tha thứ là một tiến trình có tính vị kỷ. Thật vậy, chúng ta tha thứ cho người khác chủ yếu là vì mình chứ không phải chủ yếu là vì họ. Có thể họ không hề biết rằng họ cần được tha thứ. Có thể họ không nhớ gì về các điều tệ hại họ đã làm. Có thể họ nói tỉnh queo: “Ối dào! Bạn chỉ vẽ chuyện.” Và cũng rất có thể họ đã xuống mồ từ đời nào. Lý do để chúng ta tha thứ là vì chính chúng ta, vì sự lành mạnh của chúng ta. Bởi vì, nếu chúng ta không tha thứ, nghĩa là cố chấp và khư khư níu bám lấy sự giận dữ , thì chúng ta sẽ ngừng lớn lên và tâm hồn chúng ta sẽ bắt đầu héo rũ.

———–

(4) Từ La ngữ, có nghĩa “Con ngựa”.

3. Sự Chết

————————-

Tôi đang đi chuyến tàu nhanh, một chuyến tàu loại ‘xịn’. Mười lăm toa tàu mang cả ngàn hành khách,

xình xịch lao qua thảo nguyên, lướt vào sương mù, băng ngang bóng tối…. (Rồi đây, những toa tàu này sẽ rệu rã.

Và những hành khách này sẽ tiêu ma.)

Tôi hỏi anh chàng ngồi bên: “Bạn đi về đâu?” Anh ta trả lời: “Omaha.”

Carl Sandburg đã viết những giòng như thế trong bài thơ mang tên “Hữu Hạn” (Limited). Rõ

ràng ông đang nói rất cô đọng về sự chết, một đề tài mà người ta thường hay lãng tránh. Nhưng riêng phần mình, tôi đã say mê sự chết từ rất lâu rồi. Có thể nói rằng tôi bị ám ảnh bởi sự chết ngay từ khi còn là một thiếu niên, nhưng dĩ nhiên tôi không phải là một kẻ có khuynh hướng tự tử đâu! Đúng hơn, sự trằn trọc này nơi tôi là một phản ứng lại đối với môi trường mà tôi đã lớn lên. Ngôi nhà tôi trải qua thời niên thiếu là một nơi mà những cái nông cạn, hời hợt bên ngoài – chẳng hạn, ăn món này bằng cái nĩa nào – lại được xem là chuyện rất quan trọng!

Cách đây ít năm, có xuất hiện một ‘mốt’: người ta tặng quà ngồ ngộ cho nhau nhân dịp Lễ Giáng Sinh. Tôi đã mua tặng nhà tôi một chiếc tạp dề có hình con vịt trời to tướng, phía trên in giòng chữ lớn: BEFORE TRUTH THE RIGHT FORK (6). Tuổi thơ của tôi cũng y như thế. “Aùo quần làm ra con người”, bố mẹ tôi thường xuyên nhắc nhở tôi điều đó. Nhưng ảo tưởng ấy làm sao bền được? Vì chẳng chóng thì chầy, tôi cũng sẽ gặp một tay nào đó vừa rất đần độn vừa ăn mặc rất ‘kẻng’!

Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, có lẽ xuất phát từ tinh thần phản loạn, tôi đã tự nhủ mình: “Hãy dẹp phứt những thứ rác rưởi ấy đi. Có gì thật sự quan trọng trong đó đâu!” Tôi bắt đầu phát triển một thói quen nhìn xuyên qua bề mặt của sự vật, nhìn thấu vào bên trong mọi sự. Thói quen này đã trở nên rất hữu ích cho tôi từ đó. Và khi tôi tự hỏi điều gì là quan trọng nhất liên quan đến cuộc hiện sinh con người, câu trả lời đầu tiên đến với đầu óc tôi là: Cuộc sống con người là một cái gì rất hữu hạn, tất cả chúng ta đều đang đi đến cái chết. Thế là tôi ‘bén duyên’ với sự chết kể từ đó. Lớn lên, tôi mới sực hiểu ra rằng sự chết không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người – mà có lẽ nó là điều quan trọng thứ hai. Và một phần của tiến trình lớn lên là nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết, tất cả chúng ta đều “sẽ rệu rã”, đều “sẽ tiêu ma”!

Nhận ra tính hữu hạn của đời sống, nhiều người trong chúng ta hóa nên trăn trở với một cảm thức về sự vô nghĩa. Tất cả chúng ta đều sẽ đến lúc bị luỡi hái định mệnh cắt phăng đi không

thương tiếc. Vậy liệu cuộc sống ngắn ngủi này có ý nghĩa gì? Cứ cho là trong vài thế hệ tới, ít là một số con cháu cũng còn chút ký ức nào đó về chúng ta; nhưng liệu một trăm năm, hai trăm năm nữa, có còn ai nhớ đến chúng ta không?

Bạn có biết bài thơ nổi tiếng mang tựa đề Ozymandias của Shelley không? Trong bài thơ này, ông mô tả vết tích còn lại của một pho tượng trong sa mạc. Trên mặt đế tượng, người ta đọc thấy giòng chữ: Tôi là Ozymandias, Vua của các vua. Hỡi Đấng Toàn Năng, hãy chiêm ngắm các

công trình của tôi, và hãy ghen tị!

Thế nhưng, tất cả những gì còn sót lại của pho tượng ấy chỉ là … cái đế tượng: Hai khúc chân cụt to đùng bằng đá, đứng trơ vơ; còn cái đầu thì đã vỡ tan tành tự đời nào, chỉ còn một mảnh lấp vùi trong cát. Chẳng ai biết Ozymandias là ai!

Vậy đó, ngay cả dù bạn thuộc số ít vĩ nhân để lại dấu ấn của mình trong lịch sử nhân loại, thì khi các thế kỷ qua đi, những dấu ấn ấy cũng sẽ nhạt nhòa, tan biến mất.

“Cuộc đời là một bóng tối đang lê bước. Nó là một câu chuyện được kể lại bởi một gã khù khờ,

đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì.” Nhân vật Macbeth của Shakespeare đã chua

xót thốt lên như thế.

Một phần của tài liệu Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx (Trang 28 - 31)