& Bản Tính Con Ngườ
THẦN THOẠI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN THẦN TIÊN
Có một sự phân biệt giữa một truyền thuyết và một thần thoại. Truyền thuyết là những câu chuyện xưa có thể có thực hay không có thực. Truyền thuyết thành Troy có thực, truyền thuyết về Giếng Thánh ở Chichén Itzá là có thực. Và tôi nghĩ truyền thuyết Atlantis là có thực. Dù có thực hay không, nơi tự thân chúng, các truyền thuyết như truyền thuyết về cái giếng ở Chichén
Itzá không nhất thiết phải có nhiều điều để dạy chúng ta hiểu biết về chính bản thân mình.
Nhưng Iliad của Homer thì không chỉ là một truyền thuyết có thực; nó còn là một thần thoại nữa. Được đan kết trong câu chuyện này về thành Troy là đủ mọi loại ý nghĩa về bản tính con người, và đó là điều phân biệt giữa một thần thoại với một truyền thuyết đơn thuần.
Cũng có sự khác biệt giữa một câu chuyện thần tiên với một thần thoại. Ông già Nô-en (Santa Claus) chỉ là một câu chuyện thần tiên, một hình ảnh tưởng tượng chỉ mới xuật hiện vài trăm năm nay, và chỉ được biết đến bởi chừng một phần năm số người trên địa cầu. Những con rồng, đàng khác, là một thần thoại. Từ rất xa xưa trước khi ông già Nô-en được thêu dệt ra, các tu sĩ Kitô giáo đã điểm xuyết những con rồng trên các lề của các thủ bản mà họ sao chép một cách cần cù trong các tu viện ở châu Âu. Và cũng thế, các pháp sư Lão giáo ở Trung Quốc, các nhà sư Phật giáo ở Nhật Bản, các tu sĩ Ấn giáo ở Ấn Độ, Hồi giáo ở Ả-rập … đều biết đến và sử dụng biểu tượng con rồng.
Tại sao lại là những con rồng? Tại sao những con vật thần thoại này lại có tính quốc tế và có tính đại kết (ecumenical) phi thường đến vậy?
Câu trả lời là: Vì chúng là những biểu tượng của con người.
Rồng là rắn có cánh. Rồng là sâu biết bay. Và đó là chúng ta. Thế đấy, giống như loài bò sát, chúng ta chân đạp đất, lấm bê bết bùn của những xu hướng tội lụy và những thành kiến nông cạn nơi mình. Nhưng giống như chim – hay thiên thần – chúng ta có khả năng bay vút lên trời và vượt qua những gì tội lụy và thấp hèn nơi chúng ta.
Tôi cho rằng sở dĩ con rồng trở thành phổ biến như thế bởi vì chúng là những thần thoại đơn giản nhất. Nhưng dù vậy, chúng cũng không hề đơn giản quá đến độ nghèo nàn. Chúng là những con vật đa chiều kích, những con vật hai mặt, tượng trưng cho một nghịch lý. Và đây là một trong những lý do tồn tại của các thần thoại: để nắm bắt những phương diện đa chiều kích và thường là có tính nghịch lý của bản tính con người.
Vì thần thoại có tính nghịch lý và đa chiều kích, nên bạn không thể gặp rắc rối khi bạn tin vào chúng. Trong khi đó, những câu chuyện thần tiên thông thường thường chỉ có tính đơn nghĩa. Và bạn có thể gặp rắc rối nếu tin vào những câu chuyện đơn nghĩa ấy – cũng như khi chúng ta suy nghĩ quá đơn giản về bất cứ điều gì trong cuộc sống thì chúng ta có thể gặp rắc rối. Suy nghĩ một cách quá đơn giản, đó là mối cám dỗ đối với tất cả chúng ta. Chúng ta muốn sự vật được xác định rạch ròi, trắng ra trắng, đen ra đen. Chúng ta muốn xác định rõ cái này, cái khác; và hễ là cái này thì không thể là cái khác. Nhưng trong thực tế, mọi khía cạnh của đời sống chúng ta đều ít nhất có hai phương diện đồng thời, đôi khi có thể có cả chục phương diện nữa kia!
Chẳng hạn, khi tôi thuyết trình, một số tín đồ Kitô giáo trong cử tọa thỉnh thoảng hỏi tôi: “Này, Bác sĩ Peck, những người đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Họ đặt câu hỏi ấy ra như thể đồng tính luyến ái là một cái gì đó hết sức rõ rệt rồi. Thế nhưng, theo kinh nghiệm giới hạn của tôi trong tư cách là một bác sĩ tâm thần, thì có một số người trở thành đồng tính luyến ái do bởi lớn lên trong một gia đình hết sức hỗn loạn, (và do đó xét về nguyên tắc thì có thể chữa trị được, dĩ nhiên với nhiều khó khăn), bên cạnh đó, có những người đồng tính luyến ái do di truyền – họ được Chúa tạo ra có tính đồng tính luyến ái. Và như vậy, có tồn tại hàng lố loại đồng tính luyến ái ở giữa hai dạng trên – tức những người đồng tính luyến ái do cả yếu tố sinh học lẫn yếu tố tâm lý. Vì thế, khi chúng ta xem đồng tính luyến ái như một cái gì hết sức rõ ràng sáng tỏ, thì đấy là chúng ta đang cưỡng bức tính tế nhị và phức tạp nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. “Những người đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Câu trả lời cho câu hỏi ấy cũng sẽ không khác gì câu trả lời cho câu hỏi: “Những người không đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Vấn đề tùy thuộc vào con người cụ thể …