Công tác nghiên cứu nội dung Hiệp định Trị giá hải quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu theo hiệp định trị giá hải quan GATT WTO (Trang 32 - 36)

5. Kết cấu Luận văn

1.2.1.1. Công tác nghiên cứu nội dung Hiệp định Trị giá hải quan

Công tác chuẩn bị luôn có vai trò quyết định sự thành công của các giai đoạn tiếp theo, vào thời điểm đó thì Hiệp định Trị giá hải quan còn rất mới đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như đối với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. Thông qua hỗ trợ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển và trong khối Asean để tiến hành xây dựng lộ trình triển khai thực hiện Hiệp định Trị giá hải quan theo các nhóm công việc chủ yếu gồm:

- Dịch toàn bộ nội dung Hiệp định Trị giá hải quan và các phần chú giải sang tiếng Việt Nam: Nội dung của Hiệp định có giá trị pháp lý ở cấp độ quốc tế, mà theo đó các nước thành viên của WTO phải nghiêm chỉnh thực hiện, cũng vì đó mà việc chuyển tải sang tiếng Việt toàn bộ nội dung Hiệp định và các chú giải cũng như sách giới thiệu hướng dẫn về Hiệp định phải toàn vẹn, tránh để xẩy ra tranh chấp và những cách hiểu khác so với nguyên bản bằng tiếng Anh - Pháp - Tây Ban Nha. Nhưng Hiệp định Trị giá hải quan cũng đưa ra rất nhiều khái niệm, thuật ngữ mới, chính vì vậy việc chuyển tải nội dung sao cho gần gũi, dễ hiểu, đồng nghĩa với nguyên bản là một thách thức lớn đối với công tác dịch thuật. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với những người tham gia dịch thuật phải hết sức cẩn trọng, vững vàng về ngôn ngữ, phải hiểu biết sâu về nội dung Hiệp định cũng như các lĩnh vực liên quan đến Hiệp định, bản dịch phải đảm bảo kết cấu và bố cục so với nguyên bản đồng thời phải gần gũi với văn phong của người Việt Nam tránh lủng củng gây khó hiểu.

- Lập kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Trị giá hải quan: theo đó cần phải xây dựng đề án tổng thể cho việc thực hiện Hiệp định, chỉ ra các công việc phải làm, thời gian hoàn thành, các giải pháp đảm bảo tính khả thi. Vai trò của Chính phủ ở giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, như một nhạc trưởng điều hành phân công các Bộ và cơ quan chức năng cùng bắt tay thực hiện nhiệm vụ chính trị theo đề án đã được phê duyệt. Theo tinh thần Nghị định 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ thì ba cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trực tiếp đến công tác quản lý giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu là Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan (khi đó Tổng cục Hải quan trực thuộc Chính phủ) trong đó Bộ Tài chính giữ vai trò chủ trì. Do Hiệp định Trị giá hải quan mang tính kỹ thuật chủ yếu liên quan đến Hải quan, nên Chính phủ xem xét giao cho Tổng cục Hải quan chủ trì nghiên cứu và triển khai Hiệp định này. Bên cạnh đó,

Chính phủ cho thành lập một nhóm nghiên cứu liên Bộ cùng với Tổng cục Hải quan để giúp triển khai thực hiện Hiệp định trị giá hải quan. Ở giai đoạn này công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Hiệp định Trị giá hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải được quan tâm đẩy mạnh, hơn lúc nào hết việc triển khai thực hiện Hiệp định luôn xuất phát từ quyền lợi và nghĩa vụ của chính người nhập khẩu [13].

- Xây dựng hệ thống văn bản pháp quy triển khai thực hiện Hiệp định Trị giá hải quan: Theo Điều 12 Hiệp định trị giá GATT 1994 quy định các văn bản pháp lý nội luật phải phù hợp với Điều X của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994 [24]. Như vậy có nghĩa là toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý triển khai thực hiện Hiệp định Trị giá hải quan phải chuyển tải đầy đủ nội dung của Hiệp định, đồng thời phải được công bố công khai trên nguyên tắc rõ ràng và minh bạch để đảm bảo việc thực hiện được nhất quán. Với tình hình thực tiễn của ta, thì việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy ở ba cấp độ là phù hợp cho quá trình triển khai thực hiện, cụ thể là:

+ Ở cấp độ văn bản Luật: Luật Hải quan; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Quốc hội ban hành;

+ Ở cấp độ văn bản của Chính phủ: Nghị định hướng dẫn xác định trị giá theo Hiệp định Trị giá hải quan do Chính phủ ban hành;

+ Ở cấp độ văn bản hướng dẫn của cấp Bộ: Thông tư hướng dẫn Nghị định và các văn bản hướng dẫn khác do Bộ Tài chính ban hành.

- Xây dựng mô hình tổ chức thực hiện công tác xác định trị giá tính thuế: Việc về xây dựng, ban hành chính sách, chỉ đạo triển khai thực hiện được tập trung ở cấp trung ương (tức Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ). Việc triển khai thực hiện xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu được giải quyết ngay tại cửa khẩu và Hải quan địa phương. Cơ quan

cấp trên có nghĩa vụ hỗ trợ, chỉ đạo, định hướng để cấp dưới giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Đào tạo và tuyên truyền: Hiệp định Trị giá hải quan mang tính kỹ thuật cao và rất mới mẻ đối với cơ quan quản lý nhà nước và cả với cộng đồng doanh nghiệp. Cũng vì đó mà một yêu cầu đặt ra là phải tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định để khi thực hiện được thống nhất là tất yếu khách quan. Công tác đào tạo cũng phải được phân loại theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng, đối với cán bộ Hải quan cần phân ra các cấp đào tạo theo đối tượng thực thi Hiệp định cụ thể: Đào tạo cho những người sẽ là giảng viên giảng dậy, các cán bộ lập chính sách ở cấp trung ương, đào tạo cho cán bộ trị giá là những người trực tiếp thực thi Hiệp định và đào tạo phổ cập cho cán bộ ngành Hải quan.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần đào tạo phổ cập và đi sâu vào các quy định của luật pháp quốc gia mà trong đó đã chuyển tải nội dung của Hiệp định trị giá hải quan. Mặt khác cũng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin đầy đủ về các quy định liên quan đến quá trình thực thi Hiệp định để có thể thực hiện được triệt để, không bị bỡ ngỡ khi bước chân ra sân chơi quốc tế.

- Xây dựng các giải pháp hỗ trợ: Khi xác định trị giá hải quan theo Hiệp định đồng nghĩa với việc cơ quan Hải quan không được áp đặt trị giá tính thuế mà phải tôn trọng trị giá khai báo của người nhập khẩu. Tuy nhiên, để thẩm tra và xác định được độ tin cậy trong các thông tin mà người khai hải quan cung cấp thì cơ quan quản lý cũng cần phải có thêm thời gian. Từ đó đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như: nâng cao công tác kiểm tra sau thông quan, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trị giá tính thuế, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, xây dụng các biện pháp và phương án chống bán phá giá, chống trợ giá.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu theo hiệp định trị giá hải quan GATT WTO (Trang 32 - 36)