Tổng hợp xuyên ngành
1.6.2. Xem xét về môi trường
Môi trường và phát triển luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau như định nghĩa sau: “môi trường là địa bàn để thực hiện các hoạt động phát triển, còn ngược lại, các hoạt động phát triển ngoài tạo ra của cải vật chất còn cần góp phần bảo vệ và cải thiện các điều kiện môi trường cho tốt hơn, phù hợp với mong muốn của con người”.
Trong định nghĩa trên mới đề cập đến mặt tích cực của các hoạt động phát triển. Trong thực tế các hoạt động phát triển không thể tránh được có các tác động tiêu cực tới môi trường do trong phát triển phải khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên và tạo ra các chất thải. Các hoạt động phát triển tài nguyên nước cũng không nằm ngoài quy luật
chung đó mặc dù “chất thải” gây ra của loại hoạt động này không nguy hiểm và gay cấn như các chất thải của các hoạt động phát triển công nghiệp.
Cũng theo tiêu chí của phát triển bền vững, các quyết định trong quy hoạch và quản lý sử dụng nước ngày nay rất cần thiết xem xét sự bền vững về mặt môi trường và phải thông qua đánh giá tác động môi trường cho mỗi hoạt động cụ thể trên lưu vực sông, đó là:
− Đánh giá tác động môi trường chiến lược cho các chiến lược và chính sách đề xuất và quyết định đối với quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch quản lý tổng hợp lưu vực sông. Vấn đề này sẽ nêu rõ hơn trong mục 3.3 của chương 3.
− Đánh giá tác động môi trường cho các dự án xây dựng các công trình khai thác và sử dụng tài nguyên nước để chỉ ra các tác động tiêu cực chủ yếu và đề xuất các biện pháp giảm nhẹ.
Nói chung việc xem xét về mặt môi trường trong quản lý tài nguyên nước nhằm
đảm bảo cho việc cung cấp nước với chất lượng thích hợp cho tất cả các ngành sử dụng và cho cả hệ sinh thái. Vấn đề này liên quan đến việc xác định các biện pháp cần thiết
để quản lý, giám sát và cả việc xử lý các nguồn nước đã bị ô nhiễm để đưa vào cung cấp không gây tác động xấu tới con người và hệ sinh thái.
Trong việc xem xét về mặt môi trường đối với việc cung cấp nước trước đây người ta cũng chỉ chú ý đến nhu cầu nước sử dụng cho con người mà ít quan tâm đến nhu cầu nước cho duy trì các hệ sinh thái nước. Tuy nhiên tình trạng suy thoái quá nhanh và mất đi các giá trị sinh thái của nhiều hệ sinh thái các lưu vực sông lớn hiện nay đã cảnh tỉnh con người và trong một hai thập kỷ gần đây, việc xem xét môi trường
đối với duy trì các chức năng của hệ sinh thái các lưu vực sông đã được quan tâm và
đưa vào chính sách nước quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Về nhu cầu nước cho hệ sinh thái và yêu cầu duy trì dòng chảy môi trường có thể xem cụ thể hơn trong mục 2.2.2.1 của chương 2.
Xem xét về mặt môi trường cũng cần làm rõ các mối đe dọa suy thoái tài nguyên nước lưu vực sông do các hoạt động không hợp lý của con người gây nên và từđó đưa ra các biện pháp quản lý và kiểm soát.
Vấn đề này bao gồm cả việc suy thoái về số lượng và cả chất lượng nước. Việc xem xét phải mở rộng sang cả các lĩnh vực quản lý sử dụng các nguồn tài nguyên khác nhưđất và quy hoạch sử dụng đất, rừng và vấn đề bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng mới và phục hồi các rừng thứ sinh; quản lý các nguồn ô nhiễm từ các khu đô thị, khu công nghiệp, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong các khu vực nông nghiệp...
Đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển tài nguyên nước là một yêu cầu bắt buộc để xem xét các vấn đề môi trường trên lưu vực sông nhằm hạn chế và giảm nhẹ các tác động tiêu cực mà hoạt động sử dụng nước của con người có thể gây ra như làm thay đổi chế độ thủy văn của sông, tổn thất các hệ sinh thái trên các vùng đất ngập nước và trong sông, làm gia tăng xâm nhập mặn hoặc sụt lún đất do khai thác sử
dụng quá mức nguồn nước ngầm.
(i) Môi trường vật lý tự nhiên:
− Mưa và các yếu tố khí hậu.
− Số lượng và chất lượng nước mặt, sự biến đổi chếđộ thủy văn của sông. − Trạng thái của tầng chứa nước ngầm và các tác động tới chất lượng nước. − Chất lượng đất, địa chất, xói mòn lưu vực và bồi lắng hồ chứa và trong sông.
− Xói lở và diễn biến dòng sông tại hạ lưu và thoát lũ vùng cửa sông.
(ii) Môi trường sinh thái tự nhiên
− Cá và hệ sinh thái nước.
− Hệ sinh thái các vùng đất ngập nước.
− Tài nguyên rừng và vấn đề quản lý bảo vệ lưu vực.
− Bảo vệđa dạng sinh học, các loài động vật hoang dã và quý hiếm. − Sinh thái trong hồ chứa.
(iii) Môi trường, phát triển kinh tế xã hội của con người
− Cung cấp nước cho tưới, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp. − Giao thông thủy và các hoạt động kiểm soát lũ.
− Đường giao thông và đường sắt. − Cơ sở hạ tầng khu vực đô thị.
(iv) Các giá trị chất lượng cuộc sống, văn hoá, xã hội
− Các yếu tố kinh tế xã hội, thu nhập và mức sống của dân cư. − Vấn đề di dân tái định cư.
− Vấn đề dinh dưỡng và Sức khỏe của cộng đồng.
− Các bệnh liên quan đến nước và lan truyền đường nước. − Các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống bảo tồn.
Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường phải tuân theo các quy định về mặt luật pháp của luật Bảo vệ môi trường và kết quả đánh giá trực tiếp phục vụ cho việc xem xét và ra các quyết định liên quan đến quản lý nước. Kết quả đánh giá ngoài chỉ ra các vấn đề môi trường chủ yếu, các tác động môi trường chủ yếu và mức độ của chúng, còn phải dự báo các tác động trong tương lai và đề xuất các ý kiến về biện pháp giảm nhẹ, giám sát môi trường lâu dài trong quá trình quản lý vận hành.