Phát triển NTT Sở Việt Nam và bài học kinh nghiệm cho Khánh Hòa

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đánh giá thực trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh khánh hòa (Trang 38)

Nước ta là một quốc gia biển và giàu đất ngập nước với ba loại môi trường nước đặc trưng là ngọt, lợ và mặn. Đây là chỗ dựa và nơi tạo ra sinh kế cho các cộng đồng dân cư, đặc biệt là ngư dân nghèo và cũng là một trong những tiền đề quan trọng đưa nước ta trở thành quốc gia có khả năng phát triển NTTS mạnh. Trong những năm gần đây, ngành NTTS phát triển với tốc độ khá nhanh trên tất cả các mặt: diện tích nuôi trồng được mở rộng, phát triển đa dạng các hình thức, các đối tượng nuôi trồng, đẩy mạnh việc nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, mang lại kim ngạch xuất khẩu góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá tích cực trong hội nhập quốc tế. Nếu như năm 1980, tổng sản lượng khai thác và NTTS cả nước chưa đến 700.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu chỉ gần 11 triệu USD, đời sống nhân dân lao động gặp rất nhiều khó khăn thì đến năm 2007, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tăng lên 4,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,75 tỷ USD, đưa diện tích NTTS từ 120.000 ha lên 1,06 triệu ha với mức sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng gần bằng sản lượng khai thác - 2,06 triệu tấn [1]. Giám đốc điều hành Hiệp hội NTTS thế giới khẳng định: Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành NTTS tăng trưởng nhanh nhất thế giới và có nhiều triển vọng trong tương lai [7].

NTTS đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu của vùng nông thôn ven biển. Các vùng nông thôn ven biển ở nhiều tỉnh thời kỳ trước đây vắng vẻ, hoang sơ, cộng đồng dân cư nghèo nàn, lạc hậu, nguồn sống chủ yếu của họ là khai thác thủy sản ven bờ đã góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi. Hơn 10 năm nay, với sự phát triển của nghề NTTS, bộ mặt nông thôn ven biển của những tỉnh này đã có nhiều thay đổi mới, hầu hết đất và mặt nước bãi triều ven biển giờ đã biến thành vùng nuôi trồng thủy sản. Đường, điện được dẫn đến tận nơi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, tạo thu nhập thay thế và cao cho dân cư ven biển, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng lên đáng kể.

Khánh Hòa là tỉnh có nhiều đặc điểm tương đồng với các tỉnh ven biển khác của nước ta. Các tỉnh này đã thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế biển và nhiều dự án mang lại hiệu quả cao. Do vậy, những bài học kinh nghiệm về phát triển NTTS của các tỉnh này là hết sức quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển ngành NTTS của tỉnh Khánh Hòa.

- Hầu hết các địa phương khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của vùng đều dựa vào tiềm năng mặt nước ven biển để phát triển NTTS - một trong những lợi thế đặc trưng của ngành này. Điều này phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế nông thôn nước ta sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, do nguồn vốn và trình độ người lao động còn hạn chế nên việc phát triển chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên là chính, sản xuất thâm canh còn thấp, hậu quả để lại cho môi trường còn khá lớn. Chính vì vậy, để phát triển NTTS, đặc biệt là ở vùng ven biển, cần lựa chọn hình thức nuôi phù hợp, tăng dần quy mô diện tích nuôi công nghiệp, giảm dần các hình thức nuôi quảng canh, phát huy tối đa lợi thế của vùng.

- Phát triển NTTS phải theo quy hoạch, kế hoạch và phải hình thành hệ thống chính sách tín dụng, đầu tư, bảo hiểm để khai thác tiềm năng của vùng nuôi trồng một cách hiệu quả. Tránh tình trạng phát triển tùy tiện, thiếu kế hoạch và quy hoạch dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương.

- Phát triển NTTS phải gắn liền với việc nghiên cứu và giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt phải xác định được thị trường mục tiêu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, sản xuất hướng vào việc tạo ra sản phẩm thủy sản phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

- Xuất phát từ những đặc thù về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng phát triển NTTS, đòi hỏi cần phải có sự kết hợp của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông thì việc sử dụng các nguồn lực mới đạt hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để có được sự kết hợp tốt nhất giữa họ cần phải dựa vào những chính sách và cơ chế mà nhà nước ban hành nhằm giải quyết tốt mối quan hệ về mặt lợi ích của các bên tham gia.

- Phát triển NTTS cần phải mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ngập nước ven biển, đất nông nghiệp nhiễm mặn sang NTTS một cách có kế hoạch. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan, manh mún, không quan tâm đến mối quan hệ giữa phát triển NTTS với các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm. Không ít vùng ven biển hiện nay đang phải tranh luận giữa vấn đề “ngọt hóa” và “mặn hóa”, nên đi theo hướng nào để đưa lại hiệu quả và bảo đảm tính bền vững hơn.

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển NTTS, từ những bài học kinh nghiệm trong phát triển NTTS ở một số nước trên thế giới và ở nước ta, có thể rút ra một số nhận xét sau:

- Phát triển kinh tế theo hướng bền vững là mục tiêu của mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Phát triển NTTS có mối quan hệ chặt chẽ và giữ vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nền kinh tế, điều này càng có ý nghĩa đặc biệt với các vùng ven biển. Phát triển NTTS nhằm khai thác tiềm năng tự nhiên sinh thái, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư và bộ mặt nông thôn vùng ven biển, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, của vùng, của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

- Phát triển NTTS đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa mở rộng quy mô diện tích nuôi trồng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm

thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với hình thức nuôi phù hợp. Đồng thời, để phát triển NTTS cần nhìn nhận và đánh giá khách quan những nhân tố tác động đến quá trình tăng trưởng của nó để từ đó có sự phối hợp các yếu tố đầu vào một cách hợp lý nhất nhằm nâng cao hiệu quả của NTTS.

- Phát triển NTTS bên cạnh đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội cần thiết phải đảm bảo hiệu quả cả về mặt môi trường, đó mới chính là phát triển NTTS theo hướng bền vững. Phát triển NTTS trong thời gian qua ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam không theo quy hoạch, lạm dụng quá mức kỹ thuật và chất kích thích để nâng cao năng suất, tăng sản lượng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về an toàn sản phẩm thủy sản nuôi trồng, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái. Do vậy, Việt Nam cũng như Khánh Hòa cần phải đảm bảo sự cân đối, hiệu quả và bền vững trong quá trình phát triển NTTS của mình.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đánh giá thực trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh khánh hòa (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)