0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

Nội dung và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển NTTS 1 Nội dung của phát triển NTTS

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 28 -28 )

1.3.1. Nội dung của phát triển NTTS

Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, phát triển NTTS có thể diễn ra theo hai xu hướng là phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu.

Phát triển NTTS theo chiều rộng là nhằm tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng bằng cách mở rộng diện tích đất đai, mặt nước với cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ NTTS và sử dụng những kỹ thuật sản xuất giản đơn, kết quả sản xuất nuôi trồng đạt được chủ yếu nhờ vào độ phì nhiêu của đất đai, thủy vực và sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên do vậy hiệu quả sản xuất thấp.

Phát triển NTTS theo chiều sâu là tăng sản lượng thủy sản dựa trên cơ sở đầu tư thêm vốn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật NTTS phù hợp với mỗi hình thức nuôi. Như vậy, phát triển theo chiều sâu là làm tăng sản lượng và hiệu quả NTTS trên một đơn vị diện tích bằng cách đầu tư thêm vốn, kỹ thuật và lao động.

Từ đó cho thấy, phát triển NTTS bao gồm sự gia tăng về quy mô diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng, đồng thời là sự biến đổi cơ cấu giá trị sản phẩm và chủng loại thủy sản nuôi trồng theo hướng hiệu quả và bền vững. Vì vậy, để phát triển NTTS cần phải thực hiện nhiều nội dung khác nhau, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: phát triển đa dạng các hình thức NTTS và các đối tượng NTTS, thực hiện hoạt động quản lý đối với NTTS, tăng cường đầu tư cho NTTS và tổ chức thị trường đầu ra cho sản phẩm NTTS. Do đó, khi đánh giá thực trạng phát triển NTTS cần tập trung xem xét và phân tích sự tăng trưởng của các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất, kết quả về mặt kinh tế, kết quả về mặt xã hội của NTTS cũng như tác động của NTTS đối với môi trường.

Phát triển đa dạng các hình thức NTTS và các đối tượng NTTS

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản trong và ngoài nước ngày càng gia tăng cùng với sự đòi hỏi ngày càng phong phú về chủng loại sản phẩm. Do đó, việc mở rộng các đối tượng và hình thức nuôi trồng thông qua nuôi đa canh, đa dạng vật nuôi và đa hình thức nuôi nhằm tạo ra sự đa dạng sản phẩm hàng thủy sản là một trong những chìa khóa để hàng thủy sản Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Nuôi đa canh là dựa trên cơ sở giảm tối đa mức quá tải về dinh dưỡng và chất thải của một đối tượng nuôi trong thời gian dài. Ví dụ chúng ta nuôi tôm hùm quá lâu ở một khu vực nhất định, lượng thức ăn dư thừa sẽ lắng đọng và tích tụ trên nền đáy dưới lồng nuôi. Hậu quả là môi trường đáy bị quá tải về chất thải hữu cơ, nền đáy bị biến đổi và suy thoái. Do đó, nếu chúng ta nuôi lồng ghép với cá biển sẽ giảm tải đáng kể thức ăn dư thừa, đa dạng hóa sản phẩm nuôi. Đối với tôm Sú, với hình thức nuôi BTC, TCCN trong 2 - 3 vụ đầu thường đạt năng suất cao, nhưng sau đó ao nuôi lắng đọng lượng thức ăn dư thừa lớn, đáy ao bị “lão hoá” dẫn đến năng suất thấp, rủi ro vì dịch bệnh tăng. Nếu chúng ta đa dạng hóa đối tượng nuôi, nuôi lồng ghép Sò Huyết trong đáy ao và nuôi cá Đối ở mặt nước ao chắc chắn sẽ giảm đáng kể nguồn thức ăn dư thừa ở đáy ao nuôi. Kết quả của nuôi đa canh và lồng ghép các loại vật nuôi sẽ làm

giảm tải chất thải từ hệ thống nuôi, góp phần tích cực tạo ra đa dạng sản phẩm nuôi và xuất khẩu, hạn chế rủi ro về sự giảm giá của một số mặt hàng thủy sản.

Đa dạng các hình thức nuôi là khai thác diện tích mặt nước và tầng nước giữa bằng cách nuôi lồng, nuôi bè, chăng dây, cắm cọc để khai thác tốt thức ăn là sinh vật phù du trong nước. Nuôi trên tầng đáy bằng cách nuôi thả các cây con vật ít di chuyển xa, sống định cư hoặc vùi đáy để khai thác tốt cơ sở thức ăn là sinh vật đáy, sinh vật phù du ở lớp nước gần đáy và nguồn thức ăn dư thừa từ các vật nuôi ở tầng nước mặt.

Tập trung phát triển NTTS trên biển, hải đảo. Đa dạng hoá các đối tượng nuôi để đảm bảo phát triển bền vững; đa dạng hóa các hình thức nuôi thông qua phát triển NTTS thâm canh trên vùng đất cát dựa trên quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển nuôi trồng vùng nước lợ theo hình thức thâm canh trong đó tôm sú là đối tượng nuôi chủ lực, là một trong những hướng đi chính góp phần nâng cao hiệu quả NTTS hiện nay.

Thực hiện hoạt động quản lý đối với NTTS

Công tác quản lý là một nội dung quan trọng trong phát triển NTTS. Quản lý nhằm phát huy tối đa thế mạnh trong mọi lĩnh vực của ngành đảm bảo cho hoạt động NTTS tăng trưởng và phát triển cân đối nhịp nhàng. Công tác quản lý vĩ mô đối với NTTS chủ yếu được thực hiện trên một số phương diện như phân vùng, quy hoạch NTTS, quản lý vùng nuôi theo quy hoạch và kế hoạch. Thực hiện một số biện pháp duy trì tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo phát triển NTTS bền vững. Tổ chức phát triển các dịch vụ thiết yếu cho NTTS và kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh thủy sản nuôi. Hoạt động quản lý vùng nuôi của các tổ chức, đơn vị NTTS chủ yếu thực hiện một số nhiệm vụ thuộc quy trình tổ chức sản xuất NTTS, trong đó cần chú ý các nội dung quy hoạch chi tiết vùng nuôi, thiết kế và xây dựng vùng nuôi theo quy hoạch, tổ chức sản xuất NTTS phải tuân theo quy trình công nghệ, xử lý ao hồ, chọn giống, chăm sóc, tiêu thụ... Đối với NTTS, công tác quản lý kỹ thuật cần được coi trọng từ việc xử lý nước cấp, thay nước, thoát và xử lý nước thải đến cách sử dụng thức ăn và phòng trừ bệnh dịch.

Tăng cường đầu tư cho NTTS

Vốn đầu tư là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất của hoạt động kinh doanh NTTS. NTTS đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm của NTTS nên vốn đầu tư vào lĩnh vực này thường luân chuyển chậm, việc sử dụng vốn thường gặp nhiều rủi ro do sản xuất thủy sản phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường nước. Do vậy bên cạnh nguồn vốn tự có của dân cư, để thực hiện thành công các chiến lược kinh tế biển, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ và kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác cho ngành thủy sản nói chung và NTTS nói riêng.

Tổ chức thị trường đầu ra cho sản phẩm NTTS

Thị trường đầu ra có vai trò quyết định đối với sự phát triển của ngành NTTS, nó thúc đẩy và làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất thủy sản theo hướng hàng hoá. Vì vậy, phát triển NTTS đòi hỏi các ngành, các cấp và các cơ sở sản xuất phải chú trọng nghiên cứu thị trường, giá cả, các quan hệ cạnh tranh trên thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Do ảnh hưởng bởi đặc điểm của NTTS nên thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng hết sức đa dạng, đa cấp, vừa mang tính phân tán rộng khắp vừa có tính tập trung với quy mô lớn và phát triển không đồng đều giữa các vùng, các khu vực. Điều này đòi hỏi công tác tổ chức tiêu thụ sản phẩm thủy sản phải linh hoạt, hợp lý tạo điều kiện để nhiều đối tượng, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng vùng, thúc đẩy NTTS phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 28 -28 )

×