Các lý thuyết về tăng trưởng và phát triển đều thừa nhận tăng trưởng là điều kiện cần của phát triển, do vậy nguồn gốc dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế cũng chính là nguồn gốc của sự phát triển. Tuy nhiên, ngoài nhân tố tăng trưởng, quá trình phát triển còn cần và chịu tác động của nhiều nhân tố khác:
Các nhân tố kinh tế
Đối với sản xuất NTTS, các yếu tố đầu vào chủ yếu thường được bàn đến là: - Vốn sản xuất: Vốn là biểu hiện bằng giá trị của tài sản bao gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà kho và cơ sở hạ tầng kỹ thuật NTTS (không tính tài nguyên thiên nhiên), có tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất để tạo ra tổng số đầu ra của quá trình sản xuất. Đối với phát triển NTTS, vốn sản xuất là nhân tố ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô và nâng cao trình độ thâm canh. NTTS là ngành sản xuất yêu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn. Năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi trồng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng ao hồ và việc tổ chức quản lý sản xuất nuôi trồng theo đúng yêu cầu của quy trình kỹ thuật. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi người nuôi trồng đủ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và có chất lượng tốt. Vì vậy, việc huy động và sử dụng vốn hiệu quả là nhân tố quyết định đến phát triển NTTS.
- Lao động là một trong những yếu tố đầu vào chủ chốt của hoạt động sản xuất kinh doanh NTTS. Một khi kết quả kinh doanh của ngành NTTS chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện tự nhiên, khí hậu thì nguồn nhân lực và chất lượng lao động sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định đến quá trình phát triển NTTS. Lao động trong NTTS cần phải am hiểu về kỹ thuật, có kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, quản lý NTTS theo những hình thức và quy mô hợp lý. Chính vì vậy, công tác đào tạo, huấn luyện nhằm phát triển nguồn nhân lực cho NTTS là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
- Đất đai và các tài nguyên thiên nhiên của NTTS được coi là nhân tố đầu tiên có ảnh hưởng đến việc chọn loài, giống nuôi và sức sản xuất của chúng và do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc NTTS. Mỗi loài thủy sản đều có quy luật sinh trưởng và phát triển riêng của nó, thủy sản nuôi trồng cũng vậy, chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao trong những điều kiện tự nhiên phù hợp và có chất lượng tốt. Điều kiện tự nhiên ở đây chính là thủy vực và các yếu tố tự nhiên khác. Chất lượng của thủy vực phụ thuộc vào sự phong phú, đa dạng của hệ sinh thái. Đồng thời, những thuận lợi, hạn chế của khí hậu và thổ nhưỡng như diện tích mặt nước, thể tích, độ sâu trung bình, tốc độ dòng chảy... cũng có tác động mạnh mẽ đến sức sản xuất của vùng nước.
- Khoa học công nghệ là một nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hóa ngành NTTS. Phát triển NTTS phải dựa vào tiến bộ của khoa học công nghệ sinh sản nhân tạo, lai tạo, thuần chủng giống, loài thủy sản, vào kỹ thuật và công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản công nghiệp, kỹ thuật vận chuyển giống, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho thủy sản nuôi.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn có vai trò đặc biệt quan trọng và tác động mạnh mẽ đến phát triển NTTS. Thị trường tiêu thụ sản phẩm quy định quy mô, cơ cấu thủy sản nuôi trồng. Trong cơ chế thị trường, người sản xuất ra sản phẩm thủy sản không phải để tiêu dùng mà để bán, do vậy họ luôn căn cứ vào cung cầu và giá cả thị trường để điều chỉnh hành vi kinh doanh sản xuất của mình cho phù hợp nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu nhằm tìm ra những phương thức tiếp cận thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho NTTS luôn được quan tâm và có tác động như một đòn bẩy quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa nuôi trồng.
Các nhân tố phi kinh tế
Có rất nhiều nhân tố phi kinh tế tác động đến quá trình tăng trưởng và phát triển NTTS như: thể chế chính trị, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội. Các nhân tố này không trực tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế nhưng nó lại ảnh hưởng gián tiếp và có phạm vi tác động rất lớn, phức tạp.
- Các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội
Thể chế là cơ chế thi hành và cách tổ chức thực hiện, là lực lượng đại diện cho ý chí của cộng đồng nhằm điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội theo lợi ích của cộng đồng đặt ra. Thể chế được thể hiện qua các mục tiêu phát triển dự kiến, các nguyên tắc tổ chức quản lý kinh tế - xã hội, các luật pháp, các công cụ và bộ máy thực hiện. Vì thế, khi đánh giá, phân tích mà đặc biệt là hoạch định phương hướng và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế cần quan tâm các thể chế đang vận hành trong phạm vi quốc gia và vùng nghiên cứu.
Yêu cầu của một thể chế phù hợp với sự phát triển hiện đại phải thể hiện ở sự năng động, nhạy cảm, mềm dẻo và đảm bảo được sự ổn định của đất nước, giúp nền
kinh tế mở rộng hoạt động có hiệu quả, tạo được một đội ngũ quản lý, lao động có năng lực và sự kích thích mạnh mẽ cho mọi tiềm năng vật chất hướng vào đầu tư.
Đối với phát triển NTTS, hệ thống chính sách và công tác quản lý là nhân tố hết sức quan trọng. Phát triển NTTS đòi hỏi phải có cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn trong đó quan trọng nhất là chính sách về đất đai. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng đồng bộ nhiều chính sách về thuế, tín dụng đầu tư, bảo hiểm và các chính sách khác có liên quan. Sự phù hợp của các chính sách này sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành NTTS.
- Đặc điểm văn hóa, xã hội
Văn hóa, dân tộc, tôn giáo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trình độ văn hóa là một nhân tố cơ bản có tác động đến chất lượng lao động, kỹ thuật công nghệ, trình độ quản lý kinh tế - xã hội. Nói cách khác, văn hóa chính là nhân tố cơ bản dẫn đến sự phát triển. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau thì sự tác động, ảnh hưởng hay đòi hỏi của trình độ văn hóa, chuyên môn của người lao động cũng khác nhau. NTTS vừa chứa đựng yếu tố kỹ thuật cao vừa đòi hỏi kinh nghiệm nên công tác nâng cao trình độ cho người nuôi trồng bằng các hoạt động chuyển giao công nghệ, tập huấn, hội thảo và các hoạt động khuyến ngư là rất cần thiết.
Tóm lại, có nhiều nhân tố tác động đến NTTS, mỗi nhân tố có vai trò, vị trí nhất định song tác động của chúng lại có tính chất tổng hợp và bổ sung cho nhau. Vì vậy khi nghiên cứu và vận dụng cần có cách nhìn tổng quan và toàn diện. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, cần nhấn mạnh để thấy rõ ý nghĩa của một nhân tố nào đó nổi lên như là một nhân tố hàng đầu có ảnh hưởng mạnh đến quá trình phát triển thì kết quả đạt được sẽ cao hơn.