Yêu cầu của kiểm soát chiến lược kinh doanh

Một phần của tài liệu Giáo trình môn chiến lược kinh doanh (Trang 107 - 108)

Để đảm bảo hoạt động kiểm soát chiến lược kinh doanh được thực hiện đúng cách, đúng hướng và tạo ra hiệu quả cho các nhà quản trị trong quá trình thực hiện thì nó phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất: Phải phù hợp với đối tượng kiểm tra

Rõ ràng hoạt động kiểm soát chỉ có thể đạt được các mục tiêu đặt ra khi nó phù hợp với đối tượng đánh giá. Vì thế, việc xác định nội dung, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra, đánh giá phải phù hợp với chủ thể và đối tượng đánh giá. Chúng ta nhận thấy rằng, các doanh nghiệp khi hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có nguồn lực, quy mô khác nhau thì chịu ảnh hưởng tác động từ môi trường cũng hoàn toàn khác nhau do vậy nội dung, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá là khác nhau và phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động, tiềm lực của doanh nghiệp, phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Mặt khác, kiểm soát chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến việc kiểm soát nhiều giai đoạn khác nhau như giai đoạn hình thành chiến lược kinh doanh, giai đoạn tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh đã đề ra. Trong mỗi giai

đoạn thì đối tượng đánh giá là khác nhau theo đó nội dung, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cũng phải khác nhau.

Thứ hai: Phải đảm bảo tính linh hoạt

Trong điều kiện môi trường kinh doanh thường xuyên biến động, tính linh hoạt là điều kiện để đảm bào hiệu quả và kết quả của công tác kiểm tra, đánh giá. Để đảm bảo tính linh hoạt, doanh nghiệp cần áp dụng đồng thời hai hình thức kiểm tra đó là kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường. Trong đó kiểm tra định kỳ là việc kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra bất thường là việc kiểm tra đột xuất khi có những thay đổi lớn, quan trọng.

Thứ ba: Phải đảm bảo tính dự phòng (tính lường trước)

Đảm bảo tính lường trước của kiểm soát chính là việc hướng những việc kiểm tra, đánh giá vào tương lai, vào kỳ hoạt động tiếp theo. Đây là hoạt động kiểm soát mang tính dự báo, giúp cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, những sự cố có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ tư: Phải tập trung vào những điểm thiết yếu

Tập trung vào những điểm thiết yếu có nghĩa là tập trung mọi nỗ lực vào kiểm tra những vấn đề quan trọng nhất, tác động mạnh nhất đến kết quả của chiến lược kinh doanh, qua đó giảm thiểu được khối lượng của công việc kiểm soát để tập trung thời gian, nguồn lực vào giải quyết những vấn đề cốt lõi, quan trọng mang lại hiệu quả cao cho hoạt động chung của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn chiến lược kinh doanh (Trang 107 - 108)