Đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược phát triển kinh doanh tại ngân hàng thương mại cổ phần bản việt (Trang 99 - 100)

Kinh tế Việt Nam, như đã đánh giá tại chương 2, đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải vượt qua. Các chính sách điều hành của Chính phủ theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 đã từng bước đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh các giải pháp mang tính động bộ, một số giải pháp tập trung và mang tính quyết định được tác giả đề xuất dưới đây:

- Vận dụng linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kích thích và kiểm soát tổng cầu cho toàn bộ nền kinh tế: thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và hiệu quả; kiềm chế tỷ lệ lạm phát hợp lý; vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đảm bảo tốt thanh khoản cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất trên thị trường tiền tệ một cách chủ động và hợp lý thông qua các công cụ điều hành của Ngân hàng trung ương; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu;

- Chính sách đầu tư công nên tập trung ưu tiên vào các dự án, công trình trọng điểm phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội nhanh chóng và là nền tảng hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển như: phát triển nhanh chóng hệ thống giao thông công cộng; đầu tư phát triển hệ thống giáo dục và y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo yếu tố cạnh tranh về chỉ số phát triển con người; các chính sách ưu tiên phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm phát huy lợi thế là một nước nông nghiệp với khoảng ¾ dân số được phân bổ ở khu vực này; đầu tư có trọng điểm các công trình mang tính phúc lợi xã hội như: nhà ở xã hội nhằm giải quyết tốt nhất về nhu cầu nhà ở cho người lao động, ổn định lực lượng lao động theo vùng miền; các chính sách tín dụng hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách cần được triển khai có định hướng đảm bảo mục tiêu phát triển ngành nghề đa dạng và tạo công ăn, việc làm cho lực lượng lao động nông thôn và đồng bào vùng sâu, vùng xa; các chính sách bảo trợ cho hàng hóa nông, lâm, ngư nghiệp nhằm ổn định dự trữ lương thực, thực phẩm; các vấn đề an sinh xã hội cần được quan tâm, nhất là những người tàn tật, người có công với cách mạng, người nghèo do hoàn cảnh khó khăn tạo ra…

- Vận dụng các chính sách kích thích nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh: hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý,

đặc biệt ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp tư nhân; thực hiện miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT; thành lập công ty AMC ( Công ty quản lý và khai thác tài sản quốc gia) nhằm xử lý nợ tồn đọng, nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế;

- Tập trung triệt để vào tái cơ cấu nền kinh tế: đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, hạn chế đầu tư dàn trải vốn ngân sách vào các doanh nghiệp mà lĩnh vực tư nhân có thể đảm nhiệm. Tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào nền kinh tế thị trường. Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ khả năng hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo định hướng.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kỷ cương xã hội trong việc thực hiện và tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng;

- Nâng cao tính công khai minh bạch về thông tin theo các chuẩn mực được áp dụng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước nâng cao tín nhiệm và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược phát triển kinh doanh tại ngân hàng thương mại cổ phần bản việt (Trang 99 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)