Quản lý vốn hiện có

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất lâm thao (Trang 27 - 31)

5. Bố cục của luận văn

1.3.3. Quản lý vốn hiện có

Quản lý vốn bao gồm 3 nội dung quan trọng là: Quản lý vốn cố định, Quản lý vốn lưu động và Quản lý vốn đầu tư tài chính.

Thứ nhất, quản lý vốn cố định

Vốn cố định là tổng lượng tiền khi tiến hành định giá tài sản cố định. Tài sản cố định là những tư liệu lao động có giá trị sử dụng trong thời gian dài, tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh, hình thái vật chất không thay đổi từ khi đưa vào sản xuất cho đến khi thanh lý.

Người quản lý doanh nghiệp cần đưa ra các quyết định đầu tư vào dự án nói chung và tài sản cố định nói riêng để:

- Đầu tư mới tài sản cố định tăng quy mô chủng loại của sản phẩm, dịch vụ; - Đầu tư thay thế nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cắt giảm chi phí;

- Đầu tư để mở rộng sản phẩm hoặc thị trường hiện có sang thị trường mới hoặc sản phẩm mới.

Để quản lý vốn cố định một cách có hiệu quả, tổ chức cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

+ Doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá và đánh giá lại tài sản cố định theo chu kỳ và phải đảm bảo chính xác.

+ Dựa vào đặc điểm của tài sản cố định và căn cứ theo khung quy định về tài sản của Bộ Tài chính để lựa chọn phương án tính khấu hao phù hợp, đảm bảo thu hồi vốn nhanh, khấu hao vào giá cả sản phẩm hợp lý.

+ Thường xuyên đổi mới, nâng cấp để không ngừng nâng cao hiệu suất sản xuất của tài sản cố định.

+ Sau mỗi kỳ hoạt động, doanh nghiệp sử dụng các tiêu chí để tính toán, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn cố định. Từ đó tìm ra các nguyên nhân để tìm biện pháp khắc phục những hạn chế và tiếp tục tăng cường những điểm mạnh của tài sản cố định.

Thứ hai, quản lý vốn lưu động

Trong công tác này, nhà quản trị tài chính cần:

Quản lý tiền và các khoản tương đương tiền

Tiền mặt là nhân tố quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Quản lý tốt luồng tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo cho doanh nghiệp một cơ hội để đầu tư chiến lược hoặc giảm thiểu chi phí.

Doanh nghiệp luôn luôn phải giữ tiền mặt nhằm:

- Đáp ứng các nhu cầu giao dịch hàng ngày như chi trả tiền mua hàng, tiền lương, thuế, cổ tức …

- Sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đầu tư thuận lợi trong quá trình kinh doanh như mua nguyên liệu dự trữ khi giá giảm, hoặc khi tỉ giá biến động thuận lợi, hay mua các chứng khoán đầu tư nhằm mục tiêu góp phần gia tăng lợi nhuận.

- Duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu khi có những biến cố bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động thu chi bình thường của doanh nghiệp, chẳng hạn mua hàng dự trữ trong khi tiền bán hàng chưa thu hồi kịp.

Quản lý các khoản phải thu

Các khoản phải thu là số tiền khách hàng nợ doanh nghiệp do mua bán chịu hàng hóa, dịch vụ. Có thể nói, mọi doanh nghiệp đều phát sinh các khoản phải thu.

Các khoản phải thu là một bộ phận quan trọng trong tài sản của doanh nghiệp, nó liên quan tới cả các đối tượng bên trong và các đối tượng bên ngoài; đồng thời nội dung các khoản phải thu cũng rất đa dạng, gắn liền với các giao dịch phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.

Do tính chất đa dạng về nội dung cũng như đối tượng phải thu cùng với các rủi ro có thể xảy ra nên cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình hình các khoản phải thu ngay từ lúc phát sinh các giao dịch và thường xuyên theo dõi để biết được khoản phải thu nào có dấu hiệu không thu hồi được để có biện pháp xử lý kịp thời. Quản trị tốt các khoản phải thu, doanh nghiệp có cơ hội xoay nhanh đồng vốn hiện có và giảm áp lực vốn vay, trong tình hình vốn vay ngân hàng bị hạn chế, vốn từ thị trường chứng khoán khó huy động.

Tiêu chuẩn bán chịu và chính sách bán chịu có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và thị phần của doanh nghiệp. Nếu đối thủ cạnh tranh có tiêu chuẩn bán chịu thấp và mở rộng chính sách bán chịu, trong khi doanh nghiệp không phản ứng lại điều này thì nỗ lực tiếp thị sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để quyết định mở rộng hay thu hẹp chính sách bán chịu, ta cần phân tích và so sánh xem lợi ích và chi phí phát sinh như thế nào nếu doanh nghiệp thay đổi chính sách bán chịu.

Chính sách bán chịu không chỉ liên quan đến tăng, giảm các khoản phải thu mà còn liên quan đến khả năng thu hồi nợ. Khi mở rộng chính sách bán chịu, các khoản phải thu tăng lên và do đó, các khoản nợ khó đòi cũng tăng lên.

Quản lý hàng tồn kho

Tồn kho là một bộ phận tài sản lưu động cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp. Hàng tồn kho hình thành mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một doanh nghiệp sản xuất phải duy trì tồn kho dưới hình thức nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm.

Tác động tích cực của việc duy trì tồn kho là giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:

- Tồn kho nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất và năng động trong việc mua nguyên liệu dự trữ.

- Tồn kho sản phẩm dở dang giúp cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp linh hoạt và liên tục, giai đoạn sản xuất sau không phụ thuộc và giai đoạn sản xuất trước.

- Tồn kho thành phẩm giúp chủ động trong việc hoạch định sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác và thỏa mãn tối đa nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, duy trì tồn khi cũng có mặt trái của nó là phát sinh chi phí liên quan đến tồn kho bao gồm chi phí kho bãi lưu trữ, bảo quản và cả chi phí cơ hội cho vốn đầu tư ứ đọng vào tồn kho.

Để quản lý vốn lưu động một cách có hiệu quả thì công tác quản lý vốn lưu động cần đảm bảo các nội dung sau:

+ Thực hiện việc phân tích và tính toán để xác định một cách chính xác lượng vốn lưu động cần thiết cho một chu kỳ kinh doanh.

+ Khai thác hợp lý các nguồn tài trợ vốn lưu đông.

+ Thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình và hiệu quả sử dụng vốn lưu động, tìm hiểu và phát hiện xem vốn lưu động bị ứ đọng ở mặt nào, khâu nào để kịp tìm kiếm những biện pháp xử lý hữu hiệu.

Thứ ba, quản lý vốn đầu tư tài chính

Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các tài sản tài chính như mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc tham gia vào góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp khác để góp phần đảm bảo cho nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp cũng như tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại thì đầu tư tài chính ngày càng phát triển và mang lại lợi ích ngày càng lớn cho các doanh nghiệp. Chính vì thế hoạt động quản lý vốn đầu tư tài chính ngày càng có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất lâm thao (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)