b. Giá trị bảnthân với sức khỏe tinh thần
1.2. Một số khái niệm cơ bản 1 Lòng tự trọng (self esteem)
1.2.1. Lòng tự trọng (self - esteem)
Khái niệm và đặc điểm của lòng tự trọng đã được quan tâm tìm hiểu từ lâu trên thế giới. Trên thực tế có nhiều định nghĩa khác nhau về lòng tự trọng.
Theo Jonathon D.Brown và Margaret A. Marshall (2006), thuật ngữ “lòng tự trọng” (self - esteem) đã được nghiên cứu và sử dụng ít nhất theo ba cách khác nhau bao gồm: lòng tự trọng tổng quát (global self - esteem hay trait self - esteem), lòng tự trọng tạm thời (state self - esteem) và tự đánh giá bản thân (domain specific
self-esteem).
Lòng tự trọng tổng quát (global self-esteem) hay còn gọi là lòng tự trọng thuộc tính (trait self - esteem) là một đặc điểm nhân cách đại diện cho cách cá nhân
thường cảm nhận về bản thân, tương đối bền vững theo thời gian và tình huống. Theo cách tiếp cận nhận thức, một số nhà nghiên cứu như Stanley Coopersmith,
Jennifer Crocker xem xét lòng tự trọng tổng quát như một nhận định của cá nhân về giá trị của họ. Trong khi đó, Jonathon D.Brown lại nhấn mạnh các quá trình cảm xúc và xác định lòng tự trọng tổng quát như là cảm nhận yêu thương bản thân mà không xét đến tính hợp lý và tính phán xét (Kernis, 2006).
Lòng tự trọng cũng được sử dụng để đề cập đến hành vi tự đánh giá đối với các sự kiện, những trải nghiệm có giá trị. Theo William James, những phản ứng
cảm xúc tự đánh giá này như những cảm nhận về giá trị bản thân như cảm thấy tự hào, hài lòng hoặc nhục nhã, xấu hổ về bản thân.. .Nhiều nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ về lòng tự trọng tạm thời (state - esteem) để chỉ những cảm xúc mà chúng
ta gọi là những cảm nhận về giá trị bản thân và lòng tự trọng thuộc tính (trait- esteem) để nói về cách mà mọi người thường cảm thấy về mình. Sự khác biệt cơ bản là lòng tự trọng tổng quát vẫn tồn tại trong khi những cảm nhận về giá trị bản thân chỉ mang tính tạm thời (Kernis, 2006).
Với vai trò tự đánh giá, lòng tự trọng thể hiện cách cá nhân xem xét các thuộc
tính, khả năng và các đặc điểm nhân cách khác nhau của bản thân. Các thuật ngữ về sự tự tin và tính hiệu quả cá nhân cũng đã được sử dụng để chỉ những niềm tin này, và nhiều người đồng nhất sự tự tin với lòng tự trọng. Mức độ lòng tự trọng sẽ khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau (Kernis, 2006). Các tác giả Việt Nam như Nguyễn Thạc và Phạm Thành Nghị (2008) cũng sử dụng thuật ngữ lòng tự trọng theo cách này khi nhận định:
“Lòng tự trọng dựa trên cơ sở của sự tự đánh giá và biểu hiện ở đó, còn mỗi một thành phần riêng lẻ của tự đánh giá ảnh hưởng đến chính mức độ về lòng tự trọng của nhân cách, tự đánh giá chung của nhân cách đó để có thể được phân ra các đánh giá từng phần như tự đánh giá về các phẩm chất trí tuệ, giao tiếp và xúc cảm.”
Dựa trên các nghiên cứu của nhiều tác giả khác nhau, Jonathon D.Brown và Margaret A. Marshall (2006) đã thống kê hai mô hình thể hiện mối liên hệ giữa các thuật ngữ về lòng tự trọng bao gồm mô hình từ dưới lên và mô hình từ trên xuống. Mô hình từ dưới lên giữ những phản hồi mang tính đánh giá trong những lĩnh vực có tầm quan trọng đến cá nhân, ảnh hưởng đến việc tự đánh giá, từ đó xác định cảm nhận về giá trị bản thân và lòng tự trọng tổng quát. Mô hình này giả định rằng lòng tự trọng chủ yếu dựa trên niềm tin cơ bản về phẩm chất đặc biệt của một người. Trong khi đó, mô hình từ trên xuống chỉ ra sự phát triển sớm và mức độ ảnh hưởng của lòng tự trọng đến tự đánh giá và cảm nhận về giá trị bản thân. Lòng tự trọng tổng quát và những phản hồi mang tính đánh giá kết hợp lại gây ảnh hưởng
đến sự tự đánh giá và cảm nhận về giá trị bản thân (Kernis, 2006).