1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.3. Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học công lập
1.1.3.1. Giảng viên
Khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018 quy định: Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên. Điều 54 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định: Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định [17].
Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.
Theo Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, chức danh nghề nghiệp của giảng viên gồm: Giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp. Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định có 05 chức danh giảng viên bao gồm: Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư [1].
Từ các quy định nêu trên, có thể đưa ra khái niệm: Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học công lập là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp, làm việc theo chế độ hợp đồng, có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe; có năng lực, kỹ năng chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm nhiệm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học
và các hoạt động khác thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học công lập (khái niệm này không áp dụng đối với giảng viên thỉnh giảng).
Theo nghĩa hẹp, đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập là tập thể các thầy giáo, cô giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục tại các trường đại học công lập, hưởng lương và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước.
Theo nghĩa rộng, đội ngũ giảng viên đại học công lập là những người làm nghề học thuật, là viên chức làm nghề dạy học từ bậc cao đẳng, đại học trở lên, được tổ chức thành một lực lượng, cùng chung nhiệm vụ, thực hiện các mục tiêu giáo dục đã đề ra cho tập thể đó. Họ làm việc có kế hoạch, gắn bó với nhau thông qua môi trường giáo dục, qua lợi ích về vật chất và tinh thần trong khuôn khổ pháp luật.
Như vậy, đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập ở Việt Nam bao gồm những người đủ tiêu chuẩn giảng viên, không phân biệt quốc tịch, được ký hợp đồng dạy học từ bậc đại học trở lên, tổ chức thành một đội ngũ, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý… theo kế hoạch. Họ làm việc gắn bó với nhau thông qua môi trường giáo dục, quyền lợi về vật chất, tinh thần trong khuôn khổ chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dưới những góc nhìn khác nhau thì khái niệm giảng viên được tiếp cận theo các cách khác nhau, đó là các cách tiếp cận theo chức năng của người giảng viên, theo vai trò người giảng viên và theo pháp lý.
Thứ nhất, tiếp cận theo chức năng của người giảng viên: Theo cách tiếp cận này, giảng viên đại học được định nghĩa trong ba chức năng chính là nhà giáo, nhà khoa học và nhà cung ứng dịch vụ cho cộng đồng.
Giảng viên với tư cách là nhà giáo: Đây là vai trò truyền thống, nhưng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên.
Giảng viên với tư cách là nhà khoa học: Giảng viên thực hiện vai trò thứ hai là nhà khoa học với chức năng giải thích và dự báo các vấn đề tự nhiên và xã hội. Nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống và công bố các kết quả nghiên cứu cho cộng đồng. Trong vai trò nhà khoa học, giảng viên đại học không chỉ phải nắm vững kiến thức chuyên môn, phương pháp nghiên cứu mà còn phải có kỹ năng viết bài báo khoa học hoặc xã hội hóa các công trình nghiên cứu của mình bằng các phương tiện khác.
Giảng viên - Nhà cung ứng dịch vụ cho xã hội: Đây là một vai trò xã hội được đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên đại học. Ở vai trò này, giảng viên cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường, cho học viên, sinh viên, cho các tổ chức xã hội - đoàn thể, cho cộng đồng và xã hội nói chung. Khi đó, giảng viên là cầu nối giữa khoa học và xã hội, để đưa nhanh các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng.
Thứ hai, tiếp cận theo vai trò người giảng viên:
Vai trò người thúc đẩy: Đây là vai trò rất quan trọng của giảng viên, phù hợp với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm, trong đó nhiệm vụ của giảng viên là gợi mở, khuyến khích, giúp đỡ, thúc đẩy sinh viên từng bước tự nhận thức, từ đó rút ra phương pháp và những kiến thức cần thiết áp dụng trong thực tiễn, giải quyết công việc hiệu quả.
Vai trò người tổ chức: Giảng viên cần tổ chức tốt từng khâu cũng như toàn bộ quá trình giảng dạy của mình, từ xác định nhu cầu, thiết kế đào tạo đến chuẩn bị bài giảng và tiến hành công việc giảng dạy.
Thứ ba, tiếp cận dưới góc độ pháp lý:
Luật Giáo dục quy định: Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo phải có những tiêu chuẩn: Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ chuẩn được
đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; lý lịch bản thân rõ ràng [17].
Như vậy, giảng viên là những nhà giáo giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, có tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Nhà nước nói chung và những quy định đặc thù của từng trường đại học, cao đẳng nói riêng. Giảng viên vừa có chức trách của nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội.
Nhiệm vụ của giảng viên ngoài thực hiện các quy định của Luật Giáo dục, giảng viên có những nhiệm vụ như: Thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục đại học gồm các trình độ: Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tham gia công tác quản lý đào tạo, quản lý khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; thường xuyên học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ mọi mặt theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của giảng viên; tham gia các hoạt động xã hội theo trách nhiệm, nghĩa vụ công dân.
Từ những phân tích ở trên cho ta thấy: Giảng viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự là một bộ phận cán bộ đảm nhiệm công tác giảng dạy và NCKH, được tuyển chọn, sắp xếp theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo và NCKH tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Phát triển nguồn nhân lực giảng viên tại Học viện kỹ thuật Quân sự là quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm tạo ra nguồn nhân lực giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và bảo đảm về chất lượng, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và NCKH của Học viện.
1.1.3.2. Nghiên cứu viên
Theo Điều 2, Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ Khoa học và công nghệ - Bộ Nội vụ quy định: Nhóm chức danh nghiên cứu khoa học bao gồm: Nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên và trợ lý nghiên cứu.
Nghiên cứu viên là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng thông qua các đề tài, dự án cấp cơ sở hoặc các đề tài, dự án cấp Bộ, ngành tại các đơn vị nghiên cứu và phát triển. Tham gia giảng dạy và giảng chuyên đề ở trình độ đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ, hướng dẫn sinh viên đại học làm khóa luận tốt nghiệp.
Nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp là những viên chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu viên, tổ chức và chỉ đạo thực hiện những công trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng thông qua các chương trình, đề tài, dự án cấp Bộ và cấp Nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng có tầm cỡ vùng miền hoặc quốc gia.
Nghiên cứu viên cao cấp có nhiệm vụ: (1) Trực tiếp nghiên cứu, đề xuất và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh của bộ, ngành và địa phương; đề xuất giải pháp và tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; (2) Nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ của quốc gia, bộ ngành và địa phương. Tham gia tư vấn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh; (3) Tổ chức chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu, cộng tác viên tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (4) Tham gia giảng dạy hoặc hướng dẫn khoa học cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh
viên ở các cơ sở đào tạo; (5) Chủ trì, tham gia; tổ chức các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt học thuật trong nước và quốc tế, xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu, biên soạn các tài liệu nhằm phổ biến, ứng dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Nghiên cứu viên chính có nhiệm vụ: (1) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; (2) Chủ trì tổ chức các nhóm nghiên cứu và hướng dẫn chuyên môn đối với các nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu, cộng tác viên thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (3) Chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề chủ yếu trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao; viết các báo cáo kết quả nghiên cứu, quy trình ứng dụng, biên soạn các tài liệu nhằm phổ biến và áp dụng rộng rãi, hiệu quả các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống; tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; (4) Tham gia xây dựng các chủ trương, kế hoạch và biện pháp triển khai hoạt động khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương và của đơn vị; tham gia tổ chức các hội nghị khoa học và các sinh hoạt học thuật chuyên ngành; tham gia tư vấn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho các học viên cao học, sinh viên đại học ở các cơ sở đào tạo.
Nghiên cứu viên có nhiệm vụ: (1) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, tỉnh; (2) Trực tiếp nghiên cứu, tham gia các hoạt động điều tra, khảo sát, phục vụ nghiên cứu và hướng dẫn, kiểm tra các trợ lý nghiên cứu thực hiện các nội dung nghiên cứu, thí nghiệm được giao; tham gia các sinh hoạt học thuật chuyên ngành; (3) Viết báo cáo tổng kết nhiệm vụ khoa học và công nghệ, biên soạn tài liệu, thông tin nhằm phổ biến và ứng dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Trợ lý nghiên cứu có nhiệm vụ: (1) Thực hiện các công việc phục vụ nghiên cứu, tham gia điều tra, khảo sát, hoặc trợ giúp việc xử lý, tổng hợp các thông tin, dữ liệu trong phạm vi được giao; (2) Làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các chức danh nghiên cứu khoa học hạng cao hơn trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu.