Những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học công lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 56 - 60)

1.6. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của nó đến phát triển

1.6.2. Những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học công lập

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt giáo dục đại học trước những thách thức mới diễn ra nhanh chóng. Các trường đại học có thể chưa dự báo hết được các kiến thức và kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi. Các hoạt động đào tạo và NCKH của trường ĐH cần phải thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp thực hiện. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản mà còn phải mang lại cho người học khả năng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo và thích nghi với những thách thức và yêu cầu thường xuyên thay đổi.

Các trường ĐH có xu thế phát triển lên một thế hệ mới được gọi ĐH 4.0 (University 4.0). Hệ thống giáo dục ĐH trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn cả về nội dung chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo và mô hình quản trị nhà trường. Tác động của CMCN 4.0 đến hệ thống giáo dục có thể được phân chia thành 2 nhóm chính: Khả năng đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 và xây dựng mô hình quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 [12].

Về khả năng đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0: Các trường ĐH phải có sự thay đổi lớn về chương trình đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, phương thức đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, cơ sở hạ tầng đảm bảo chất lượng đào tạo.

Về xây dựng mô hình quản lý nhà trường: Để điều hành nhà trường trong bối cảnh CMCN 4.0, đòi hỏi phải xây dựng được một hệ thống quản lý hiện đại trên cơ sở kết nối hệ thống số theo mô hình ĐH thông minh.

Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035. Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam phải có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển KTXH của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục ĐH thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và thịnh vượng của đất nước. Năm trụ cột chính của Chiến lược dự kiến là: (1) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị ĐH; (2) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, (3) Tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và NCKH; (4) Bảo đảm tài chính bền vững cho giáo dục ĐH; (5) Tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.

Những thách thức đặt ra trong CMCN 4.0, yêu cầu đối với nguồn nhân lực sẽ ngày càng khắt khe. Yêu cầu đó không chỉ dừng lại ở phạm vi kiến thức chuyên môn mà bao gồm cả kĩ năng sống, sự nhanh nhạy trong xử lý công việc, cũng như sử dụng thành thạo ngoại ngữ và CNTT. Điều này đòi hỏi giáo dục đại học phải đem lại cho người học những kĩ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh bị đào thải.

Tuy nhiên, thực tế là hệ thống giáo dục và đào tạo còn thiếu liên thông giữa các trình độ... còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với NCKH, sản xuất chế thử và nhu cầu thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đại học hiện nay là phải tổng hòa được yếu tố kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 về nguồn nhân lực.

Giáo dục đại học nước ta đang đứng trước những thách thức lớn trong CMCN 4.0, đó là:

Một là, chương trình giáo dục đào tạo vừa bảo đảm tính chuyên môn, vừa đáp ứng tính liên ngành và yêu cầu về hoàn thiện kỹ năng.

Thực tế, nội dung chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa linh hoạt, chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0. Giáo dục trong thời đại 4.0 sẽ có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục. Như vậy, mục tiêu giáo dục đại học hiện nay cần bảo đảm tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, nhưng cũng cần phải đáp ứng tính liên ngành (CNTT, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác, như khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành... Áp lực trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học hiện nay không hề nhỏ, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại CMCN 4.0.

Hai là, thách thức trong phương thức tổ chức để truyền tải nội dung chương trình đào tạo đến người học.

CMCN 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... là xu hướng đào tạo trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các cơ sở đào tạo về chuẩn bị nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian, cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập và giảng dạy.

Để vượt qua thách thức, đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra, giáo dục nước ta cần thực hiện một số nội dung sau:

Trong CMCN 4.0, việc tìm kiếm tri thức có thể được thực hiện ở bất cứ không gian và thời gian nào thì nền giáo dục cần phát triển theo định hướng mở với tính chất là sự linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng ở mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, mục tiêu giáo dục đại học hiện đại cần chuyển từ trang bị tri thức sang phát triển toàn diện, bồi dưỡng năng lực, trong đó chủ yếu là năng lực sáng tạo với việc phát hiện, nhận thức và giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn, lý luận do cuộc sống năng động hiện nay đặt ra.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.

Trong quá trình cải cách, vai trò của giảng viên, nghiên cứu viên là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố then chốt, vì thầy không vững về chuyên môn, không tích cực vận động chiếm lĩnh tri thức thì chắc chắn không thể định hướng nâng cao nhận thức, phát triển tri thức cho học viên, sinh viên. Do vậy, trong chiến lược đổi mới giáo dục đào tạo, cần có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ, song phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có chất lượng cao là một chiến lược được quan tâm hàng đầu. Các trường đại học cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút nhân lực giỏi, chuyên gia trong nước và nước ngoài hợp tác, làm việc với trường. Tạo điều kiện tốt cho giảng viên, nghiên cứu viên đặc biệt là đội ngũ trẻ tham gia hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo lập được môi trường giáo dục đại học sáng tạo và có tính tự lập cao.

Thứ ba, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia. Các trường đại học kỹ thuật cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực hoạt động

trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, đặc biệt là trong các chuyên ngành như: Công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật (IoT), truyền thông công nghiệp, xử lý và phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... nhằm tạo nền tảng cho việc tiếp thu, xây dựng và phát triển công nghiệp thông minh... Các trường cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của CMCN 4.0.

Thứ tư, đa dạng hóa cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực ngành nghề. Các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế... để xây dựng các phòng thí nghiệm chung theo hình thức hợp tác. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi cho sinh viên thực hành, mà còn là các trung tâm nghiên cứu phát triển chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giúp sớm nắm bắt xu thế công nghệ của CMCN 4.0. Đặc biệt, sự liên kết hợp tác này còn tạo nên môi trường làm việc thực sự ngay trong nhà trường, từ đó giúp sinh viên có định hướng trong việc phát triển, hoàn thiện kiến thức và kĩ năng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 56 - 60)