Phát triển về chất lượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 36 - 42)

1.2. Nội dung phát triển nguồn nhân lực

1.2.2. Phát triển về chất lượng

Trong các trường đại học hiện nay, việc phát triển đội ngũ nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần đảm bảo yếu tố về số lượng, mà còn cần đảm bảo cả yếu tố chất lượng nhằm đáp ứng mục tiêu dạy và học một cách hiệu quả. Trong xu hướng quốc tế hóa, nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên vừa phải giúp người học đáp ứng được khả năng hội nhập, vừa phải giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, tính ứng dụng trong công việc chuyên

môn. Do đó, chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở đây đòi hỏi không ngừng phát triển.

Phát triển về chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực là những tác động của nhà quản lý nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu chức danh. Nói cách khác, đó chính là nâng cao những năng lực, phẩm chất cần thiết để đội ngũ nhân lực thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Để phát triển chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực cần tiến hành: (1) Đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên hoặc định kỳ cho đội ngũ nhân lực đủ về trình độ năng lực chuyên môn: Chuẩn hóa về số lượng, tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ… chuẩn hóa về trình độ, năng lực tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm…; (2) Sử dụng đúng người, đúng việc, chế độ đãi ngộ theo khối lượng và chất lượng công việc hoàn thành; (3) Thúc đẩy cạnh tranh để phát triển. Thực hiện thu hút, ký hợp đồng với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đạt chuẩn chất lượng tham gia giảng dạy, NCKH. Đồng thời luôn đánh giá, sàng lọc, đưa ra khỏi đội ngũ những người không có đủ năng lực trình độ, phẩm chất, hoặc chỉ ra những tiêu chí chưa đạt để thúc đẩy mọi người tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc; (4) Chế độ đãi ngộ, tôn vinh hợp lý, trả công xứng đáng với đội ngũ những người làm việc hiệu quả, chất lượng, đặc biệt là những người có trình độ cao.

Đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đại học công lập trên ba tiêu chí cơ bản: (1) Chất lượng hoạt động đào tạo; (2) Chất lượng và hiệu quả hoạt động NCKH; (3) Chất lượng hoạt động quản lý và phục vụ xã hội.

Suy cho cùng đó chính là đánh giá kết quả của sản phẩm đặc biệt đóng góp cho nền giáo dục, kinh tế, xã hội: Số lượng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực - người học, đáp ứng nhu cầu xã hội, có việc làm và làm được việc;

số và chất lượng các công trình, các bài báo, công trình nghiên cứu phục vụ thực tiễn của đời sống; đóng góp các ý tưởng, định hướng sự phát triển của xã hội và hiệu quả của các hoạt động khác.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay, việc hoàn thiện năng lực, trình độ đội ngũ đòi hỏi phải tìm kiếm phương sách mới: Thường xuyên, vừa dạy vừa học, vừa đào tạo và tự đào tạo, nghiên cứu để luôn đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, thích ứng với môi trường làm việc luôn biến động không ngừng.

Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động của nhà trường, như: Bố trí, sử dụng; công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng; thu hút, tuyển dụng; công tác đánh giá; chính sách tiền lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ… Sau đây là một số nội dung chủ yếu của nhà trường nhằm thực hiện phát triển nguồn nhân lực.

1.2.2.1. Bố trí, sử dụng

Sử dụng đội ngũ nguồn nhân lực theo năng lực trong phát triển đội ngũ chính là trọng dụng người tài, sắp xếp, bố trí, đề bạt họ vào các vị trí việc làm, chức danh phù hợp nhất với khả năng của từng cá nhân, nhằm tạo cho họ có động lực để phát huy tối đa tiềm năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Định hướng, kiến tạo, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp giúp đội ngũ nhân lực toàn tâm toàn ý làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Việc sử dụng đội ngũ nguồn nhân lực phải mang tính chiến lược, bao gồm cả việc sử dụng trong hiện tại và cả định hướng sử dụng tiếp theo trong tương lai (điều động, bổ nhiệm, thăng chức …); phát huy quyền chủ động của cấp khoa, bộ môn, viện, trung tâm trong việc bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ trực tiếp, thông qua việc sử dụng nhân lực phù hợp với năng lực, sở trường nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

1.2.2.2. Đào tạo, bồi dưỡng

Đây là hoạt động thường xuyên nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp của đội ngũ nguồn nhân lực trong các trường đại học công lập theo chuẩn quy định và đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển bảo đảm chất lượng, đủ năng lực đảm nhiệm hiện tại và định hướng cho công cuộc phát triển lâu dài.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích năng lực thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân và đội ngũ so với tiêu chuẩn quy định và xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới để xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Khung năng lực được cấu trúc tốt sẽ giúp cho nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục không chỉ xác định được các hành vi theo các chỉ số thực hiện công việc hiệu quả, mà còn cả những đòi hỏi để thực hiện thành công định hướng chiến lược, cũng như phát triển và duy trì văn hóa của tổ chức cần có để đạt kết quả công việc tốt nhất. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo định hướng chiến lược; cách tiếp cận cá nhân trong việc bổ sung và hoàn thiện năng lực của từng cá nhân; tính thống nhất vì mục tiêu phát triển; phát huy quyền chủ động, trách nhiệm của trưởng bộ môn, trưởng khoa, viện trưởng, trưởng trung tâm và của mỗi người trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị và cá nhân đảm bảo hài hòa.

1.2.2.3. Thu hút, tuyển dụng

Mục đích nhằm thu hút, tuyển chọn, bổ sung vào tổ chức đông đảo những người giỏi nhất, có đủ năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ của vị trí tuyển dụng nhằm xây dựng và phát triển tốt các tổ chức trong nhà trường.

Để có thể tuyển dụng được đúng người phù hợp với công việc, trước hết nhà trường phải căn cứ kế hoạch công tác và thực trạng sử dụng đội ngũ nhằm xác định được những vị trí nào cần tuyển dụng. Thực hiện phân tích

công việc sẽ cho biết đơn vị cần tuyển dụng thêm bao nhiêu người và tiêu chuẩn đặt ra đối với ứng viên là người như thế nào.

Vấn đề thu hút và phát huy vai trò của đội ngũ có trình độ cao về làm việc tại các trường đại học là cầu nối quan hệ với các trường đại học, khoa học công nghệ hiện đại… Giao cho các trường đại học hàng đầu liên kết đào tạo theo chương trình tiên tiến với các trường đại học nước ngoài để thu hút, đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trong nước.

Tuyển dụng đội ngũ nhân lực có chất lượng nhằm mục tiêu thu hút, tổ chức tuyển dụng đúng người, đúng việc và đúng thời điểm, theo đúng năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công khai, minh bạch quy trình, điều kiện, hình thức, nội dung, tiêu chuẩn tuyển dụng.

Lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ và năng lực vào làm việc, giảng dạy, NCKH trong trường đại học công lập. Trong giai đoạn hiện nay cần có chính sách tuyển dụng hợp lý, thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động cạnh tranh theo vị trí việc làm để tìm ra người tốt nhất, phù hợp nhất. Việc tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng lao động nên diễn ra thường xuyên để luôn sàng lọc đội ngũ; đồng thời chú trọng nguồn tuyển là đội ngũ giảng viên, giáo sư, phó giáo sư, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp hết tuổi quản lý nhưng còn trong độ tuổi kéo dài thời gian làm việc… luôn đổi mới, đa dạng hóa đội ngũ nguồn nhân lực đại học công lập để cạnh tranh lành mạnh, phát triển.

Việc tuyển dụng đội ngũ nguồn nhân lực phải đảm bảo tính chiến lược, không chỉ nhằm giải quyết trong thời điểm hiện tại, mà phải đáp ứng các yêu cầu thực hiện mục tiêu, sứ mệnh trong tương lai; dựa vào năng lực thực tế của ứng viên so với các tiêu chuẩn của vị trí cần tuyển dụng; giao quyền chủ động cho khoa, bộ môn, viện, trung tâm trong việc đánh giá, thẩm định tiêu chuẩn và tuyển dụng đối với ứng viên.

1.2.2.4. Đánh giá đội ngũ nguồn nhân lực

Trong phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, việc đánh giá không chỉ là đánh giá theo năng lực thực hiện nhiệm vụ, mà còn là đánh giá sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ của cá nhân và đội ngũ nguồn nhân lực. Không chỉ quan tâm đến cá nhân thực hiện nhiệm vụ gì, mà cần xem xét họ làm bằng cách nào, hiệu quả ra sao, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của từng người để bố trí nhiệm vụ phù hợp và giúp họ phát huy điểm mạnh, khắc phục những hạn chế. Năng lực được coi như một công cụ đánh giá, xác định các nhân tố hành vi phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ của nguồn nhân lực. Đánh giá sự phát triển của các cá nhân là việc xem xét, đo lường mức độ tiến bộ về năng lực thực hiện nhiệm vụ, là cơ sở cho việc khen thưởng, bổ nhiệm và đãi ngộ xứng đáng. Việc đánh giá chính xác sẽ góp phần tạo động lực để họ tích cực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tính thống nhất thể hiện thông qua cách thức, phương pháp đánh giá đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác.

1.2.2.5. Chế độ đãi ngộ

Trong phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, đãi ngộ được xem là một hình thức ghi nhận, trả công sự tiến bộ và những đóng góp của họ trong quá trình làm việc. Thực hiện trả công theo khối lượng và chất lượng công việc hoàn thành, không cào bằng. Chính sách đãi ngộ bao gồm đãi ngộ về vật chất và khuyến khích về tinh thần: Tiền lương, thưởng, phụ cấp, thâm niên nghề, phúc lợi, bảo hiểm y tế, nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ hè, nghỉ lễ, tham quan thực tế… tạo môi trường làm việc thuận lợi dựa theo năng lực và sự cống hiến, để tạo động lực cho đội ngũ phấn đấu. Những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao được hưởng mức tiền lương cao tương xứng với đóng góp của họ, đồng thời được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu tốt hơn, không cào bằng so với những người

bình thường; những người sau quá trình được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tốt hơn, cần được nâng mức lương để ghi nhận sự tiến bộ của họ. Ngược lại, đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm các quy định về tiêu chuẩn của nhà giáo, cần phải có hình thức xử lý như hạ bậc lương, thuyên chuyển sang vị trí khác, hoặc sa thải, chấm dứt hợp đồng.

Bên cạnh đó là sự tôn vinh đội ngũ giảng viên - làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Thực hiện qua các danh hiệu thi đua các cấp trao tặng, vinh danh kịp thời những cống hiến của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học công lập trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Thể hiện sự tôn trọng, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng về tôn vinh đội ngũ nhà giáo và nghề giáo. Ngoài sự tôn vinh về tinh thần, có sự trả công về vật chất xứng đáng đối với họ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 36 - 42)