Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 107 - 113)

3.3.2.1. Thu hút, tuyển dụng

Học viện cần hoàn thiện, bổ sung chính sách công khai thu hút, tuyển dụng đối với học viên, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở lại trường, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài hoặc trong nước về làm việc với những chế độ đãi ngộ đặc biệt để “giữ chân người tài”.

Việc thu hút, tuyển dụng nguồn lực giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao là giải pháp quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH cũng như vị thế của nhà trường. Giảng viên, nghiên cứu viên chính là những người trực tiếp thực hiện và quyết định việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH trong nhà trường. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh về khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu, điều này đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nhà trường. Nhà trường chỉ có thể thích ứng và phát triển theo kịp với những tiến bộ đó nếu có một đội ngũ đủ mạnh, có năng lực thực sự, lòng yêu nghề, tâm huyết, say mê học tập nghiên cứu, mới có thể góp phần xây dựng và phát

triển Học viện, đào tạo cho xã hội, quân đội nguồn nhân lực chất lượng, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào Học viện. Thu hút các chuyên gia, giảng viên có học hàm, học vị, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu sau khi hết tuổi quản lý tiếp tục tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện.

Đổi mới công tác tuyển dụng: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo cũng như hiệu quả công tác quản lý giáo dục của nhà trường. Việc tuyển dụng, sử dụng có vai trò, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Việc tuyển dụng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện hiện nay chủ yếu là từ nguồn tại chỗ, giữ lại những học viên giỏi, xuất sắc, sau đó bồi dưỡng thành giảng viên, nghiên cứu viên, chỉ tuyển dụng một số lượng ít từ bên ngoài với những chuyên ngành quân đội không đào tạo. Điều này có thuận lợi là nhà trường sử dụng lực lượng sẵn có của mình đã được đào tạo bài bản, hệ thống, các học viên đã quen môi trường quân sự, môi trường công tác trong nhà trường nên việc tiếp cận công việc nhanh, không phải mất thời gian đào tạo bổ sung kiến thức quân sự. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số bất lợi, đó là những học viên, sinh viên được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu sẽ ảnh hưởng nhiều từ phong cách đến phương pháp giảng dạy, nghiên cứu của người đi trước, do đó việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng, giảng viên trẻ - học viên được giữ lại trường sẽ dập khuôn theo khuôn mẫu cũ. Bên cạnh đó, do chỉ sử dụng lực lượng tại chỗ sẽ không có sự so sánh, tiếp thu tiến bộ giữa các trường với nhau.

Vì vậy, cần thiết phải đổi mới phương thức tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đối với Học viện. Đổi mới phương thức tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên cần theo các hướng sau:

Thứ nhất, đối với các ngành cơ sở, ngành có tính lưỡng dụng cao (công nghệ thông tin, xây dựng, công trình, điện tử viễn thông, cơ điện tử...): Nên bổ sung đối tượng tuyển dụng từ các trường dân sự, lao động dân sự vào Học viện công tác. Như vậy, quân đội không chỉ giảm được chi phí đào tạo (chỉ phải bồi dưỡng kiến thức quân sự mà không phải đào tạo chuyên môn, đào tạo từ đầu) mà còn tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài môi trường dân sự.

Thứ hai, đối với các ngành đặc thù quân sự nhưng có tính phổ biến cao trong quân đội (kiến thức quân sự chung, nghệ thuật tác chiến...): Ưu tiên tuyển chọn học viên từ các trường quân đội khác có cùng chuyên ngành. Ngoài ra, cần tăng cường liên thông, hợp đồng trong việc trao đổi nghiệp vụ, mời giảng, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà trường quân đội với nhau.

Thứ ba, đối với các ngành đặc thù quân sự, chuyên biệt chỉ có nhà trường mới đào tạo: Giữ học viên giỏi, xuất sắc ở lại làm công tác giảng dạy, nghiên cứu nhưng trước khi quay về trường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu phải có thời gian thực tế tại đơn vị trên cương vị công tác đúng chuyên ngành để tích lũy kiến thức thực tế ở các đơn vị trong toàn quân, nâng cao khả năng thực hành trên các hệ thống máy móc, phương tiện kỹ thuật, trau dồi khả năng tự học tập, nghiên cứu.

Đối với công tác sử dụng cán bộ, đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cần có cơ chế dân chủ mở rộng để mọi người muốn và dám phát huy hết khả năng, kiến thức của mình. Bên cạnh đó, Học viện cần không ngừng mở rộng liên kết, hợp đồng với các đơn vị, viện, trung tâm nghiên cứu, cán bộ đầu ngành có uy tín trong và ngoài quân đội tham gia giảng dạy, nghiên cứu, truyền đạt kinh nghiệm đào tạo và quản lý giáo dục tại Học viện, xây dựng nhà trường có khả năng thích ứng nhanh nhạy đối với những phát triển, thành tựu mới về KHKT&CN.

3.3.2.2. Bố trí, sử dụng

Phải cân đối thời gian giảng viên giảng dạy trên lớp để họ có thời gian tham gia hoạt động rèn luyện thể chất, bồi dưỡng sức khỏe, học tập, NCKH. Tạo điều kiện để họ có thời gian để nghiên cứu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiết kế bài giảng sáng tạo và thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, hướng tới tăng cường đào tạo trực tuyến, đào tạo công nghệ thực tế ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng và tài liệu... Bên cạnh giảng dạy, NCKH là một nhiệm vụ thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao đối với mỗi giảng viên đại học, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy. Kết quả NCKH cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xếp hạng đại học trên thế giới hiện nay. Không thể có một đại học đẳng cấp quốc tế mà các nhà khoa học không có công trình nào hoặc chỉ có những lý thuyết sáo mòn mà thiếu các minh chứng thực tiễn khoa học. Nền khoa học của mỗi quốc gia thường được nhìn nhận và đánh giá qua các bài báo, công trình khoa học, ứng dụng... được công bố trên các tạp chí, diễn đàn khoa học quốc tế.

Có chính sách để đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để mỗi người nâng cao khả năng thu thập và khai thác, sử dụng các thông tin từ internet, cập nhật kịp thời kiến thức mới về chuyên môn, về khoa học công nghệ, qua đó có cơ hội tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng như có cơ hội tham quan, học tập tại các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới, tăng cơ hội mở rộng, hợp tác nghiên cứu, trao đổi với các học giả quốc tế.

3.3.2.3. Tăng cường và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Đổi mới hình thức và phương pháp bồi dưỡng đội ngũ: Kết hợp giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng với bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành; gắn đào tạo với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; kết hợp dạy và

học cùng với NCKH; kết hợp đào tạo cán bộ với bồi dưỡng tài năng quân sự; kết hợp đào tạo tại trường với rèn luyện trong thực tiễn chiến đấu và công tác.

Đào tạo bồi dưỡng, nhất là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển phẩm chất chính trị với phát triển tri thức, năng lực và phương pháp sư phạm, nghiên cứu khoa học. Đối với đội ngũ giảng viên trẻ, trước khi đứng lớp cần phải được đi thực tế ở đơn vị trên cương vị công tác, sát đúng với ngành mình giảng dạy. Nếu không có điều kiện cho đi thực tế, giảng viên, nghiên cứu viên trẻ cần phải trải qua thời gian đầu công tác trực tiếp ở các phòng thí nghiệm, phòng học trang bị. Như vậy, một mặt họ được củng cố bằng thực tiễn kiến thức mình đã được học trong nhà trường, mặt khác có điều kiện tìm hiểu thực tế, thực hành trên các hệ thống trang thiết bị máy móc kỹ thuật, bên cạnh sự phân công kèm cặp của những người có kinh nghiệm, trình độ, năng lực. Qua đó, chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ sẽ được nâng lên cả lý thuyết và thực hành.

Cần có những chính sách cụ thể để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt cho giảng viên, nghiên cứu viên tham gia các khóa đào tạo sau đại học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc là hoạt động cần được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ không ngừng tự học tập để hoàn thiện và phát triển bản thân, đẩy mạnh trao đổi và giao lưu học thuật trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài với các hình thức như: Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ… Việc các giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời đại CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Được tiếp xúc với môi trường làm việc, giảng

dạy, nghiên cứu chuyên nghiệp sẽ giúp cho họ không những có thêm kiến thức mới, phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp mà còn giúp họ có được tầm nhìn về sự phát triển của ngành, lĩnh vực mà mình theo đuổi; từ những gì họ tích lũy được trong quá trình học tập và bồi dưỡng ở nước ngoài sẽ giúp cho chất lượng giáo dục, nghiên cứu của Học viện có những tiến bộ và nhanh chóng bắt kịp các nước tiên tiến. Muốn vậy, trước tiên Học viện cần có chiến lược đào tạo, trau dồi ngoại ngữ và ngay bản thân các giảng viên, nghiên cứu viên phải có ý thức trau dồi cho mình kỹ năng này. Học viện tiếp tục duy trì mạnh mẽ hơn nữa chính sách đào tạo ngoại ngữ rõ ràng và bắt buộc. Giảng viên, nghiên cứu viên phải có lộ trình và cam kết đạt được những tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Qua đó, Học viện cũng cần có chiến lược khai thác, hợp tác để tiếp cận được các học bổng đào tạo, cung cấp thông tin, hướng dẫn tạo điều kiện cho các giảng viên, nghiên cứu viên có thể tham gia, tiếp cận được các học bổng của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, học bổng giáo sư và các hiệp định của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Đào tạo tại chỗ cũng là giải pháp quan trọng nhưng lại đơn giản, không tốn chi phí, có thể thực hiện được thường xuyên, liên tục. Giảng viên, nghiên cứu viên trẻ sẽ được học tập, kèm cặp từ kiến thức, kỹ năng, phương pháp… trong việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học từ những người có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, có học hàm, học vị cao ở ngay trong Học viện. Qua đó nguồn chất xám từ những giảng viên giỏi, chuyên gia đầu ngành được kế thừa và phát triển.

Ngoài bồi dưỡng chuyên môn thì các giảng viên, nghiên cứu viên (nhất là đội ngũ trẻ) cần tự trau dồi kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên tại Học viện vừa là một nhà khoa học, vừa là một nhà giáo, vì thế họ cần có kiến thức và năng lực sư phạm tốt, vừa để giảng dạy vừa có thể biết được mình phải làm gì và làm như thế nào khi cần nâng cao chất lượng giảng dạy. Để

nâng cao kỹ năng giảng dạy thì đòi hỏi giảng viên cần phải phối hợp nhiều hình thức, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt cần áp dụng khoa học công nghệ (giảng dạy trực tuyến, mô phỏng trang bị kỹ thuật, công nghệ thực tế ảo…) vào trong giảng dạy, làm sao để nội dung bài giảng phải trực quan, sinh động, gắn với thực hành, thực tiễn, có như vậy mới có thể nâng cao được năng suất và chất lượng dạy - học và NCKH.

Giảng dạy và NCKH là hai hoạt động song hành và tương hỗ nhau. Đẩy mạnh công tác NCKH, gắn NCKH với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tăng cường trao đổi học thuật, sáng kiến kinh nghiệm trong NCKH; tổ chức và khuyến khích các giảng viên, nghiên cứu viên tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, thành tựu nghiên cứu về KHCN, tiếp thu những kiến thức tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, Học viện cần bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc và sinh hoạt đối với người lao động; tôn vinh các cán bộ, nhà giáo đã qua chiến đấu, nhà giáo, chuyên gia có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo trong quân đội; có cơ chế phù hợp khuyến khích đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ tham gia NCKH, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp và cách thức giảng dạy trực quan sinh động, hiệu quả, năng động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại học viện kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 107 - 113)