1. Người bán hàng
1.2.2. Khả năng về tâm lý
Người bán hàng phải tiếp xúc với mọi người của các dân tộc, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thói quen tiêu dùng, nếp sống, cách sống, sở thích, tính cách, nhận thức,…rất khác nhau. Đã chấp nhận nghề bán hàng tức là “làm dâu trăm họ” người bán hàng phải luôn vui vẻ, niềm nở, lịch sự khi tiếp xúc với khách. Điều này không phải dễ, phải là một người khoẻ về tinh thần mới làm được việc này. Những khả năng về tâm lý rất quan trọng đối với người bán hàng và được biểu hiện trên những tiêu thức sau:
56 - Tính điềm đạm và tự chủ: tính tình phải ổn định và cân bằng, không thể lúc thì rất vui lúc thì quá buồn. Phải điềm tĩnh để xử lý các tình huống khi khách hàng cự nự, tuyệt đối không được sừng sộ hoặc to tiếng với khách. Mặc dù khách có hành động sai hoặc biểu hiện không tốt thì người bán hàng không thể có bất cứ một hành động hoặc một cử chỉ gì biểu hiện sự không tôn trọng khách hàng.
- Lòng tự tin: muốn chinh phục người khác thì trước hết phải biết chinh phục mình. Người nhút nhát, thiếu tự tin đứng trước khách hàng sẽ bối rối và khó bán hàng. Thông thường tâm lý của khách hàng là mặc dù muốn mua hàng nhưng vì tiếc tiền nên bao giờ họ cũng lưỡng lự, so đo xem có đáng mua hay không. Người bán hàng cần phải tự tin vào mình, vào món hàng mà mình giới thiệu cho khách để thuyết phục khách quyết định mua. Lòng tự tin của người bán hàng rất quan trọng, nhiều người thường nói: ”Người bán hàng phải tránh tự ti mà phải tự tin vào mình”. Những người bán hàng cần phải là những người hăng hái, lạc quan, tin ở mình, tin ở sự thành công của mình mới có thể thành công trong việc chinh phục khách hàng.
- Ý chí và nhẫn nại: Muốn lấy tiền từ trong túi của khách hàng đâu phải chuyện dễ dàng. Điều này đòi hỏi người bán hàng phải có đủ ý chí, đủ nhẫn nại để thuyết phục khách mua hàng. Những người bán hàng không biết kiên trì, nhẫn nại thì khó mà thành công.
- Tính mềm dẻo: Người bán hàng cần mềm dẻo để thích ứng với mọi người, với mọi hoàn cảnh và đời sống thực tế. Những đức tính rắn rỏi cần thiết trong những nghề chỉ huy, nhưng lại rất có hại trong nghề bán hàng bởi vì người bán hàng không thể chỉ huy, điều khiển ai mà họ chỉ có thể thuyết phục, dẫn dụ khách để đạt được mục đích là bán được hàng và thu được lợi nhuận.
- Tính nhã nhặn và lễ độ: Nghề bán hàng là một nghề cần nhiều đến giao tiếp. Điều này đòi hỏi người bán hàng phải là người rất lịch sự mới có thể giao tiếp được với mọi người. Phép lịch sự là chiếc chìa khoá mở rộng các cánh cửa: cửa nhà và cửa lòng. Những người thiếu lịch sự, thiếu nhã nhặn thì trước hết không thể lấy được lòng người, còn đâu lấy được tiền của họ.
- Tính liêm khiết: trong thương trường, chữ tín rất quan trọng. Bạn có thể lừa gạt được mọi người trong một thời gian và một vài người mãi mãi. Tính gian trá và khôn vặt có thể giúp người bán hàng thành công nhất thời, nhưng họ không chỉ bán một lần mà đủ sống cả đời, vì nghệ thuật bán hàng không chỉ bán được hàng mà còn phải giữ được khách. Những người bán hàng khôn khéo đều hiểu rằng thà bỏ mất cơ hội bán một món hàng còn hơn là dùng phương thức không chính đáng để bán cho khách bất kỳ một món hàng nào đó để rồi về sau không bao giờ thấy khách trở lại với mình.