gian trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an” [94, tr.312].
Đề cập đến việc phát huy vai trò của nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, giáo dục cho nhân dân thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc” [101, tr.461]. Trong công tác giáo dục cũng phải làm cho nhân dân hiểu rõ, bảo vệ an ninh, trật tự có liên quan mật thiết đến cuộc sống, quyền lợi, tính mạng và tài sản của nhân dân, Người nói: “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích” [102, tr.72].
Lực lượng Công an có nhiệm vụ vận động nhân dân hiểu rõ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, nhân dân vừa có quyền, đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm, sứ mệnh lịch sử của nhân dân. Từ đó, Hồ Chí Minh kết luận: “Giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó, thì công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân” [102, tr.72].
Theo Hồ Chí Minh, tư tưởng chỉ đạo trong vấn đề này là tạo mọi điều kiện để nhân dân trở thành chủ thể thực sự của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trên cơ sở thông qua tổ chức, để hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân tham gia. Người đưa ra minh chứng cụ thể là từ thành thị đến thôn quê, nhân dân tự động tổ chức những ủy ban phòng gian, trừ gian. Hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân chăng thành những bức “thiên la địa võng” nên lũ mật thám không sao thoát được. Có được kết quả ấy, là nhờ công an đi theo đúng đường lối nhân dân, biết dựa vào sức nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ chung của công dân, là một công việc ái quốc.
Làm chủ thông qua tổ chức và chỉ có thông qua tổ chức, con người mới thấy được trách nhiệm và sự đóng góp của mình cho xã hội, được xã hội thừa nhận. Mặt khác, tập hợp nhân dân trong một tổ chức chính là tạo ra lực cộng hưởng tất cả sức mạnh của từng cá thể riêng biệt. Hồ Chí Minh cho rằng, công an