Luồng chu chuyển hàng hóa quốc tế

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 52 - 54)

a. Khái niệm thương mại quốc tế

Luồng chu chuyển hàng hóa hay còn gọi là thương mại quốc tế, đó là việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ (hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình) giữa các chủ thể kinh tế có quốc tịch khác nhau (trong đó đối tượng trao đổi thường là vượt ra khỏi phạm vi địa lý của một quốc gia) thông qua hoạt động mua bán, lấy tiền tệ làm môi giới. Hoạt động thương mại quốc tế hình thành nên luồng chu chuyển hàng hóa, nó ra đời sớm nhất trong các quan hệ kinh tế quốc tế và ngày nay nó vẫn giữ được vị trí trung tâm trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Thương mại quốc tế phát triển mạnh cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, giao thông vận tải, toàn cầu hóa và công ty đa quốc gia. Việc tăng cường thương mại quốc tế thường được xem như ý nghĩa cơ bản của toàn cầu hóa.

b. Xuất khẩu ròng (NX)

Nội dung của thương mại quốc tế bao gồm hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu là những hàng hóa sản xuất trong nước và được bán ra nước ngoài, nhập khẩu là hàng hóa sản xuất ở nước ngoài và bán ở trong nước. Xuất khẩu mang lại ngoại tệ cho đất nước và nhập khẩu đòi hỏi phải chi ngoại tệ ra nước ngoài.

Xuất khẩu ròng (hay cán cân thương mại) của một nước là chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu. Do xuất khẩu ròng cho biết về tổng thể một nước là người mua hay người bán trên thị trường hàng hóa và dịch vụ thế giới, nên xuất khẩu ròng còn được gọi là cán cân thương mại.

Công thức: NX = EX – IM

Trong đó: NX – là xuất khẩu ròng (cán cân thương mại) EX – là kim ngạch xuất khẩu

IM – là kim ngạch nhập khẩu

Xuất khẩu ròng xảy ra ba trường hợp. Nếu NX > 0, tức là EX > IM, thì nền kinh tế bán hàng hóa ra nhiều hơn mua vào, trường hợp này được coi là nền kinh tế có thặng dư thương mại.

Nếu NX < 0, tức là EX < IM, thì nền kinh tế mua hàng hóa từ nước ngoài nhiều hơn là nó bán ra, trường hợp này được coi là nền kinh tế đang thâm hụt thương mại. Nếu NX = 0, tức EX = IM, nền kinh tế được gọi là có cán cân thương mại cân bằng.

Hình 3-1. Cán cân thương mại của Việt Namqua các năm 2006 - 2016

(Nguồn: Tổng cục hải quan, 2016)

c. Lợi ích của thương mại quốc tế và các nhân tố ảnh hưởng đến thương mại quốc tế

Lợi ích khi các quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế rất rõ ràng. Thứ nhất là làm biến đổi cơ cấu giá trị sử dụng của tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, thông qua việc xuất và nhập khẩu nhằm đạt tới cơ cấu có lợi cho nền kinh tế trong nước, người tiêu dùng có thể mua hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú được sản xuất trên khắp thế giới. Thứ hai là, thương mại quốc tế góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế quốc dân, do việc mở rộng trao đổi cho phép mỗi nước khai thác triệt để lợi thế của họ, trên cơ sở phân công lao động quốc tế các nước chuyên môn hóa vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có lợi thế, vậy sẽ nâng cao năng suất lao động, nâng cao mức sống của người dân ở tất cả các nước . Và điều gì quyết định cán cân thương mại của một quốc gia? Chúng ta có thể điểm ra các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu và xuất khẩu ròng. Những yếu tố chính bao gồm:

◦ Thị hiếu của người tiêu dùng về hàng trong nước và hàng nước ngoài. ◦ Giá cả tương đối giữa hàng trong nước và hàng nước ngoài

◦ Tỷ giá hối đoái mà tại đó mọi người có thể chuyển đổi giữa đồng nội tệ ra đồng ngoại

Ví dụ 3-1.

Tập đoàn cà phê Trung Nguyên bán cà phê cho công ty Blue Oceans ở Singapore, đây là hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam và nhập khẩu cà phê của Singapore. Khi Công ty Boeing, hãng sản xuất máy bay tại Mỹ, bán một chiếc máy bay cho hãng hàng không Việt Nam Airlines, thì hoạt động đó là nhập khẩu máy bay của nước Việt Nam và xuất khẩu máy bay của nước Mỹ.

Trên thực tế, việc bán cà phê cho công ty Blue Oceans làm xuất khẩu ròng (NX) của Việt Nam tăng lên. Việc mua máy bay từ công ty Boeing làm cho NX giảm xuống

tệ.

◦ Thu nhập của người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng nước ngoài. ◦ Chi phí vận chuyển và chi phí bảo hiểm hàng hóa từ nước này qua nước khác. ◦ Các chính sách thương mại quốc tế của chính phủ ban hành.

Trong quản lý, điều tiết hoạt động thương mại quốc tế, để đảm bảo ổn định sản xuất và tiêu dùng trong nước Chính phủ ở các nước sử dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Thuế quan bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế quá cảnh. Các biện pháp phi thuế quan thường dùng như: cấm nhập khẩu, hạn ngạch, giấy phép, tiêu chuẩn kỹ thuật, ký quỹ nhập khẩu…

d. Thước đo độ mở cửa của nền kinh tế

Độ mở của nền kinh tế gồm giá trị kim ngạch xuất khẩu, giá trị kim ngạch nhập khẩu/GDP , tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu/ GDP

Giá trị kim ngạch xuất khẩu/GDP được tính theo hai chỉ tiêu: giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP; Theo số liệu của Tổng cục thống kê, về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP, nếu năm 1985 mới đạt 5% thì năm 1995, sau khi nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh mở cửa hội nhập (Mỹ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, Việt Nam gia nhập ASEAN..) đã đạt 26,2%; năm 2000, sau khi ký kết hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ đã đạt 46,4%; năm 2008, sau khi gia nhập tổ chức WTO đạt 64,3%; năm 2013 đã đạt được 77%, đây là con số cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đổi mới, trước mở cửa hội nhập. Bên cạnh đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/ GDP cũng đã tăng lên, nếu năm 2005 mới đạt được 63,7% thì năm 2010 đã đạt được 72% và năm 2013 đã đạt 83,1%.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu/GDP được tính theo hai chỉ tiêu: giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa/GDP, giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa/GDP năm 1985 là 13,2%, đến năm 1995 là 39,2%, năm 2000 đạt 49,6%, năm 2008 là 82,8% - đạt đỉnh điểm từ trước tới nay và cao hơn nhiều tỷ lệ tương ứng của xuất khẩu hàng hóa/GDP ở các năm. Giá trị kim ngạch nhâp khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP năm 2005 là 71,5%, đến năm 2010 là 85,6% và năm 2013 đạt 83,9%

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP nếu năm 1985 mới đạt 18,2%, đến năm 1995 đạt 65,4%, năm 2000 đạt 96,5%, năm 2008 đạt 147,1%, năm 2013 đạt 153,9%..

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa khá cao và tăng lên tương đối nhanh. Đây là kết quả của đường lối mở cửa hội nhập với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)