Chính sách tài khóa là việc chính phủ sử dụng công cụ thuế và chi tiêu của chính phủ nhằm tác động đến tổng chi tiêu chung của nền kinh tế. Công cụ thuế (T) là nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chi tiêu của chính phủ (G) là khoản chi từ ngân sách nhà nước. Chúng ta đã biết tiết kiệm chính phủ Sg = T – G. Vậy khi chính phủ thực hiện chính sách tài khóa sẽ tác động đến tiết kiệm của chính phủ và tình trạng cán cân ngân sách sẽ thay đổi.
Khi Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng ở trong nước (tăng G, giảm T) làm giảm tiết kiệm chính phủ Sg. Tác động ban đầu của chính sách này làm cung về vốn vay trong nước sẽ giảm, đường cung về vốn vay dịch chuyển sang bên trái trên thị trường vốn vay từ S1 -> S2 trong phần (a). Lãi suất tăng từ r0 đến r1 để cân bằng trên thị trường vốn vay. Với lãi suất tăng lên đầu tư ra nước ngoài trở nên kém hấp dẫn hơn và dân cư trong nước ít mua tài sản nước ngoài hơn, làm giảm đầu tư ra nước ngoài ròng, được minh họa trong phần (b). Đầu tư nước ngoài ròng giảm đi, người dân cần ít ngoại tệ để mua các tài sản nước ngoài, làm giảm cung VND trên thị trường ngoại tệ từ NFI0 sang NFI1, thể hiện trong phần (c). Sự giảm đi trong cung VND trên thị trường ngoại tệ làm cho VND sẽ có giá hơn so với các ngoại tệ, tỷ giá hối đoái thực tế tăng lên từ 0 đến 1. Tỷ giá hối đoái thực tế tăng lên sẽ làm cho hàng hóa trong nước sẽ đắt hơn so với hàng hóa nước ngoài, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và làm xuất khẩu ròng giảm xuống từ NX0 đến NX1.
Vậy khi chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng sẽ làm tăng lãi suất thực tế, làm giảm đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài tăng, làm đồng nội tệ tăng giá và làm xuất khẩu ròng giảm xuống.
Tương tự như phân tích trên chúng ta sẽ phân tích với trường hợp khi chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt (giảm G, tăng T), làm tiết kiệm quốc dân Sg tăng. Đường cung về vốn vay dịch chuyển sang phía bên phải, làm lãi suất trong nước giảm, kích thích đầu tư ra nước ngoài ròng và đường cung về vnd trên thị trường ngoại hối dịch chuyển sang phải. Tỷ giá hối đoái thực tế giảm xuống, giá hàng hóa trong nước trở nên rẻ tương đối so với hàng hóa nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa trong nước, làm xuất khẩu ròng tăng lên.
Hình 3-10. Tác động của chính sách tài khóa mở rộng đến thị trường vốn và ngoại tệ