Mục tiêu của các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 96 - 97)

Bản thân tên gọi của các chính sách đó là “chính sách ổn định kinh tế vĩ mô” đã phản ánh rõ mục đích của các chính sách này đó là đem lại sự ổn định cho nền kinh tế, tức là giúp cho các tác nhân trong nền kinh tế có thể duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng một cách ổn định.

Trong thực tế hàng ngày, nền kinh tế và các tác nhân hoạt động trong nền kinh tế đó luôn đối mặt với những biến động làm ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả của họ. Đặc biệt, có nhiều biến cố không chỉ xảy ra đối với từng tác nhân riêng lẻ mà nó lại có tính lan tỏa, làm ảnh hưởng đến bộ phận không nhỏ những tác nhân khác trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm, mức sống của người dân. Do vậy, cần thiết phải có sự can thiệp của Chính phủ, giúp các tác nhân (nhưng cũng chính là giúp cho người dân một đất nước) có thể nhanh chóng phục hồi, duy trì sản xuất, tiến tới mục tiêu tăng trưởng, phát triển hơn trong tương lai.

Các nghiên cứu về chu kỳ kinh doanh đã chỉ ra có 3 trạng thái mà một nền kinh tế có thể gặp phải, đó là:

◦ Trạng thái cân bằng suy thoái: nền kinh tế hoạt động dưới mức tiềm năng ◦ Trạng thái cân bằng tối ưu: nền kinh tế hoạt động ở mức tiềm năng

◦ Trạng thái cân bằng thịnh vượng: nền kinh tế hoạt động ở trên mức tiềm năng.

Theo lý thuyết về trạng thái cân bằng trong dài hạn (đã đề cập đến ở chương 1) thì chỉ khi nền kinh tế đạt được trạng thái cân bằng tối ưu nghĩa là nền kinh tế hoạt động hiệu quả và ổn định. Tuy nhiên, những thời điểm mà các nền kinh tế trên thế giới đạt được trạng thái này rất ngắn mà chủ yếu lại thường rơi vào các trạng thái suy thoái (mức tăng GDP thực tế thấp hơn mức tăng trưởng trung bình) hoặc thịnh vượng (mức tăng GDP thực tế cao hơn mức tăng trưởng trung bình). Ví dụ như các giai đoạn màu xám ở hình 5-1 dưới đây ghi nhận những giai đoạn nền kinh tế nước Mỹ rơi vào khủng hoảng suy thoái: giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ năm

1973-1974, chiến tranh với Iran năm 1981, vụ tấn công khủng bố năm 2001, hay khủng hoảng thị trường bất động sản năm 2008.

Hình 5-1. Chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế nước Mỹ

Nguồn: N. Gregory Mankiw (2016)

Đặc biệt, chu kỳ kinh doanh không chỉ xảy ra đối với nền kinh tế nước Mỹ mà khi nó xảy ra còn tác động đến hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn khác nhau thì lại dẫn dắt nền kinh tế đến một trạng thái hoàn toàn khác chứ không có một chu kỳ kinh doanh nào giống chu kỳ nào. Do vậy, Chính phủ mỗi nước phải sử dụng những công cụ chính sách khác nhau cho những cú sốc khác nhau trong lịch sử phát triển của họ.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 96 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)