Về mặt bản chất, bảo hiểm thất nghiệp cũng là một chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hỗ trợ người lao động thất nghiệp về mặt tài chính, giúp họ nhanh chóng có thể ổn định cuộc sống để tìm kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp lại gây ra những rào cản bất lợi cho nền kinh tế. Vì theo quy định của các chính phủ về tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì chủ sử dụng lao động cũng phải đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến cầu về lao động của các doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm, làm giảm khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động.Đặc biệt, một số doanh nghiệp tìm cách né tránh việc phải đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng cách chỉ thuê lao động ngắn hạn hoặc không chính thức. Điều này làm tăng tỷ lệ mất việc làm của người lao động (s), do đó đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Mặt khác, đối với một số nền kinh tế, mức chi trả trợ cấp thất nghiệp lại tương đối cao, ví dụ như ở Mỹ, người lao động thất nghiệp có thể nhận được 50% mức lương trước khi thất nghiệp trong vòng 26 tháng (N. Gregory Mankiw, 2016), ở Việt Nam là 65% mức lương trước khi thất nghiệp trong vòng 6 tháng, và ở các nước Tây Âu thì mức trợ cấp còn hào phóng hơn nhiều. Điều này gây ra một mặt trái đó là người lao động được nhận trợ cấp, họ sẽ được giảm bớt áp lực tài chính, do vậy mong muốn, nỗ lực tìm việc của họ sẽ không còn cấp bách nữa. Điều này làm cho khoảng thời gian, hay chu kỳ thất nghiệp kéo dài hơn, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn.