a. Mối quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế mở
Đầu tư và tiết kiệm đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Như ở chương 2 khi nghiên cứu về tiết kiệm, đầu tư trong nền kinh tế đóng chúng ta biết rằng tổng tiết kiệm trong nền kinh tế luôn luôn bằng với tổng đầu tư (S = I). Đến nền kinh tế mở, có sự tương tác với các quốc gia khác trên thế giới theo hai cách: trên thị trường hàng hóa thế giới và thị trường tài chính thế giới, xuất hiện luồng chu chuyển hàng hóa và luồng chu chuyển vốn quốc tế. Vậy mối quan hệ giữa các biến số tiết kiệm và đầu tư với các luồng chu chuyển hàng hóa và luồng chu chuyển vốn tính bằng xuất khẩu ròng và đầu tư ra nước ngoài ròng sẽ như thế nào. Chúng ta sẽ thảo luận về các bộ phận cấu thành nên tổng sản phẩm trong nước.
Xét phương trình tổng sản phẩm trong nước (Y) của nền kinh tế bao gồm bốn thành tố: tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (NX), cụ thể:
Y = C + I + G + NX (1) biến đổi phương trình (1) ta được:
Y – C – G = I + NX (2) Thay NX = NFI, S = Y – C - G ta có:
S = I + NFI (3)
Nhìn vào đẳng thức (3) ta có thể thấy, tiết kiệm quốc gia phải bằng đầu tư trong nước cộng với đầu tư ra nước ngoài ròng. Nói cách khác, khi một công dân Việt Nam tiết kiệm được 1 đồng từ thu nhập thì họ có thể dùng 1 đồng đó cho việc mua tài sản trong nước hoặc mua tài sản ở nước ngoài.
Phương trình (3) cũng có thể biến đổi thành: S – NFI = I Thay KI = - NFI ta có: S + KI = I
Nhìn vào đẳng thức trên ta thấy, tiết kiệm quốc gia cộng với dòng vốn chảy vào ròng bằng với khoản đầu tư trong nước của nền kinh tế. Vậy tiết kiệm của người nước ngoài có thể bổ sung cho tiết kiệm của người dân trong nước để tài trợ cho hoạt động đầu tư vào các tài sản mới nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế. Tiết kiệm của người nước ngoài đặc biệt có ý nghĩa với sự tăng trưởng của các quốc gia kém phát triển và quốc gia đang phát triển.
Ví dụ 3-12.
Các hộ gia đình quyết định tiết kiệm một phần thu nhập của mình cho lúc về già. Quyết định này đóng góp vào tiết kiệm quốc gia, tức là vế trái của phương trình.
Hệ thống tài chính là trung gian đứng giữa hai vế của đồng nhất thức (3). Giả sử các hộ gia đình gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng, sau đó ngân hàng cho Tập đoàn Viettel vay để đầu tư. Viettel có thể dùng tiền để đầu tư mở rộng nhà máy viễn thông ở Việt Nam. Hoặc Viettel còn có thể sử dụng vốn vay đó để mua cổ phiếu của công ty ở Mỹ. Giao dịch này được ghi ở vế phải của phương trình.
b. Mô hình thị trường vốn trong nền kinh tế mở
Giả định rằng hệ thống tài chính chỉ bao gồm một thị trường được gọi là thị trường vốn vay, thì tất cả những người tiết kiệm và người đi vay đều đến tham gia vào thị trường vốn vay này. Cung về vốn vay (SK) bắt nguồn từ những người có thu nhập dư dôi mà họ muốn tiết kiệm và cho vay, cầu về vốn vay (DK) bắt nguồn từ các hộ gia đình và doanh nghiệp muốn vay tiền để đầu tư. Giống như các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường, thị trường vốn vay cũng tuân theo quy luật cung cầu về vốn.
Trong nền kinh tế mở, như đã phân tích ở trên S = I + NFI
Trong đó: S là tiết kiệm quốc gia I là đầu tư trong nước
NFI là đầu tư nước ngoài ròng
Hai vế của đồng nhất thức trên đại diện cho hai phía của thị trường vốn vay. Cung về vốn vay bắt nguồn từ tiết kiệm quốc gia (SK). Cầu về vốn vay bắt nguồn từ đâu tư trong nước (I) và đầu tư nước ngoài ròng (NFI). Việc dân cư trong nước mua một tài sản vốn làm tăng cầu về vốn vay, cho dù nó là tài sản có nguồn gốc trong nước hay nước ngoài. Do đầu tư ra nước ngoài ròng (NFI) có thể âm hay dương, nó có thể bổ sung hoặc giảm bớt cầu về vốn vay phát sinh từ đầu tư trong nước.
Trên thị trường vốn vay, lượng cung và lượng cầu về vốn phụ thuộc vào lãi suất thực tế. Lãi suất thực tế cao hơn khuyến khích người dân tiết kiệm và bởi vậy làm tăng lượng cung về vốn vay. Lãi suất thực tế cao hơn làm tăng chi phí đi vay để thực hiện các hoạt động đầu tư, do đó làm giảm động lực đầu tư và giảm đầu tư trong nước.
Bên cạnh sự ảnh hưởng đến tiết kiệm quốc gia và đầu tư trong nước, lãi suất thực tế trong nước còn ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài ròng. Khi lãi suất thực tế trong nước tăng lên, sẽ làm giảm nhu cầu mua tài sản nước ngoài của người dân trong nước và khuyến khích người nước ngoài mua tài sản ở trong nước, làm giảm đầu tư ra nước ngoài ròng và ngược lại. Vậy lãi suất thực tế có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với đầu tư ra nước ngoài ròng và đầu tư ở trong nước, nên đường cầu về vốn vay (DK) trong nền kinh tế mở sẽ là đường dốc xuống.
Hình 3-7 biểu diễn thị trường vốn vay, đường cung về vốn vay là đường dốc lên vì lãi suất cao hơn làm tăng cung vốn vay và đường cầu dốc xuống, lãi suất điều chỉnh thị trường vốn vay cân bằng. Nếu lãi suất nằm dưới mức lãi suất cân bằng, lượng cung về vốn vay nhỏ hơn lượng cầu về vốn vay, thiếu hụt vốn vay sẽ đẩy lãi suất tăng lên. Ngược lại, nếu lãi suất nằm trên mức cân bằng, dư lượng cung về vốn vay sẽ đẩy lãi suất giảm xuống. Tại mức lãi suất cân bằng, lượng cung về vốn vay bằng đúng với lượng cầu về vốn vay.
Hình 3–7. Thị trường vốn vay trong nền kinh tế mở
Như vậy, lãi suất trong một nền kinh tế mở được quyết định bởi cung và cầu về vốn vay. Tiết kiệm quốc gia là nguồn cung về vốn vay. Đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài ròng là nguồn cầu về vốn vay. Tại mức lãi suất cân bằng, lượng vốn mà công chúng muốn tiết kiệm
r0 r SK E0 DK K0 K 0
đúng bằng với lượng vốn và công chúng muốn vay để mua tài sản đầu tư trong nước và tài sản đầu tư nước ngoài.
c. Thâm hụt thương mại có nguồn gốc từ thiếu hụt tiết kiệm
Ta có phương trình (2): Y – C – G = I + NX Tương đương với: S – I = NX
Đẳng thức này chỉ ra rằng xuất khẩu ròng chính là chênh lệch giữa tiết kiệm quốc gia và đầu tư trong nước. Nếu xuất khẩu ròng âm, cán cân thương mại bị thâm hụt (NX < 0), có nghĩa là S – I < 0 tiết kiệm quốc gia không đủ để đầu tư trong nước. Vậy có thể nói rằng thiếu hụt tiết kiệm quốc gia là nguồn gốc gây ra tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Và như chúng ta biết xuất khẩu ròng (NX) phải bằng với đầu tư ra nước ngoài ròng (NFI), nên tương ứng với đó NFI < 0, quốc gia đó cần phải vay nợ nước ngoài để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại khi tiết kiệm quốc gia thiếu hụt.
Mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư với các trường hợp cán cân thương mại ở bảng 3-3 sau đây:
Bảng 3-3. Tiết kiệm, đầu tư, cán cân thương mại và đầu tư ra nước ngoài ròng
Cán cân thương mại thâm hụt NX < 0
Cán cân thương mại thặng dư NX > 0
Cán cân thương mại cân bằng NX = 0 EX < IM Y - C – G < I S < I NFI < 0 EX > IM Y - C – G > I S > I NFI > 0 EX = IM Y - C – G = I S = I NFI = 0
Nghiên cứu trường hợp của nước Mỹ để thấy rõ mối quan hệ này. Chúng ta được biết nước Mỹ là “con nợ lớn nhất thế giới”, nước Mỹ được mô tả như vậy vì nó đã vay rất nhiều trên các thị trường tài chính thế giới trong những năm 1980 và 1990 để tài trợ cho khoản thâm hụt thương mại lớn. Nhìn vào hìmnh 3-8 ta thấy trước năm 1980 tiết kiệm và đầu tư rất gần nhau, do vậy đầu tư ra nước ngoài ròng là nhỏ. Nhưng sau năm 1980, tiết kiệm quốc gia ở Mỹ giảm rất mạnh do thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên và tiết kiệm tư nhân giảm đi. Khoảng cách giữa tiết kiệm quốc gia và đầu tư trong nước giãn rộng, vậy nên đầu tư ra nước ngoài ròng trở thành một số âm lớn NFI < 0 tiết kiệm quốc gia thiếu hụt so với đầu tư trong nước. Khi đó xuất khẩu ròng NX cũng trở thành một số âm, nước Mỹ có thâm hụt cán cân thương mại.Vậy tiết kiệm giảm sút là một vấn đề tiềm tàng vì nó có nghĩa là đất nước đang tiết kiệm ít cho tương lai của mình, gây ra thâm hụt cán cân thương mại, kéo theo đó là cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước hay phải vay nợ vốn từ nước ngoài.
Hình 3- 8. Cán cân thương mại, tiết kiệm và đầu tư ở nước Mỹ
(Nguồn: Mankiw, 2013)